[Điều tra] Rắp tâm lấn chiếm bờ sông Sài Gòn: UBND TP HCM chỉ đạo gấp rút rà soát

Thứ sáu, 26/04/2019, 09:26 AM

Thành lập đoàn kiểm tra, điều chỉnh lại quy hoạch... là những động thái quyết liệt của UBND TP.HCM để bảo vệ bờ sông Sài Gòn.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM thừa nhận chất lượng một số đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt dọc sông Sài Gòn còn hạn chế, chưa có giải pháp khai thác giá trị cảnh quan ven sông để phục vụ các hoạt động công cộng… Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định đã chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện gấp rút thực hiện nhiều việc để khắc phục.

Nghiên cứu khai thác tiềm năng, lợi thế

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở - ngành liên quan và 9 quận - huyện có sông Sài Gòn chảy qua lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông Sài Gòn. Kế đến, Sở Giao thông Vận tải lập tức tổ chức lập và công bố mép bờ cao quy hoạch sông Sài Gòn đối với các khu vực chưa công bố; đề xuất phương án điều chỉnh phạm vi chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ theo từng đoạn, tuyến sông Sài Gòn cho phù hợp với điều kiện thực tế, trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.

Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm, TP HCM sẽ lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông Sài Gòn Ảnh: LÊ PHONG

Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm, TP HCM sẽ lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông Sài Gòn Ảnh: LÊ PHONG

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến còn thông tin TP đang tiến hành nghiên cứu giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, cảnh quan và môi trường sông Sài Gòn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP. Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM được giao chủ trì, phối hợp với các sở - ngành và quận - huyện tổ chức lập đề án này.

Trong nội dung đề án, TP.HCM yêu cầu rà soát hiện trạng sử dụng đất 2 bên bờ sông Sài Gòn, xác định những khu vực đất đang do nhà nước quản lý, đất của người dân đang sử dụng để lên phương án khai thác hợp lý; tích hợp đầy đủ định hướng phát triển các ngành - lĩnh vực (kinh tế, môi trường, du lịch, giao thông...) nhằm đề xuất các giải pháp toàn diện trong khai thác và bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan dọc sông. Từ đó, đề xuất các chính sách phù hợp, thu hút nguồn lực đầu tư tham gia để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc tổ chức, tạo lập không gian cảnh quan bờ sông bảo đảm mỹ quan, hiệu quả và bền vững. TP.HCM đã ra thời hạn cho Viện Nghiên cứu phát triển TP trình kế hoạch tổ chức nghiên cứu cho UBND TP trước ngày 30-5.

"Những động thái trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng hành lang bờ sông Sài Gòn; bảo đảm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế về cảnh quan tự nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái khu vực dọc sông Sài Gòn" - ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Rà soát, đánh giá tổng thể 50 đồ án quy hoạch

Ngoài những chỉ đạo quyết liệt trên, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, UBND TP.HCM còn đặc biệt chỉ đạo các sở - ngành tiến hành nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn.

"UBND TP HCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các đơn vị rà soát, đánh giá tổng thể 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến quận 7" - ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. Theo ông, nội dung rà soát, đánh giá sẽ tập trung vào mối quan hệ, tính kết nối về giao thông, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất 2 bên bờ sông với đặc thù về cảnh quan, môi trường tự nhiên của dòng sông; làm rõ điểm nổi bật về vị trí, cảnh quan và sử dụng đất của từng khu vực.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng đề cương, kế hoạch nghiên cứu - có sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực - kết hợp với học tập kinh nghiệm về quy hoạch, thiết kế đô thị và tổ chức quản lý, khai thác cảnh quan sông nước tại một số TP trên thế giới để tham mưu, trình UBND TP lập điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan dọc sông Sài Gòn.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc làm trên nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông Sài Gòn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường đô thị theo hướng bền vững, hài hòa. Vì vậy, đề cương và kế hoạch nghiên cứu này cũng phải trình UBND TP trước ngày 30-5.

Tính toán chia sông Sài Gòn ra 3 đoạn

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho rằng với hiện trạng, tình hình quy hoạch xây dựng và yêu cầu quản lý thì có thể chia sông Sài Gòn đoạn qua TP HCM thành 3 đoạn.

Đoạn 1 là từ ranh giới phía Bắc TP HCM đi qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần quận Bình Thạnh (ở phía bờ Tây), một phần quận Thủ Đức (phía bờ Đông) đến cầu Bình Triệu (dài khoảng 60 km). Đoạn 1 được chia làm hai đoạn nhỏ. Đoạn 1a: Từ ranh giới phía Bắc TP thuộc địa bàn huyện Củ Chi đến cầu Bình Phước trên Quốc lộ 1 thuộc địa bàn quận 12 (dài khoảng 54 km). Không gian dọc bờ sông (rộng khoảng 30 m) sẽ quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đoạn 1b: Từ cầu Bình Phước trên Quốc lộ 1 đến cầu Bình Triệu trên Quốc lộ 13, đi qua quận 12, quận Bình Thạnh ở bờ phía Tây và quận Thủ Đức (dài khoảng 6 km). Đây là khu vực đã và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trên không gian dọc bờ sông (rộng khoảng 30 m), quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông chủ yếu là khu dân cư.

Đoạn 2 là từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận, đi qua quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4 ở bờ phía Tây và một phần quận Thủ Đức, quận 2 ở bờ phía Đông (dài khoảng 15 km). Không gian dọc bờ sông (rộng khoảng 50 m) sẽ quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông là khu dân cư và các chức năng công cộng.

Đoạn 3 là từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đỏ, quận 7 ở bờ phía Tây và quận 2 ở bờ phía Đông (dài khoảng 6 km). Khu vực này đã hình thành một số đoạn đường giao thông ven sông theo quy hoạch nhưng chưa tạo thành tuyến giao thông kết nối thông suốt. Không gian dọc bờ sông (rộng khoảng 50 m) sẽ quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông là khu dân cư, công nghiệp, kho bãi hàng hóa gắn với cảng sông và khu công viên văn hóa giải trí tại khu vực mũi Đèn Đỏ. 

TS ĐÀO TRỌNG TỨ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam:

Đi ngược xu thế

Hành động biến bờ sông Sài Gòn thành của riêng là vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Việc các cơ quan liên quan cho rằng các dự án lấn chiếm bờ sông Sài Gòn được phê duyệt, giao đất trước năm 2004, khi đó chưa có quy định về hành lang an toàn sông Sài Gòn, là không đúng. Bởi Luật Tài nguyên nước (1998), Pháp lệnh Tài nguyên khoáng sản (1989) cũng đã có quy định không được phép lấn, xây dựng sát bờ sông.

Ngoài ra, việc lấy lý do khu vực xây dựng công trình không ảnh hưởng đến dòng chảy, cảnh quan, sinh vật ở sông... là ngụy biện và cố tình vi phạm pháp luật bằng những chữ nghĩa mỹ miều "chỉnh trang đô thị". Hãy nhớ, tại sao tại vườn quốc gia tuyệt đối cấm xây dựng công trình nhà ở, đường đi? Đó là, dù một căn nhà không ảnh hưởng đến thay đổi đa dạng sinh học nhưng vẫn phải cấm vì muốn phát triển bền vững. Ở đây, quy định xây dựng dọc bờ sông cũng vậy. Pháp luật đã quy định thì phải tuân thủ. Việc lấn chiếm sông là đi ngược lại với xu thế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

TS VÕ MINH PHÚC, Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM:

Ở nhiều nước, đó là tội hình sự

Ở tất cả các nước phát triển, việc lấn chiếm sông bị khép vào tội rất nặng, có thể đối mặt bản án hình sự.

Đó là chưa kể ở nhiều nước, mọi hoạt động gây hại đến môi trường sông đều phải xem xét lấy ý kiến tất cả người dân xung quanh với bán kính 2 km. Ngay lúc này, chính quyền TP.HCM nên mở lối đi ven sông để người dân không còn nhìn bờ sông qua các bức tường biệt thự, tòa nhà cao tầng.

Nhóm phóng viên

 

Theo nld.com.vn