Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Đã tới lúc dừng việc 'lộng hành' của KOC trên mạng xã hội

Thứ năm, 27/03/2025 16:26 (GMT+7)

Quảng cáo thổi phồng sự thật hay những chiêu trò lố lăng để đánh bóng tên tuổi, rồi từ đó dùng vào các mục đích đen tối như kêu gọi từ thiện mập mờ. Làn sóng thương mại thiếu minh bạch của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đang dần bào mòn đi niềm tin của công chúng.

Mạng xã hội ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh, khái niệm KOC được hình thành và phổ biến từ khoảng năm 2019 - 2020, khi trào lưu review lan rộng khắp các nền tảng mạng xã hội. Từ những người bình thường như nông dân, thợ hồ, người bán hàng bên lề đường, tầng lớp dân trí thấp đều có thể trở thành các KOC có sức ảnh hưởng để điều hướng dư luận.

KOC nổi lên khá nhanh chóng phải kể đến những gương mặt nổi bật như Võ Hà Linh, Phạm Thoại, Hằng Du Mục,... với hàng triệu người theo dõi bằng các nội dung chân thật, sáng tạo được viral. Sau thời gian xây dựng hình ảnh, thu hút sự chú ý và theo dõi của công chúng, những người này đã quay sang sử dụng thương hiệu của mình để khai thác thương mại bằng cách bán hàng trực tuyến, một số người thì chọn cách kêu gọi từ thiện.

Người nổi tiếng đánh đổ tên tuổi vì lùm xùm quảng cáo sai sự thật và kêu gọi từ thiện không minh bạch.

Mua danh ‘ba đồng’, bán danh ‘ba vạn

Chỉ cần một vài video được viral, một cái tên vô danh cũng có thể vụt sáng thành một KOC có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người theo dõi. Từ những câu chuyện cá nhân khơi gợi sự đồng cảm, hay thậm chí là những chiêu trò truyền thông táo bạo, bất chấp hình tượng. Họ có thể đạt được danh tiếng chỉ với cái giá ‘ba đồng’, nhưng khi đã sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ cùng sự tin tưởng của công chúng, danh tiếng ấy lại được ‘bán ra’ với giá trị ‘ba vạn’.

Giá trị “ba vạn” đến từ việc quảng cáo sản phẩm, đại diện thương hiệu đến những phiên livestream doanh thu hàng trăm tỷ đồng, các KOC không chỉ kiếm tiền từ danh tiếng mà còn xây dựng uy tín cá nhân, ngày càng tạo dựng sức ảnh hưởng sâu rộng.

Dư luận từng chứng kiến sự “thành công” của những KOC theo cách chẳng ai ngờ tới. Phạm Thoại, một người nổi lên nhờ phong cách lập dị, từ cách ăn mặc, cách nói chuyện cho đến những màn chửi bới gào thét, thậm chí văng tục trên các video trên mạng xã hội. Những hành vi lệch chuẩn này không những không bị phản đối, mà còn được tung hô như một nét ‘độc lạ’ riêng biệt. Nhờ đó, cái tên Phạm Thoại trở thành KOC lớn hàng đầu trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút hơn 6 triệu người theo dõi, ngoài việc liên tục xuất hiện tại các sự kiện giải trí, Phạm Thoại nhanh chóng xây dựng đế chế bán hàng online với doanh thu khổng lồ hàng tháng. Tuy nhiên, mới đây, Phạm Thoại bị cộng đồng lật tẩy bởi việc huy động tiền từ thiện lên tới hơn cả chục tỷ đồng. Người này có lên mạng giải thích nhưng những lời giải thích đó đều không thỏa đáng. Hành vi này chẳng những làm xói mòn niềm tin của người ủng hộ mà quan trọng hơn cả là khiến cho sự trắc ẩn, lòng nhân ái, tinh thần ‘lá lành đùm lá rách’ bị tổn thương nghiêm trọng. Thứ họ nhận về sau khi trao đi chỉ là cảm giác bị lợi dụng từ người đã từng rất tin tưởng.

Sự nổi tiếng của Tiktoker Hằng Du Mục cũng là điển hình của ‘bán danh ba vạn’. Qua các video khám phá cuộc sống du mục nơi đất khách, cô đã vươn lên trở thành một trong những gương mặt nổi bật. Không chỉ vậy, cô lấy được niềm tin, sự thương cảm của công chúng nhờ vào câu chuyện biến cố gia đình. Người ta mua hàng vì tin người phụ nữ tốt bị chồng đối xử tệ bạc, tin người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ và nuôi luôn cả con chồng sau ly hôn, tin người phụ nữ thiệt thòi sau ly hôn phải ra đi tay trắng. Nhờ vào những niềm tin ấy cô nhanh chóng được mệnh danh là ‘chiến thần livestream’ thế hệ mới, đồng thời sở hữu mức thu nhập lên tới hàng tỷ đồng sau mỗi phiên phát sóng. Thế nhưng cái danh ấy đã sụp đổ hoàn toàn vì lùm xùm “cú vấp ngã” vụ kẹo rau củ Kera.

Hình ảnh của Hằng Du Mục kéo theo Quang Linh Vlogs và Hoa hậu Thuỳ Tiên đổ sập vì quảng cáo thổi phồng sự thật. Điều nhiều người thất vọng không chỉ đơn giản là số tiền đã bỏ ra, mà hơn hết là sự tin tưởng và lòng yêu mến đã trót trao cho người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Từ ‘chiến thần livestream’ được săn đón, Hằng Du Mục đang phải đối mặt với hoài nghi và chỉ trích từ một bộ phận công chúng, đặt ra bài học đắt giá về trách nhiệm và sự minh bạch trong kinh doanh của lĩnh vực bán hàng trực tuyến.

Các KOC đã tự làm xấu hình ảnh và cả thương hiệu trong lòng công chúng một cách nhanh đến bất ngờ vì những hành vi bán hàng không minh bạch, có dấu hiệu lừa dối cộng đồng. Nhiều KOC từng được coi là biểu tượng uy tín, nhưng sau một thời gian, công chúng nhận ra rằng mục đích cuối cùng của họ vẫn chỉ là thu lợi cá nhân. Xu hướng này dẫn đến một hệ quả tất yếu là sự phản kháng của người tiêu dùng. Không ít người đã lên tiếng tẩy chay các sản phẩm được quảng cáo bởi KOC hoặc đòi hỏi những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn từ các nền tảng mạng xã hội và cơ quan chức năng. 

Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, việc mua sắm thông qua quảng cáo hay livestream của người nổi tiếng với tốc độ nhanh và áp lực chốt đơn ngay lập tức dễ khiến người tiêu dùng ra quyết định vội vàng, không có thời gian tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Điều này dẫn đến nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng hoặc không phù hợp với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, các cửa hàng bán lẻ truyền thống có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi người tiêu dùng dần mất thói quen mua sắm trực tiếp. 

Cần siết chặt quản lý để người nổi tiếng trên mạng xã hội không còn ‘lộng hành’

Nhận được nhiều đơn thư kiếu nại của người tiêu dùng, mới đây Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã có công văn đề nghị xem xét hoạt động bán hàng của các KOL, KOC. Đáng chú ý là trường hợp của 'chiến thần review' Võ Hà Linh. Nhờ vào niềm tin đã được gầy dựng, Võ Hà Linh đã có những phiên livestream bán hàng với lượng người xem kỷ lục trên các sàn thương mại điện tử như Shopee và TikTok. Tuy nhiên, sau những lần livestream chấn động, người tiêu dùng liên tục có những phản ánh về hành vi kêu gọi trữ hàng, bán phá giá và bán hàng kém chất lượng. Điều này càng làm dấy lên nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các KOC. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, người tiêu dùng sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những chiêu trò bán hàng trá hình này.

Võ Hà Linh bị phản ánh về hành vi kêu gọi trữ hàng, bán phá giá, và bán hàng kém chất lượng.

Trước tình trạng KOC 'lộng hành' trên các sàn thương mại điện tử, ông Vũ Văn Trung nhấn mạnh mặc dù thương mại điện tử mang lại nhiều tiện ích, nhưng người tiêu dùng cần có nhận thức rõ ràng về rủi ro khi mua sắm qua các nền tảng này, đặc biệt là khi những người nổi tiếng trên mạng xã hội tham gia vào quá trình bán hàng. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những gì người review, livestream nói, mà cần kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quản lý để tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách tốt nhất. Chỉ khi có những biện pháp mạnh tay, tình trạng 'lộng hành' mới có thể được kiểm soát, giúp khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường mua sắm trực tuyến.

Sơn Yên
Nguồn: sohuutritue.net.vn