Dân ồ ạt chiếm đất bỏ hoang của Dự án nuôi bò Bình Hà để trồng keo
Do Dự án chăn nuôi bò của Cty CP Chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh kém hiệu quả, bỏ hoang hàng trăm ha đất nên hiện nay nhiều người dân đã tự ý lên chiếm dụng để trồng keo.
Chiều ngày 1.4, gia đình ông Trần Thanh Hải (58 tuổi, trú thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) đang đưa cây keo con đi trồng trên diện tích đất của gia đình trước đây bị thu hồi giao cho Cty Bình Hà thực hiện dự án nuôi bò. Trước đó, vào năm 2015, gia đình ông Hải bị thu hồi 3,2 ha đất đã trồng keo nhưng đền bù đất chỉ 16 triệu đồng/ha, còn cây bồi thường khoảng 30 triệu đồng/ha.
Diện đất thu hồi của gia đình ông Hải sau đó công ty Bình Hà chỉ sử dụng 0,8ha trồng cỏ, còn lại bỏ hoang. “Phần trồng cỏ thì cũng chỉ một năm sau là phá cỏ trồng chuối. Thấy đất của công ty thu hồi hàng trăm ha mà bỏ hoang nên gần đây nhiều hộ dân ồ ạt đưa cây lên trồng. Nghĩ họ trồng được nên gia đình tôi cũng lên trồng. Từ ngày 26.3 vừa qua, nhà tôi đưa 500 cây keo lên trồng và hôm nay tiếp tục lên trồng” – ông Hải thật thà kể.
Đáng nói, theo ông Hải, nhiều hộ khác không có đất bị thu hồi nhưng thấy Cty Bình Hà bỏ hoang nên cũng tự lên chiếm để trồng keo. Sự việc dẫn đến đã có trường hợp tranh giành nhau mà xô xát, đánh nhau. “Nhìn họ bỏ hoang đất mà đau xót quá. Giờ mà công ty lấy lại tiền để chúng tôi lấy lại đất sản xuất thì còn gì bằng” – Ông Hải nói giọng chua xót.
Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan – cho biết, Dự án chăn nuôi bò của Cty Bình Hà thu hồi 254 ha đất sản xuất của khoảng 60 hộ dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, sau khi dự án kém hiệu quả, bỏ hoang diện tích đất rất lớn nên từ năm 2018 ở xã đã có 6 hộ dân tự ý lên chiếm lại đất để trồng keo.
Ở xã Cẩm Mỹ cũng xảy ra tình trạng tương tự khi có khoảng 10 hộ chiếm đất trồng keo. Ngay sau đó, UBND Cẩm Xuyên phối hợp với công ty, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không được tự ý chiếm đất của Cty Bình Hà. Dù vậy, năm 2019 này, một số hộ dân tiếp tục tự ý lên chiếm đất để trồng keo.
“Cần phải sớm có phương án xử lý về dự án này. Nếu không tái cơ cấu được nữa thì nên giao lại cho đơn vị khác, hoặc trả lại cho chính quyền để rồi sau đó có thể giao lại cho dân để dân có tư liệu sản xuất. Nếu để kéo dài sẽ rất lãng phí đất” – ông Trung nhìn nhận.
Ông Đào Mạnh Linh – Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp, địa phương có một trang trại chăn nuôi bò của Cty Bình Hà – cho biết, do nắm bắt được tư tưởng của người dân trên địa bàn muốn quay lại chiếm đất của Cty Bình Hà để trồng keo nên xã đã tổ chức tuyên truyền, giải thích rõ nên hiện ở xã chưa xảy ra tình trạng dân chiếm đất của Cty Bình Hà để trồng keo. Tuy vậy, ông Linh cũng bày tỏ mong muốn dự án sớm có hướng xử lý, tránh để lãnh phí đất đai. “Nếu được giao số diện tích đất của dự án này lại cho người dân sản xuất, trồng cây lâm nghiệp thì quá tốt rồi” – Ông Linh bày tỏ.
Một cán bộ thuộc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng thông tin, hiện nay rất nhiều hộ dân tự ý lên chiếm đất của Cty Bình Hà để trồng keo. Trước đây, công ty có ngăn chặn, nhưng hiện nay không thấy công ty phản ứng gì nữa. Sự việc vị cán bộ này cũng bày tỏ lo ngại sau này sẽ rất phức tạp khi công ty khôi phục lại dự án, hoặc chuyển giao cho đơn vị khác cần sử dụng đến số diện tích đất mà dân đã chiếm dụng.
Trần Tuấn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội