Mua điện thoại, latop, trả góp hàng ngày bằng một cuốc chạy Grab

Thứ năm, 23/08/2018, 19:26 PM

Grab ra mắt dịch vụ cho thuê tài chính siêu nhỏ, với khoản tiền góp hàng ngày tương đương một cuốc chạy Grab.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết Grab vừa ra mắt tại Thái Lan dịch vụ cho vay tài chính siêu nhỏ, cho phép người dùng tiếp cận các nguồn vay tài chính từ đối tác của Grab. Chẳng hạn một đối tác tài xế của công ty có thể vay tiền mua một chiếc smartphone, sau đó trả góp hàng ngày bằng một cuốc chạy Grab.

Ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam - Ảnh: H.Đ

Ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam - Ảnh: H.Đ

“Hãy tưởng tượng khi dịch vụ này có thể được đưa ra cho tất cả mọi hộ gia đình, ngay cả những hộ gia đình có nguồn thu nhập thấp cũng có thể vay được những khoản tài chính siêu nhỏ để mua một chiếc laptop cho đứa con của mình chẳng hạn…. Dịch vụ này rất hiệu quả vì số tiền mà họ phải trả mỗi ngày đều được thực hiện thông qua công nghệ”, Giám đốc Grab Việt Nam nói.

Một đại diện của Grab cho biết dịch vụ này sẽ được triển khai tại Việt Nam, tuy nhiên chưa rõ thời gian chính xác thực thi.

Hồi tháng 5, tờ Bangkok Post (Thái Lan), thông tin rằng Grab thời điểm đó đang xin Ngân hàng Thái Lan cấp phép cho dịch vụ cho thuê tài chính siêu nhỏ và ví điện tử.

Dịch vụ tài chính siêu nhỏ có thể tiếp cận hàng trăm ngàn tài xế taxi ở Thái Lan. Nhiều người trong số đó không có tài khoản ngân hàng, có thể vay từ nguồn của Grab với lãi suất thấp so với phải vay lãi suất cắt cổ từ các nguồn không chính thống.

Tháng 3 năm nay, Grab cùng với Credit Saison, một công ty cung cấp dịch vụ tài chính của Nhật Bản, thành lập liên doanh Grab Financial Services Asia. Liên doanh này sẽ cung cấp dịch vụ cho vay, cho thuê cho hàng triệu người không có tài khoản ngân hàng hoặc không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng, các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ trên toàn Đông Nam Á.

Với lượng người dùng lớn, tạo ra hơn một tỷ giao dịch hàng năm, nền tảng cho vay của Grab nếu tiếp cận hiệu quả khách hàng, đối tác tài xế của công ty thì chắc chắn sẽ tạo ra lượng giao dịch vay khổng lồ.

Tại Việt Nam, không có số liệu người dùng Grab, tuy nhiên hiện có hơn 130.000 tài xế đang sử dụng ứng dụng của Grab. Các dịch vụ Grab như vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn đã có mặt ở 31 thành phố, trong đó dịch vụ GrabCar được triển khai ở 5 thành phố lớn cả nước.   

 Để triển khai dịch vụ cho vay tại Việt Nam, chắc chắn Grab phải xin được các giấy phép tương ứng, hoặc phải liên kết với đối tác có giấy phép các dịch vụ về tài chính.

Trong buổi chia sẻ nhân dịp Grab giới thiệu trung tâm R&D của công ty tại TP.HCM hôm 21/8, ông Jerry Lim còn đưa ví dụ về việc hợp tác với Ping An Doctor - một dịch vụ chăm sóc y tế tại Trung Quốc - để triển khai dịch vụ cho phép người dùng Grab lưu trữ thông tin y tế của họ, sau đó có thể tiếp tục thăm khám ở các cơ sở y tế có liên kết mà vẫn bảo đảm sự liên tục, đồng thời lịch sử bệnh án được lưu lại. Người dùng có thể ngồi nhà nhưng thuốc sẽ được đối tác tài xế của Grab vận chuyển tận nhà.

Trước đó, Grab tung dịch vụ GrabFresh, dịch vụ giao hàng tạp hoá triển khai tại Singapore và vài quốc gia Đông Nam Á khác. Dịch vụ này do Grab hợp tác với đối tác HappyFresh chuyên giao nhận hàng tạp hoá ở vài quốc gia ASEAN.

Grab cho biết đang tìm kiếm đối tác tương tự để triển khai dịch vụ tại Việt Nam vì HappyFresh chưa hoạt động tại đây.

Anthony Tan (áo đen), CEO và đồng sáng lập Grab, cùng với CEO HappyFresh tại sự kiện công bố nền tảng Grab Platform và ra mắt dịch vụ giao đồ tạp hoá tại Singapore hồi tháng 7 - Ảnh: H.Đ

Anthony Tan (áo đen), CEO và đồng sáng lập Grab, cùng với CEO HappyFresh tại sự kiện công bố nền tảng Grab Platform và ra mắt dịch vụ giao đồ tạp hoá tại Singapore hồi tháng 7 - Ảnh: H.Đ

Những hợp tác kể trên diễn ra sau khi Grab công bố nền tảng Grab Platform hồi tháng trước. Nền tảng này cho phép các đối tác phù hợp của Grab tích hợp ứng dụng của họ vào Grab, để tận dụng nền tảng này triển khai các dịch vụ cho người dùng Grab.

“Tầm nhìn của Grab là trở thành một siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày của người dân Đông Nam Á. Và để làm được điều này, tầm nhìn của của Grab là hướng tới mục tiêu là mỗi ngày, mỗi người dân sẽ cùng sử dụng ứng dụng Grab. Và chúng tôi muốn khuyến khích tất cả các đối tác cùng tham gia vào hệ sinh thái của Grab và sử dụng nền tảng mở này cho mọi nhu cầu của cuộc sống hàng ngày”, ông Jerry Lim nói, tương tự những điều đã được Anthony Tan, CEO và đồng sáng lập Grab, nói khi lần đầu giới thiệu dịch vụ này.

Trong sự kiện được Grab Việt Nam tổ chức hôm 21/8, công ty giới thiệu Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) đặt tại văn phòng ở TP.HCM. Trung tâm R&D nằm trong tổng cộng 6 trung tâm khác của Grab trên toàn thế giới.

Trung tâm R&D tại TP.HCM hoạt động theo hình thức phân phối - các nhân viên trong đây sẽ cùng làm việc với những dự án mà có thể được ứng dụng tại khắp các quốc gia mà Grab đang hoạt động.

Hải Đăng

ictnews.vn