Đội tuyển Anh: Đừng thấy đỏ mà ngỡ chín
Thật dễ hiểu niềm phấn khích đang bao trùm lên đảo quốc sương mù vào lúc này. Song, nếu chỉ vì chiến thắng trên chấm 11m trước Colombia mà người Anh đã kịp nghĩ xa đến tận trận chung kết, hoặc còn xa hơn nữa thì quả thật, họ quá lạc quan.
1. Cứ cho là Gareth Southgate đã cùng đoàn quân của mình vượt qua được "lời nguyền" không thắng luân lưu ở sân chơi World Cup, cứ cho là thế đi. Mặc dù, nói cho đúng, vào mùa hè EURO 1996, trước khi chính ông phải cúi đầu sau một cú sút nghiệt ngã, “Tam sư” cũng vừa giành chiến thắng ở tứ kết, sau một loạt sút luân lưu trước Tây Ban Nha.
Nhưng không sao, mọi câu chuyện lịch sử đều chỉ mang giá trị tham khảo. Mọi tiền lệ đều có thể bị phá vỡ, và bất cứ điều gì cũng có thể là một khởi đầu mới. Với sự thăng hoa tinh thần được đẩy lên cực đại (dù là vô tình hoặc cố ý) này, cũng chẳng có lý do gì để CĐV Anh không thể đặt trọn niềm tin vào đội bóng của mình.
World Cup 1966, lần duy nhất đội tuyển Anh có được một danh hiệu quốc tế lớn, trên sân nhà, họ cũng thường xuất quân với bộ đồng phục đỏ rực như đêm qua trước Colombia.
2. Song, nói đến niềm vui bùng nổ của Harry Kane, cũng nên ngoái lại nhìn nỗi buồn quặn thắt của James Rodriguez bên phía Colombia. Chàng trai ấy, số 10 mang dáng dấp cổ điển ấy, đôi chân khuynh đảo World Cup 2014 ấy, đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi một cách không đúng lúc. Colombia chỉ còn Quintero trong vai trò là người cung cấp những ý tưởng sáng tạo.
Nhưng kể cả như thế, Colombia vẫn đủ sức đưa trận đấu trở về vạch xuất phát, trong những phút bù giờ.Kể cả như thế, họ vẫn đưa được trận đấu đến tận cuộc đấu súng tàn nhẫn.
Kể cả khi Quintero cũng rời sân, “Tam sư” vẫn phải nhờ đến sự cứu rỗi từ phản xạ và tinh thần tập trung của Pickford, để tránh khỏi bi kịch mang hình dạng cú phóng pháo từ chân Bacca.
Một đội tuyển Anh như vậy, liệu đã thực sự xứng tầm với vị trí ứng cử viên vô địch sáng giá chưa? Hay nói như huyền thoại Michael Owen sau vòng bảng: “Chúng ta nghiền nát một đối bóng nghiệp dư (Panama). Chúng ta chật vật thắng Tunisia ở loạt trận cuối. Chúng ta thất bại trước đối thủ đích thực duy nhất (đội tuyển Bỉ). Và chúng ta tin rằng chúng ta sẽ vô địch thế giới?”.
3. Dĩ nhiên, Owen không có ý hạ thấp các hậu bối của mình, đội bóng đại diện cho Tổ quốc mình. Đơn giản, anh muốn tất cả hãy đặt chân xuống mặt đất, để tránh bị trả giá bởi sức ép của kỳ vọng. Điều đó, suýt nữa đã bị Colombia biến thành hiện thực.
Harry Kane có bứt lên trong cuộc đua Chiếc giày vàng hay không, cũng không quan trọng bằng việc cả đội tuyển có thể tiến xa đến đâu. Hơn ai hết, Owen là một trong những người cảm nhận được rõ nhất nỗi thất vọng của những thế hệ cầu thủ Anh đánh mất mình bởi sự phỉnh phờ của danh vọng hào nhoáng. Từ Paul Gascoigne qua những Owen, Beckham, Gerard, Lampard… tới Walcott, Joe Cole…bao nhiêu lần gục ngã không đáng có rồi.
Nhưng bây giờ, không ai còn kìm hãm được những giấc mơ. Những kẻ khô khát luôn muốn say sưa thêm một chút nữa. Mà trước mặt là Thụy Điển, một Thụy Điển luôn bị đánh giá thấp hơn, nhưng chưa từng lép vế trước Anh ở các kỳ vận hội lớn, kể từ EURO 1992 trở lại.
Sức càn lướt, tốc độ, khả năng không chiến… của Harry Kane liệu có nung chảy được băng giá Scandinavia?
PHI HỒ
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch