Đại gia bất động sản nào đang nợ nhiều nhất?
Lãi suất cho vay mua nhà tăng khoảng 1%-2%, trong khi lãi suất cho vay chủ đầu tư tăng khoảng 0,5% khi các ngân hàng thương mại tỏ ra thận trọng hơn đối với cho vay lĩnh vực bất động sản.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại
Tính đến ngày 20/6/2018, tín dụng tăng 6,35% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 7,54%. Điều này cho thấy NHNN lo ngại lạm phát và tỷ giá tăng trước những diễn biến trên thế giới. Đặc biệt, NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) thận trọng khi cho vay các lĩnh vực rủi ro cao như cho vay mua nhà và cho vay chủ đầu tư BĐS.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), nhiều NHTM đã nâng lãi suất cho vay mua nhà trong những tháng gần đây thêm 1%-2% lên 11%-12%.
Trong khi đó, lãi suất cho vay các chủ đầu tư lớn của các NHTM tăng khoảng 0,5% lên 10-11%/năm.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ trọng cho vay chủ đầu tư BĐS và các công ty xây dựng trong năm 2017 là khoảng 15,8% dư nợ. Trong đó, tỷ trọng cho vay các công ty xây dựng là 9,9% và cho vay BĐS là 5,9% tổng dư nợ.
Tỷ lệ này chưa đến mức cao để gây ảnh hưởng đáng kể đến cho vay chủ đầu tư BĐS nói chung. Tuy nhiên một số NHTM như Techcombank có tỷ trọng cho vay BĐS cao, lên đến 16,1% tại thời điểm cuối quý 1/2018.
Theo khảo sát của HSC, tại các doanh nghiệp là chủ đầu tư BĐS lớn đang niêm yết cổ phiếu trên TTCK như Novaland (NVL), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), Địa ốc Đất Xanh (DXG), và CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), có thể thấy mức vay nợ của một số chủ đầu tư đã và đang tăng đáng kể trong giai đoạn 2015-2018 với mức tăng 71% lên 79 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2018, trong khi dư nợ của nhóm các doanh nghiệp này tại cuối năm 2015 là 45,7 nghìn tỷ đồng.
Chủ đầu tư nào đang nợ nhiều nhất?
Trong số các chủ đầu tư lớn, đến cuối quý 1/2018, Novaland có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao nhất, là 1,39 lần với tổng nợ lên đến 18,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm; và tăng 134% kể từ năm 2015.
Trong đó, 24% là nợ bằng đồng USD, 76% là nợ bằng đồng VND. Chủ yếu các khoản nợ của NVL vay từ các NHTM như Vietinbank, VPB và Sacombank. NVL cũng đã phát hành tổng cộng 6.886 tỷ đồng trái phiếu thường cho Techcombank, MBB và TPBank với lãi suất coupon từ 10%-11%.
Còn tại DXG, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên 0,5 lần vào cuối quý 1/2018 (2.415 tỷ đồng) so với 0,13 lần vào quý 1/2015 (179 tỷ đồng).
Năm ngoái, DXG đã phát hành tổng cộng 929 tỷ đồng trái phiếu thường với lãi suất coupon khoảng 10%-10,5%. Đây là các trái phiếu kỳ hạn 3-4 năm với lãi suất thả nổi, phát hành cho các NHTM như Tienphongbank, VPBank và VIB.
Trong khi đó, NLG hiện có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất thấp, là 0,12 lần (so với 0,29 lần tại thời điểm quý 1/2015). Tổng nợ của NLG tại thời điểm cuối quý 1/2018 là 449 tỷ đồng, chủ yếu là vay từ OCB và Vietcombank.
KDH cũng đã giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đáng kể khi giảm từ mức 0,55 lần vào quý 1/2015 còn 0,17 lần vào quý 1/2018. Tổng nợ của KDH đến thời điểm quý 1/2018 là 1.119 tỷ đồng, chủ yếu vay từ Vietinbank và OCB.
Ngân Giang
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội