Đua xây sân bay, sao không dành nguồn lực làm đường cao tốc?
PGS.TS Ngô Trí Long cảnh báo “cơn khát” sân bay trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn sẽ lãng phí nguồn lực về vốn, tài nguyên đất đai cùng nhiều hệ lụy khác.
Dư luận gần đây không khỏi sửng sốt khi có đến hàng chục địa phương đề xuất xây mới hoặc nâng cấp sân bay ngoài dự thảo quy hoạch hàng không. Nguyên nhân xuất phát từ việc hàng loạt cảng hàng không đang liên tục thua lỗ. Trong khi hiệu quả chưa thấy nhưng gánh nặng về ngân sách ngày càng chất chồng.
Vì sao địa phương “khát” sân bay?
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng câu chuyện các địa phương đua xin xây sân bay không phải bây giờ mới có. Khoảng 10 năm trước, “cơn khát” sân bay từng bùng lên. Dù có hàng loạt lý do được đưa ra khi đề xuất nhưng thực tế cho thấy bức tranh khá ảm đạm, không ít sân bay hoạt động cầm chừng.
“Nhiều lãnh đạo địa phương muốn để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình, hoặc suy nghĩ khi có hạ tầng hàng không sẽ dễ dàng thu hút đầu tư, tạo lợi thế phát triển… Tuy nhiên việc xây dựng sân bay phải căn cứ vào điều kiện thực tế, với những tiêu chí rất chẽ, chứ không phải theo phong trào anh có tôi cũng có”, ông Long nói.
Dẫn số liệu thống kê của ngành giao thông, ông Long cho hay, hiện cả nước có 23 sân bay thì chỉ 6 kinh doanh có lãi (hoặc mới bắt đầu có lãi). Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân... vì đầu tư sân bay rất tốn kém.
Vẫn theo ông Long, trường hợp các địa phương dùng vốn xã hội hóa cũng cần thận trọng, tính toán kỹ lưỡng. Bởi dù đầu tư từ vốn nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, nguồn lực vốn, tài nguyên cần sử dụng hiệu quả, các địa phương không thể đua nhau xây dựng sân bay theo kiểu ngẫu hứng, làm theo phong trào.
“Những lợi thế to lớn mà cảng hàng không có thể đem lại cho một địa phương là điều không thể phủ nhận, nhất là phát triển du lịch, kết nối giao thương và kêu gọi đầu tư. Nhưng quy hoạch hàng không thì không thể chỉ cục bộ địa phương mà phải tính đến sự cần thiết, mức độ khả thi, an ninh quốc phòng, khẩn nguy cứu trợ, cũng như điều kiện tự nhiên như vùng trời, thời tiết, đất đai…”, ông Long nhấn mạnh.
Dành nguồn lực làm đường cao tốc
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện tại, thay vì ồ ạt chạy đua đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay nên ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hệ thống đường cao tốc. Những năm qua, các tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Việc đẩy mạnh phát triển cao tốc đường bộ cũng sẽ giúp giảm chi phí vận tải, góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng đó, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và thuận tiện chính là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp cả trung ương và địa phương.
“Vận chuyển đường hàng không tốc độ nhanh, an toàn nhưng vì chi phí rất cao, mức độ tiếp cận lại thấp. Trong khi đường bộ cơ động, tiện lợi, lưu lượng lớn. Khi hệ thông đường cao tốc đồng bộ, khai thác tốt được tốc độ sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, vùng miền, các khu công nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông”, ông Long nhấn mạnh.
HÒA BÌNH
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội