Cuộc đua công nghệ màn hình tăng nhiệt

Thứ tư, 29/08/2018, 12:33 PM

Cách nay mấy năm, Trung Quốc đã làm nên cuộc đột phá ngoạn mục vào thị trường điện thoại bằng những sản phẩm giá rẻ, rồi duy trì sức đột phá bằng việc bổ sung chức năng chẳng thua kém gì điện thoại đắt giá. Nhưng sau máy tính bảng, đến lượt thị trường điện thoại thông minh tiến đến tình trạng bão hòa và đang khựng lại.

 Nhiều hãng điện thoại lớn trên thế giới đang tham gia vào cuộc đua công nghệ màn hình.

Nhiều hãng điện thoại lớn trên thế giới đang tham gia vào cuộc đua công nghệ màn hình.

Trung Quốc, thị trường di động lớn nhất thế giới, đã chấm dứt thời kỳ tám năm tăng trưởng liên tục, và nay đang giảm xuống. Chênh lệch lợi nhuận giữa hai phân khúc thị trường, điện thoại giá đắt và điện thoại giá rẻ mỗi ngày một nới xa, và nay thì các nhà đầu tư tại đây đang nhắm đến đột phá vào công nghệ màn hình vốn có thể trở thành nút thắt cho việc tăng trưởng các dòng điện thoại bậc cao, đặc biệt cho Apple hiện phải dựa vào sức cung ứng màn hình OLED từ chính đối thủ cạnh tranh Samsung.

Nguyên nhân của cuộc đua công nghệ màn hình

Trung Quốc là nước sản xuất chủ yếu loại màn hình LCD nên khi các dòng điện thoại giá rẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng bão hòa thì nhu cầu cho loại màn hình tinh thể lỏng chậm lại, trong khi đó nhu cầu màn hình diod hữu cơ, OLED hay AMOLED cho các dòng điện thoại đời mới lại tăng cao. Những con số thống kê đưa ra trước thềm Mobile World Congress cho thấy 2018 sẽ là một năm khó khăn với những nhà sản xuất điện thoại. Nhu cầu điện thoại di động (smartphone) đã gần như bình ổn. Công ty nghiên cứu thị trường ADC cho biết, số thiết bị bán ra trong quý 4-2017 chỉ là 403,5 triệu chiếc so với 430,7 triệu cùng kỳ năm trước, giảm 6,3%. Mặc dầu các công ty điện thoại đang cố nhét vào đó nhiều chức năng mới, từ bảo mật sinh trắc đến tích hợp trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence - AI) và đưa vào đó các trợ lý ảo, nhưng người tiêu dùng đang cảm thấy họ không cần nâng cấp lên điện thoại mới. Cũng theo ADC, số máy tính bảng phân phối trong năm 2017 giảm 6,5%, từ 174,9 triệu chiếc năm 2016 xuống còn 163,5 triệu, với xếp hạng thị trường lần lượt Apple (27%), Samsung, Amazon, Lenovo.

Tại Trung Quốc, thị trường diễn ra phức tạp hơn nhưng cuối cùng thì thời kỳ tăng trưởng tám năm cũng kết thúc mà theo công ty nghiên cứu Canalys mức giảm của năm 2017 đã đạt đến 4% so với số thiết bị bán ra trong năm 2016. Các công ty chi phối thị trường vẫn là Huawei, Oppo và Vivo, trong đó tỷ lệ tăng trưởng của Huawei lên đến 2 con số. Thị trường điện thoại thông minh đã biến động rất nhanh theo thời gian. Giữa các năm 2010-2015, thị trường này nằm trong tay Apple (Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc), nhưng từ hơn hai năm trở lại đây, các thương hiệu di động Android Trung Quốc đã lướt lên, cung cấp những kiểu điện thoại bậc cao trong khi giá bán lại rất phải chăng. Thị trường bắt đầu phân mảnh: Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải tiếp tục chuộng thương hiệu hạng sang Apple và Samsung, trong khi các thành phố còn lại và vùng nông thôn thỏa mãn với các thương hiệu trong nước.

Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho biết cuối năm 2016 Huawei đã lật đổ vị trí của Samsung và đến tháng 7-2017 thị phần điện thoại thông minh của Huawei đã ngang bằng Apple. Cuộc chiến về giá luôn rất thành công tại thị trường đông dân nhất thế giới này, trong khi một chiếc Mate 10 Pro của Huawei với cùng chức năng như iPhone 8 hay iPhone 8 Plus lại rẻ hơn những chiếc điện thoại thông minh hạng sang này đến 30%. Nhưng đến nay lợi thế về giá đang phải đối phó với tình trạng bão hòa. Từ Canalys, nhà phân tích Mo Jia cho biết bản thân những người đang sử dụng điện thoại thông minh cơ bản cũng tự cảm thấy hài lòng và không sẵn sàng nâng cấp lên điện thoại thông minh hạng sang. Jia gọi đây là tình trạng chuyển từ “thị trường thay đổi” sang “thị trường khựng lại’. Sự khựng lại này buộc cả Apple, Samsung, và Huawei chú tâm hơn đến các dòng điện thoại đắt giá nơi mà biên tế lợi nhuận trong thời gian qua đã tăng lên ngất ngưỡng kể cả khi số lượng bán ra giảm xuống. Chính trong bối cảnh này mà những thứ màn hình mới, đặc biệt có khả năng bẻ cong như OLED, AMOLED, và MicroLED trở nên cạnh tranh cho cả nhà sản xuất lẫn công ty điện thoại.

Nhu cầu màn hình uốn cong OLED tăng nhanh

 Trang oled-info.com dẫn tin công ty nghiên cứu thị trường IHS cho biết Samsung Display Company (SDC) thuộc tập đoàn công nghệ Samsung tại Hàn Quốc vẫn là công ty dẫn đầu thị trường màn hình điện thoại thông minh trong năm 2017. Màn hình là nơi hoạt động của bất kỳ loại thiết bị di động nào, và trong điều kiện gần như khan hiếm thị trường do các công ty sản xuất điện thoại như Apple đều đưa công nghệ cuối này vào sản phẩm để nâng sức cạnh tranh, bình quân mỗi màn hình điện thoại OLED đã lên giá 41,9% so với năm 2016, đạt đến 50,5 đô la cuối năm 2017. Trong số những nhà sản xuất màn hình OLED tính đến thời điểm này, ngoài SDC, mới chỉ có Visionox, LGD, và Everdisplay đưa sản phẩm vào thị trường.

 Màn hình tinh thể lỏng LCD được ra đời sớm nhất và tạo bởi các lớp thủy tinh nên bền chắc và chịu đựng cào xước hay va đập tốt. Loại màn hình tinh thể lỏng này sử dụng đèn huỳnh quang cathode lạnh phía sau các điểm ảnh để chiếu sáng toàn bộ màn hình. Kết quả là không bao giờ có một sự vắng mặt hoàn toàn của ánh sáng, dẫn đến mức độ tương phản tệ hơn so với thế hệ màn hình chế tạo bởi những diod chiếu sáng gọi là LED. Trong màn hình LED, mỗi diode phát sáng cung cấp nguồn ánh sáng riêng. Khi không cần thiết, điểm ảnh sẽ không tạo ra bất kỳ ánh sáng nào - tạo ra nhiều màu đen đậm hơn và độ tương phản tốt hơn các loại màn hình khác. OLED chính là loại màn hình LED đặt trên nền hữu cơ nên có thể uốn cong.

Tại Trung Quốc, thị trường di động lớn nhất thế giới và cũng là nơi tập trung các công ty điện thoại lớn, từ Huawei đến Xiaomi, Oppo và Vivo, việc sản xuất màn hình cho tới gần đây vẫn dựa trên công nghệ tinh thể lỏng LCD. Trang globalsources.com dẫn tin Digitimes cho biết sau khi màn hình LCD tràn ngập thị trường, cho đến 2016 các nhà sản xuất màn hình lớn của Trung Quốc như Tianma Micro-electronics và BOE Technology vẫn chưa quan tâm mấy đến OLED, trái lại tập trung nâng cao chất lượng màn hình tinh thể lỏng, và thu lợi từ việc nâng giá cao đến khoảng 12 đô la Mỹ mỗi màn hình điện thoại loại LTPS TFT LCD hay full-HD LCD. Nhưng từ hai năm trở lại đây, với việc Apple và Samsung chuyển sang sử dụng màn hình diod phát sáng trên nền hữu cơ OLED thì nhu cầu thị trường thay đổi. Trong bối cảnh của một thời kỳ bảo hòa, các nhà sản xuất điện thoại khác cũng nhanh chóng đưa vào công nghệ màn hình mới nhằm duy trì năng lực cạnh tranh cho mình thì các công ty sản xuất màn hình tại Trung Quốc mới chú ý đến OLED.

Cuộc chiến công nghệ màn hình

Hiện tượng đổ xô vào công nghệ màn hình OLED diễn ra sau khi Apple tỏ ý định cho biết họ sẽ sử dụng công nghệ đời mới này cho bộ mặt của các kiểu iPhone họ đang sản xuất. Trước đó Samsung cũng đã đưa công nghệ OLED mình sản xuất ra vào các dòng điện thoại để tạo nên ưu thế thị trường, và các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Vivo và Xiaomi cũng nhắm tới màn hình AMOLED. Nhu cầu sản xuất OLED tăng lên rất cao, nhưng đây không phải là dự báo mà mức tăng đột biến diễn ra sau mỗi quý. Bản thân Samsung Display cũng đang hụt hơi với việc sản xuất màn hình cho mình và cho đối thủ cạnh tranh Apple, trong khi Apple phòng ngừa khả năng thiếu hụt nguồn cung từ Samsung đã phải tìm đến các nhà sản xuất OLED tương lai khác, đặc biệt nhắm đến Trung Quốc. Diễn biến mới đây cho thấy Apple đã đưa thêm BOE Technology Group vào diện cung cấp màn hình OLED cho mình kể từ 2020, mặc dầu đến nay BOE vẫn chưa có sản phẩm OLED trên thị trường.

Công ty sản xuất màn hình Trung Quốc này đã tiếp cận Apple từ 2011, và đến 2015 thì cung cấp màn hình cho MacBook và iPad, nhưng đó là loại màn hình LCD.

Trang asia.nikkei.com cập nhật ngày 23-5-2018 cho biết đây là một cuộc đầu tư ồ ạt đến 40 tỉ đô la, với các khoản tài trợ của chính phủ cho hơn tám nhà máy hiện hữu và năm nhà máy trong nay mai. Một trận chiến OLED đang manh nha giữa Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc hơn là một cuộc chạy đua khi mà các công ty Trung Quốc có được lợi thế từ phía chính phủ. Trang tin này lưu ý mức độ sẵn sàng của hai công ty sản xuất màn hình kỳ cựu tại đây là Tianma Microelectronics và BOE Technology Group cùng với một công ty mới nổi là China Star Optoelectronics Technology. Trước đó một năm trang ecns.cn liệt kê các khoản đầu tư khổng lồ mà các công ty Trung Quốc đổ vào các nhà máy sản xuất OLED, bao gồm nhà máy sản xuất hàng loạt của Royole Corporation tại Shenzhen, nhà máy sản xuất AMOLED của BOE Technology tại Mianyang, và một nhà máy sản xuất AMOLED khác của China Star Optoelectronics Technology tại Chengdu. Về phần Nhật Bản, năm 2012 họ thành lập Japan Display từ sáu công ty trước đó nhập lại, trong khi nhà máy Sharp tại đây được bán cho Hon Hai Precision tức Foxconn của Đài Loan từ 2016.

Thế mạnh công nghệ màn hình nay vẫn thuộc về Samsung Display của Hàn Quốc, và những gì họ trình bày tại CES 2018 cho thấy họ đã lường trước một cuộc cạnh tranh trong tương lai đối với loại sản phẩm OLED gần như độc quyền của mình, và một loại công nghệ màn hình mới microLED đang xuất hiện, không riêng tại Hàn Quốc mà từ nhiều phòng thí nghiệm ở các nước khác. Chiếc màn hình TV 146 inch được Samsung đưa ra triển lãm tại CES 2018 làm bằng MicroLED được đặt tên là “Wall”. Nó cũng có khả năng uốn cong như OLED nhưng lại không phải làm bằng lớp nhựa hữu cơ dễ bị trầy xước và tuổi thọ ngắn. MicroLED được chế tạo bởi các đèn LED li ti ở cấp Pixel, vì là vi tế nên chất lượng ánh sáng rất tốt và độ phân giải rất cao, và được chế tạo bởi chất liệu vô cơ nên tuổi thọ lại dài. Người ta nghĩ rằng sẽ phải mười năm nữa màn hình MicroLED mới phổ biến trên những chiếc điện thoại, nhưng nay Apple đã bắt đầu sử dụng công nghệ này cho loại đồng hồ thông minh Apple Watch. Trong khoảng thời gian dài chờ đợi này, OLED vẫn sẽ là vua màn hình.

Anh Vũ

Theo TBKTSG

largeer