Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Đề xuất giảm VAT đến hết 2026: Người tiêu dùng, doanh nghiệp 'vui lẫn lo'

Thứ sáu, 28/03/2025 15:23 (GMT+7)

Đề xuất giảm thuế VAT xuống 8% đến hết năm 2026 cho nhiều mặt hàng thiết yếu khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp đều vui nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần cảnh báo.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm một lần nữa được Bộ Tài chính đề xuất, mở ra hy vọng lớn cho người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp. Theo dự thảo mới, mức thuế VAT áp dụng cho nhiều hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống 8% đến hết năm 2026. Điểm đáng chú ý là danh mục hàng hóa hưởng lợi lần này được mở rộng, bao gồm cả những sản phẩm thiết yếu như máy giặt, lò vi sóng, xăng dầu...

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT xuống 8% đến hết 2026. Người tiêu dùng kỳ vọng tiết kiệm chi phí. Ảnh: Xuân Đoàn

Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng tỏ ra phấn khởi khi một số hàng hóa thiết yếu trong cuộc sống được đề xuất giảm thuế VAT. Là người thường xuyên mua sắm cho gia đình, chị Lê Mỹ Nga (Long Biên, Hà Nội) hào hứng nói: "Người tiêu dùng cứ nghe được giảm thuế thì chắc chắn sẽ rất vui. Tôi đi siêu thị mua hàng một triệu đồng, được giảm ngay 20.000 đồng. Nghe có vẻ ít, nhưng tích lũy nhiều lần cũng thành khoản tiền đáng kể".

Không riêng chị Nga, chị Trương Thanh Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mong chờ chính sách này sớm được thực thi. "Gia đình tôi dự định sắm máy giặt lồng ngang giá 20 triệu đồng. Nếu được giảm thuế VAT, tôi sẽ tiết kiệm được ít nhất 400.000 đồng. Một khoản không nhỏ", chị Quỳnh Anh nhẩm tính.

Bên cạnh lợi ích cho người tiêu dùng, đề xuất giảm thuế còn mang đến kỳ vọng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Anh Ngô Tuấn Bảo (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Giảm VAT không chỉ giúp người mua hàng có lợi mà còn thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Giá bán thấp hơn, doanh số tăng, doanh nghiệp sẽ có động lực tung thêm nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn".

Tuy nhiên, anh Bảo cũng bày tỏ lo ngại, quan trọng là doanh nghiệp có thực sự điều chỉnh giá bán hay không. Nhà nước giảm thuế, nhưng nếu doanh nghiệp lợi dụng để giữ nguyên giá hoặc tăng giá thì người tiêu dùng vẫn chịu thiệt.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá, việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2026 là cần thiết để đảm bảo tính liên tục của chính sách, đồng thời kích thích tiêu dùng nội địa, một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đặc biệt nhấn mạnh việc xăng dầu được đưa vào nhóm giảm thuế là một điểm sáng đáng ghi nhận. "Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết ngành nghề. Khi giá xăng giảm, chi phí sản xuất giảm, kéo theo giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng giảm theo, lợi ích lan tỏa rộng khắp nền kinh tế", ông Thịnh phân tích.

Số liệu thực tế cũng chứng minh hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT trong những năm qua. Năm 2022, chính sách này đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm khoảng 51.400 tỷ đồng, thúc đẩy doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 20%. Trong năm 2024, con số hỗ trợ ước tính khoảng 49.000 tỷ đồng, tiếp tục tạo đà cho tiêu dùng nội địa phát triển.

Dù được đánh giá cao, đề xuất này vẫn còn nhiều tranh luận, ông Thịnh nhận định: "Giảm thuế VAT là bước đi đúng đắn, nhưng nên xem xét mở rộng thêm cho các lĩnh vực quan trọng khác như viễn thông, bất động sản, chứng khoán… để tối ưu hóa tác động".

Câu hỏi đặt ra là, làm sao để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân và doanh nghiệp? Minh bạch giá bán, kiểm soát việc điều chỉnh giá sau khi thuế giảm chính là yếu tố quan trọng mà cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ.

Mặc dù dự thảo vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, nhưng tâm lý chung của người dân và doanh nghiệp đều mong chờ chính sách này sớm được thông qua và áp dụng. "Giảm thuế, nếu thực hiện hiệu quả sẽ giúp nền kinh tế vận hành trơn tru hơn, doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, và quan trọng nhất là người dân thực sự được hưởng lợi", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Xuân Đoàn
Nguồn: sohuutritue.net.vn