Đề xuất quy định mới về lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu từ 1/7/2025
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trong đó đề xuất quy định về lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Việc xác định thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 hoặc làm công việc khai thác than trong hầm lò (sau đây được viết là làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên) để làm căn cứ xét điều kiện hưởng lương hưu được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên mà phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) thì thời gian này được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
b) Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian này được tính là thời gian làm ghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
c) Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên mà được cử đi làm việc, đi học, hợp tác lao động mà không làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì thời gian này không được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
d) Đối với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời gian này không được tính là thời gian làm ghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
2. Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại khoản 7 Điều 33 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết như sau:
a) Đối tượng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội thì phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 14 năm 6 tháng đến dưới 15 năm.
b) Đối tượng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo Điều 65 của Luật Bảo hiểm xã hội thì phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 19 năm 6 tháng đến dưới 20 năm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
c) Thời điểm đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu sớm nhất là tháng trước liền kề tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính theo quy định tại Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 12: Bà A 55 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 32 năm 04 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01/10/2025. Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà A được tính như sau:
- 15 năm đầu được tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, tính thêm: 17 x 2% = 34%;
- 4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm: 0,5 x 2% = 1%
- Tổng các tỷ lệ trên là: 45% + 34% + 1% = 80% (chỉ tính tối đa bằng 75%);
- Bà A nghỉ hưu trước tuổi quy định (56 tuổi 8 tháng) là 1 năm 8 tháng nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2% + 1% = 3%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A là 75% - 3% = 72%. Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm (02 năm 4 tháng) nên ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần là: 2,5 năm x 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 13: Ông B 61 tuổi 3 tháng, làm việc trong điều kiện bình thường, có 18 năm 04 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01/9/2025. Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông B được tính như sau:
- 15 năm đầu được tính bằng 40%;
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 18 là 03 năm, tính thêm: 03 x 1% = 3%;
- 4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm: 0,5 x 1% = 0,5%
- Tổng các tỷ lệ trên là: 40% + 3% + 0,5% = 43,5%.
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B là 43,5%.
Ví dụ 14: Ông K nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 4/2027 khi đủ 55 tuổi. Ông Q có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; bị suy giảm khả năng lao động 81%. Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông K được tính như sau:
- 20 năm đầu được tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 là 10 năm, tính thêm: 10 x 2% = 20%;
- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 20% = 65%;
- Ông K nghỉ hưu trước tuổi 56 tuổi 9 tháng (tuổi nghỉ hưu năm 2027 của người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) là 01 năm 9 tháng nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 2% + 1% = 3%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông K là 65% - 3% = 62%.
2. Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 15: Ông C 62 tuổi, đề nghị hưởng lương hưu từ ngày 01/3/2029, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam là 10 năm và thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Hàn Quốc là 5 năm.
Việc xem xét, giải quyết chế độ hưu trí đối với ông C được thực hiện căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để xét điều kiện hưởng lương hưu của ông C là tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc: 10 năm + 5 năm = 15 năm. Như vậy, ông C đủ điều kiện hưởng lương hưu.
- Mức hưởng lương hưu ở Việt Nam được tính theo thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam:
+ Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông C là: 10 năm x 2,25% = 22,5%.
+ Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam được tính theo quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội.
- Ngoài mức lương hưu được hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam, ông C còn được hưởng chế độ hưu trí đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại Hàn Quốc theo quy định của pháp luật của Hàn Quốc.
Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
1. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ được tính cụ thể như sau:
a) Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
b) Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 16: Ông D làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu có 38 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng ông D không nghỉ việc hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội thêm 3 năm mới nghỉ việc hưởng lương hưu. Khi nghỉ việc hưởng lương hưu ông D có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 41 năm. Như vậy, ngoài lương hưu ông D còn được hưởng trợ cấp một lần được tính như sau:
- 3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 03 năm x 0,5 = 1,5.
- 3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 3 năm x 2 = 6.
Như vậy, ông D được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 7,5 (1,5 + 6) lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Thời điểm hưởng lương hưu
Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động được quy định tại Điều 69 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết như sau:
1. Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp người lao động tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt làm việc.
Ví dụ 17: Ông A sinh ngày 10/10/1964, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25 năm. Thời điểm hưởng lương hưu của ông A được tính từ tháng 5/2026.
Ví dụ 18: Ông B sinh ngày 1/10/1964, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25 năm. Ông B tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định đến hết ngày 31/12/2026 thì chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng bảo hiểm xã hội. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của ông B được tính từ tháng 1/2027.
a) Trường hợp hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người có đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động. Trường hợp người lao động có kết luận bị suy giảm khả năng lao động trước tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Ví dụ 19: Ông D sinh ngày 10/7/1970, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 23 năm. Ngày 05/4/2027, Hội đồng Giám định y khoa kết luận ông D bị suy giảm khả năng lao động 61%. Thời điểm hưởng lương hưu của ông D được tính từ tháng 5/2027.
Ví dụ 20: Bà T sinh ngày 13/7/1975, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 25 năm. Bà T được Hội đồng Giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động 61% từ ngày 16/4/2024. Thời điểm hưởng lương hưu của bà T được tính từ tháng 12/2027.
Ví dụ 21: Ông H sinh ngày 15/8/1970, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 25 năm (từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2024), đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; ông H được Hội đồng Giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động 61% từ ngày 15/02/2025. Ngày 10/12/2027, ông H có văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết cho ông hưởng lương hưu từ tháng 9/2027.
Trường hợp ông H được giải quyết hưởng lương hưu từ tháng 9/2027 (theo đề nghị và đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định).
b) Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh) thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tháng đủ tuổi nghỉ hưu được xác định trên cơ sở lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định tuổi của người lao động.
Ví dụ 22: Bà C trong hồ sơ chỉ thể hiện sinh năm 1970 (không có ngày, tháng sinh), làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 18 năm.
Trường hợp bà C khi xác định điều kiện hưởng lương hưu lấy ngày 1/1 của năm sinh (1/1/1970) để làm căn cứ xác định tuổi của người lao động. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà C được tính từ tháng 6/2027.
c) Thời điểm hưởng lương hưu sớm nhất của người lao động hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành.
Ví dụ 23: Bà C sinh ngày 15/1/1968, làm việc trong điều kiện lao động bình thường, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17 năm và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Ngày 20/9/2025, bà C có văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết cho bà được hưởng lương hưu kể từ khi đủ điều kiện. Thời điểm hưởng lương hưu đối với bà C được tính kể từ tháng 7/2025 (kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành).
2. Thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn đủ hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1 năm 1995 được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 33 của Nghị định số /2025/NĐ-CP.
Dự kiến Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.
-
Mức thu phí 2 di tích phố cổ Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội từ 1/1/2025
-
Vi phạm lĩnh vực khí tượng thủy văn bị phạt tới 100 triệu
-
Tình hình cung ứng, đặt chỗ và giá vé trên các đường bay nội địa dịp Tết nguyên đán
-
Hải quan TP HCM: Xác minh làm rõ gần 30 kiện hàng có nghi vấn
-
Thủ tướng: Xây dựng sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với yêu cầu '3 nhất'
-
Từ 1/1/2025, để giấy phép lái xe ô tô quá hạn bao lâu thì phải thi lại lý thuyết?