Xem xét cho phá sản dự án thua lỗ
Trong số 12 dự án thua lỗ, có những dự án dù đã nhiều lần tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho nhưng cũng không thành công. Có dự án các cơ quan chức năng đề xuất triển khai phương án mở thủ tục phá sản.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, bên cạnh một số dự án có “chuyển biến tích cực” thì một số dự án khác vẫn rất khó khăn. Đơn cử như Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam: Đây là dự án đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng Cty Giấy Việt Nam triển khai thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy nhưng không thành công. Hiện Tổng Cty Giấy phối hợp cùng với đơn vị tư vấn định giá lại dự án và đang hoàn thiện các thủ tục trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức thực hiện bán đấu giá vào quý II/2019.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, được khởi công từ qúy II năm 2009 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh, tiến độ mới đạt khoảng 78% khối lượng công việc. Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đã triển khai phương án tìm kiếm đối tác đầu tư để triển khai tiếp nhưng chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp. Hiện chủ đầu tư đang đề xuất triển khai phương án mở thủ tục phá sản đối với PVB.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên được khởi công từ tháng 9/2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ năm 2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn. Dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư TISCO và Tổng thầu MCC của Trung Quốc đã phát sinh nhiều vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.
Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình được bàn giao đi vào vận hành sản xuất thương mại từ tháng 9/2012. Đến tháng 7/2016 nhà máy đã dừng sản xuất do thua lỗ kéo dài và không còn đủ vốn lưu động. Theo Bộ Công Thương, đây là dự án còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tranh chấp hợp đồng EPC chưa được xử lý nên chưa quyết toán được dự án. Bên cạnh đó khó khăn về dòng tiền nên chưa đáp ứng được chi phí để sửa chữa, bảo dưỡng và mua vật tư dự phòng dẫn đến hệ thống thiết bị còn nhiều sự cố, giảm sản lượng và cơ hội bán hàng. Tình trạng này kéo dài sẽ khó bảo đảm mục tiêu xử lý dứt điểm dự án cũng như cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được bàn giao từ Vinashin về PVN. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vướng mắc lớn nhất của DQS là phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin. Hiện chi phí tài sản cố định của DQS quá lớn trong khi không có khách hàng để khai thác hết công suất các hạng mục đã đầu tư. Cơ sở vật chất của công ty còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều hạng mục công trình đầu tư còn dở dang và chưa hoàn thành công tác quyết toán. Công ty hoạt động chủ yếu dựa vào các hợp đồng đóng mới, sửa chữa với các đơn vị thuộc PVN. Tuy nhiên, nguồn hợp đồng từ các đơn vị thuộc PVN ngày càng giảm, trong khi công ty không đủ điều kiện để tham gia các hoạt động đấu thầu do các khoản nợ và lỗ lũy kế từ giai đoạn trước quá lớn.
Văn Kiên
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội