Loạn mua bán đất, xây dựng trái phép ở Quảng Nam: Quản lý lỏng lẻo, người dân gánh hậu quả
Ngày 21/4, hàng trăm hộ dân Đà Nẵng, Quảng Nam lại kéo đến nhà riêng của giám đốc Công ty Bách Đạt An để đòi sổ đỏ thuộc các dự án của công ty này đầu tư tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, gây rối loạn trật tự trị an tại địa phương. Đây là lần thứ 3 xảy ra tình trạng xung đột mất kiểm soát giữa khách hàng và nhà đầu tư bất động sản.
Trong khi đó, một dự án khác “Khu đô thị số 6” cũng tại Điện Nam - Điện Ngọc của Công ty CP đầu tư phát triển đô thị - Dana HomeLand lại bất chấp quyết định đình chỉ xây dựng của chính quyền do không có giấy phép, vẫn triển khai dự án. Điều này làm dấy lên lo ngại dự án sẽ tung bán khi chưa đủ các điều kiện pháp lý, nguy cơ xảy ra tranh chấp với khách hàng tiếp tục xảy ra "nóng" tại khu vực này...
Luật bị vô hiệu hóa
Đầu tháng 3/2019, Đội trưởng Đội kiểm tra Quy tắc đô thị, Thị xã Điện Bàn Nguyễn Đình Chấn đã ra thông báo tạm đình chỉ hoạt động xây dựng 8 nền móng biệt thự song lập tại dự án “Khu đô thị số 6” - Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc do Dana HomeLand làm chủ đầu tư. Lý do sau 2 lần kiểm tra, doanh nghiệp này đã không xuất trình được giấy phép xây dựng đối với công trình đang thi công.
Trong công văn ông Chấn ký cũng nhấn mạnh, trong vòng 60 ngày (kể từ ngày kiểm tra 27/2/2019), nếu Dana HomeLand không bổ sung được giấy phép xây dựng của cấp thẩm quyền, thì Đội quy tắc đô thị sẽ tiến hành tháo dở công trình xây dựng không phép.
Đã gần hết hạn định 60 ngày, nhưng theo UBND thị xã Điện Bàn thì Dana HomeLand vẫn chưa có được giấy phép xây dựng đối với 8 căn biệt thự song lập mà DN này xây dựng trái phép trước đó. Không những vậy, Dana HomeLand vẫn tiếp tục triển khai xây dựng trái phép trên công trường.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết sẽ chỉ đạo cho kiểm tra ngay, kiên quyết đình chỉ xây dựng nếu DN vẫn chưa có giấy phép, đồng thời có thể ra quyết định xử lý hành chính nếu chưa có hướng dẫn từ sở Xây dựng hoặc UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Đạt cũng nói thêm, tại thời điểm kiểm tra, Dana HomeLand chỉ xuất trình được quy hoạch tổng thể theo tỷ lệ 1/500. Doanh nghiệp này lý giải rằng công trình được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiêu, chiếu theo các quy định nhà nước là không đúng. Bởi nếu được miễn giấy phép xây dựng phải đảm bảo hai điều kiện là phải có quy hoạch tỉ lệ 1/500 và thiết kế xây dựng chi tiết, công trình quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m². Chính quyền luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, xử lý theo chủ trương là hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện đúng luật chứ không dung túng cho hoạt động trái pháp luật.
Chưa rõ việc "mua bán tay ba"
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn-Nguyễn Đạt cũng cho biết, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có Ban quản lý riêng, trực thuộc trực tiếp UBND tỉnh Quảng Nam. Cuối 2018, Ban quản lý giải tán thì Điện Bàn mới tiếp nhận nên nhiều dự án, vụ việc, địa phương chưa nắm rõ. Đặc biệt, đối với dự án "Khu đô thị số 06” của Dana HomeLand đã từng mua bán, chuyển nhượng từ nhiều nhà đầu tư khác nhau.
Được biết, nguồn gốc của án này là của Công ty TNHH Chí Thành đầu tư từ 3/2008, và quy mô dự án được Quảng Nam giao đất gần 50 ha. Tuy nhiên, sau hàng chục năm triển khai ì ạch, thua lỗ, bỏ hoang công trình dang dở, dự án đã bị Quảng Nam thu hồi một phần. Đối với công trình dang dở, Dana HomeLand đã mua bán nợ thông qua Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam- PVcombank.
Việc mua bán "tay ba" gồm PVcombank - công ty Chí Thành và Dana HomeLand đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất. Gần 28 ha có công trình xây dựng dang dở thuộc dự án cũng được giao lại cho Dana HomeLand tiếp tục thực hiện vào đầu năm 2019.
Theo Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Nguyễn Đạt thì đây là một hình thức mua bán khá mới, địa phương không thể khẳng định đây là sự mua bán nợ hay là mua bán dự án. Hình thức này là mua bán có liên quan đến vấn đề dân sự khi một doanh nghiệp sau kế thừa tài sản mà doanh nghiệp trước để lại thông qua một đơn vị thứ ba. Do đó, địa phương này khá lúng túng trong việc xử lý triệt để vấn đề. Đó cũng chính là lý do chính quyền Điện Bàn không thể trả lời được việc thu hồi đất, không thông quá đấu giá mà lại giao tiếp cho Dana HomeLand có đúng pháp luật? Việc Dana HomeLand tiếp nhận và triển khai tiếp dự án của Chí Thành là sang tay dự án hay mua bán nợ?...
Trong khi Ban quản lý Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc đã giải tán, chính quyền Điện Bàn không nắm rõ vụ việc, lúng túng xử lý thì UBND tỉnh Quảng Nam lại né tránh câu trả lời với lý do các phó chủ tịch UBND tỉnh đã luân chuyển vị trí công tác hoặc thay đổi lĩnh vực quản lý nên chưa trả lời cụ thể được.
Thời điểm này, vụ việc hàng ngàn người dân đi đòi sổ đỏ khi mua đất tại 3 dự án Khu đô thị 1, 7B mở rộng, Hera Complex Riveside của Công ty Bách Đạt An thuộc Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang tiếp tục nóng lên từng ngày.
Đây là lý do khiến các nhà đầu tư thức cấp, các nhà kinh doanh bất động sản và người dân lo ngại về các sản phẩm của Dana HomeLand đang hình thành, sắp tung ra thị trường thời gian tới.
Nhóm PV
-
Khi nào đất nền phía Nam vào sóng tăng giá?
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS