Dự án sân bay khiến vùng “gió Lào cát trắng” lên cơn sốt đất
Người dân rầm rộ mua, bán đất ở khu vực dự kiến xây dựng sân bay Quảng Trị...
Từ sau tết Tân Sửu 2021, có rất đông người đến các khu dân cư ở xã Gio Quang và Gio Mai, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị để hỏi mua đất gần nơi dự kiến xây dựng sân bay Quảng Trị. Vùng đất bạt ngàn cát trắng, chỉ thích hợp với trồng tràm, nay giá đất bỗng tăng chóng mặt.
Đất cát được thổi giá bạc tỷ
Những ngày này, đến thôn nào của xã Gio Quang, cũng đều nghe người dân hỏi nhau về việc mua, bán đất. Ông Lê Văn Q. - ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang - kể, gia đình ông vừa bán được 1,5ha đất rừng tràm với giá 370 triệu đồng. Hiện rất nhiều “cò” thường xuyên đến từng hộ hỏi mua đất với nhiều mức giá khác nhau, từ 200-400 triệu đồng/lô 1,5ha, tùy vị trí xa hay gần chỗ xây dựng sân bay.
Ông B.X.M. - ở xóm Đồng Đội 9, xã Gio Quang - có 3ha đất cát kém dinh dưỡng, chỉ trồng được cây tràm, hiệu quả kinh tế không bao nhiêu. Nhưng từ sau tết, nhiều người đến hỏi thông tin về lô đất rồi trả giá tăng dần, lên đến 700 triệu đồng/3ha khiến ông rất bất ngờ. Bất ngờ vì lâu nay, đất ở đây chỉ được bán với giá 5 triệu đồng/ha mà không mấy người muốn mua. Thấy giá đất tăng, nhiều gia đình ở xã Gio Quang có đất trồng rừng như ông M. liền bán ngay.
Ông Lê Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Gio Quang - cho hay, từ sau tết Tân Sửu 2021 đến nay, giá đất trong xã tăng lên hàng chục lần. Ngay cả khu đất sản xuất dành cho các hộ tái định cư để giãn dân của xã, cách vị trí xây dựng sân bay khoảng 2km, cũng được thổi giá lên từ 1,5-1,7 tỷ đồng/lô 3.000m2.
“Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giao dịch dân sự và là quyền của người dân nên chính quyền không thể can thiệp. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân nên gặp chính quyền để được hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ trước khi chuyển nhượng. Chúng tôi khuyên người dân không nên đưa giấy tờ gốc chứng minh quyền sử dụng cho người lạ” - ông Thông nói.
Ông Thông cho biết thêm, UBND xã Gio Quang cũng đề xuất UBND H.Gio Linh sớm kiến nghị UBND tỉnh triển khai ngay việc cắm mốc chỉ giới đất quy hoạch các tuyến giao thông trên địa bàn xã, để chính quyền địa phương quản lý đất đai thuận lợi hơn.
Khó xử lý tình trạng “cò” phân lô, bán nền
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2006 trở về trước, ở tỉnh Quảng Trị, hầu như không có khái niệm “cò” đất. Khi tỉnh này bắt đầu xây dựng một số khu tái định cư cho các hộ dân trong diện giải tỏa, di dời để xây dựng các công trình nhà nước, UBND tỉnh bắt đầu cho phân lô, đấu giá đất ở; giá đấu trúng xê dịch chỉ vài triệu đồng so với giá sàn, thậm chí chỉ xê dịch vài chục ngàn đồng/lô. Một số đối tượng nhận thấy có thể kiếm lời từ việc đấu giá, mua bán đất nên đã câu kết, tổ chức thành các “phường” chuyên kinh doanh đất đai, có sự tham gia của các đối tượng “xã hội đen”.
Nhận được phản ảnh, đơn thư tố giác của người dân, công an địa phương đã vào cuộc quyết liệt, đưa hoạt động đấu giá trở lại trật tự. Đến năm 2016-2017, bất động sản (BĐS) ở tỉnh này gần như đóng băng, nhất là khu vực phía nam TP.Đông Hà. Đến đầu năm 2018, nghe tin có nhiều tập đoàn lớn và nhiều doanh nghiệp đến tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu, đầu tư xây dựng các khu đô thị, du lịch sinh thái, trung tâm thương mại, các nhà đầu cơ BĐS ở TP.Đông Hà liền tung tin bán được hàng loạt lô đất với giá cao nhờ khách hàng từ TP.Đà Nẵng ra mua, nhằm thổi giá. Kể từ đó trở đi, giá BĐS tại tỉnh Quảng Trị cứ thế tăng lên hằng tuần. Không chỉ ở khu vực phía nam TP.Đông Hà, “cò” BĐS còn khuếch đại thông tin về các kế hoạch đầu tư xây dựng nào đó trong tương lai ở nhiều nơi trong tỉnh.
Cùng với đó, các văn phòng giao dịch BĐS ở tỉnh mọc lên như nấm. Các “cò” còn lùng sục khắp nơi tìm mua các loại đất với giá thấp, sau đó phối hợp người bán chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở rồi tự phân lô, đấu giá với giá đấu cao ngất ngưởng.
Ông Trần Hoài Linh - Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - cho biết, pháp luật không cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nên khi người dân có nhu cầu mà xét thấy không vướng về quốc phòng, an ninh thì cơ quan chức năng và chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ chuyển đổi mục đích. Lợi dụng điều này, các “cò” đất sục sạo khắp nơi, tìm các loại đất không phải đất ở, thỏa thuận với người dân để chuyển đổi thành đất ở rồi tự phân lô, bán lại kiếm lời. Tình trạng này khiến những người có nhu cầu thực sự về đất ở gặp rất nhiều khó khăn. Về lâu dài, việc phân lô, mua bán này sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt về quy hoạch, phát triển xây dựng và đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Ngày 26/1/2021, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư dự án khoảng trên 8.000 tỷ đồng, tổng diện tích dự án hơn 316ha, tập trung chủ yếu ở xã Gio Quang và một phần xã Gio Mai của H.Gio Linh. Đây là cảng hàng không nội địa, dùng chung cho mục đích dân dụng và quân sự. Thông tin này khiến nhiều “chuyên viên” BĐS tìm đến hai xã này để mua đất nông nghiệp, khiến vùng này lên cơn sốt đất.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - xác nhận, có tình trạng người dân rầm rộ mua, bán đất ở khu vực dự kiến xây dựng sân bay Quảng Trị. Tuy nhiên, một số đơn vị, cá nhân kinh doanh BĐS đã lợi dụng việc kêu gọi xúc tiến đầu tư của UBND tỉnh để tăng giá đất. UBND tỉnh Quảng Trị đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đồng thời công bố thông tin chính thức để ổn định giá cả thị trường BĐS.
Ông Đồng nhận định: “Sốt ảo về giá BĐS sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm xáo trộn tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh là ổn định thị trường BĐS. Giá cả tăng phải trên cơ sở khoa học và tuân thủ đúng quy hoạch”.
Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, nước ta hiện có 22 sân bay dân sự, gồm 13 sân bay nội địa và 9 sân bay quốc tế nhưng chỉ mới có 6/22 sân bay hoạt động có lãi. Việc xây dựng sân bay không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Để BĐS gia tăng giá trị, cần có các tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông và cơ hội nghề nghiệp thuận lợi. Do đó, người dân cần tỉnh táo trước khi quyết định mua đất đầu tư, tránh mắc phải bẫy của các “cò” BĐS.
Thuận Hóa
-
Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội