Chuyến từ thiện đáng nhớ của những người làm Báo
"Chúng tôi chưa từng nghĩ các em là những đứa trẻ khiếm khuyết, các em vẫn là những người có ích cho xã hội. Vì vậy, mặc dù trong quá trình chăm sóc các em, Mái ấm này có lúc gặp phải những sóng gió nhưng chúng tôi không nhận sự trợ giúp theo kiểu... "phòng trào". Những mạnh thường quân có lòng hãy đến với Mái ấm, gặp gỡ các em, cái chúng tôi cần là tình thương cho các em chứ không đơn giản chỉ là vật chất". Đó là những chia sẻ đầy cảm xúc của thầy Bùi Văn Châu - người thành lập Mái ấm Phan Sinh (Tây Lạc, An Chu Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
“Ngôi nhà chung” của 152 người con
Trên tinh thần tương thân tương ái, ngày 23/6, Báo Người Tiêu Dùng kết hợp cùng Trang Thông tin điện tử Vietpress đã có chuyến từ thiện tại Mái ấm Phan Sinh.
Tiếp đón chúng tôi ở cổng Mái ấm là hình ảnh anh bảo vệ tay chống gậy, đầu đội nón lưỡi trai, trên môi nở nụ cười thân thiện - anh là một người con trong “Ngôi nhà chung” Phan Sinh.
Tiếp xúc trực tiếp với các Sơ, các Thầy hằng ngày vẫn dạy dỗ các em mới thấy được sự khổ cực của những "người cha chung" này. Mỗi người mỗi công việc, các Thầy, các Sơ tất bật từ sáng đến tối để lo cho 152 trẻ - cũng là 152 người con.
Nhớ lại những khó khăn trong ngày đầu thành lập Mái ấm Phan Sinh, thầy Châu vẫn không kìm được xúc động: "Tôi từng là một thầy tu, nhưng vì “sự tu" không trọn, mình không được chọn làm một người rao giảng "đức tin" về một cuộc sống nhân văn, tôi quyết định dành phần đời còn lại để làm một việc gì đó có ý nghĩa. Từ đó, tôi thành lập Mái ấm Phan Sinh với hy vọng sẽ xây dựng nó thành "ngôi nhà chung" của những người con bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật. Thế nhưng, những dự tính của tôi gặp phải nhiều khó khăn.
Khi mới thành lập, Mái ấm chưa được nhiều người biết đến, cũng đồng nghĩa là vắng trẻ vào nương tựa. Lập ra một mái ấm nhưng không giúp được nhiều hoàn cảnh - đó là một điều khiến tôi cùng các Sơ áy náy và có cảm giác xấu hổ.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, khi tin tốt về “ngôi nhà chung” này được lan tỏa, số lượng con trẻ tăng lên cũng là lúc những nỗi lo mới hình thành. Từ kinh phí duy trì, cho đến vấn đề thiếu hụt những người tình nguyện chăm sóc trẻ… tất cả đều là nỗi lo”.
Cực khổ là vậy, nhưng thầy Châu chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Thầy cùng các Sơ kiên trì gõ cửa từng nhà, nhờ sự giúp đỡ của các nhà Dòng, những nhà hảo tâm.
Đến bây giờ Mái ấm Phan Sinh là “ngôi nhà chung” của 152 người con, mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những trường hợp mà xã hội ngoài kia từ chối thì đều được thầy Châu đón về với sự yêu thương và trân trọng. Ấm áp, gần gũi và đầy tình yêu thương là những gì mà thầy Châu khiến người đối diện phải cảm phục.
Mái ấm ấy hiện ra trước mắt chúng tôi giản dị và bình yên đến lạ. Nụ cười ngây ngô của hàng chục đứa trẻ bị bênh tâm thần, bại liệt chân tay đã làm ấm không gian nơi đây. Hầu hết các trẻ em ở đây đều bị bỏ rơi hoặc lang thang ngoài đường được thầy Châu đưa về nuôi. Cũng có nhiều trường hợp gia đình đưa con đến gửi gắm và không bao giờ quay trở lại nữa. Thương cho những mảnh đời bất hạnh vừa khuyết tật về thân thể, vừa thiếu thốn tình cảm thầy Châu mang về Mái ấm và chăm sóc như những đứa con của mình.
Trong 152 người hiện đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm Phan Sinh thì có đến 68 người là không thể tự phục vụ được. Mọi việc từ ăn uống, vệ sinh cho những người khuyết tật đều được thầy Châu và 4 tình nguyên viên ở đây đảm trách. Nhiều hôm có người đau ốm thầy phải đích thân đưa họ đi bệnh viện và tự lo chi phí thuốc thang.
Thầy Châu cho hay, điều đặc biệt ở Mái ấm Phan Sinh là ở đây chỉ nhận những trẻ khiếm khuyết hoặc những trẻ bị rối loạn thần kinh.
“Chúng tôi cần chỗ, cần toàn tâm chăm sóc cho những trẻ không được may mắn. Những trẻ chưa đủ những điều kiện trên chúng tôi sẽ không nhận mà sẽ gửi qua các trung tâm có uy tín khác để các em được giáo dưỡng”.
“Bà ăn xin” trong… Truyện cổ tích!
Trong suốt câu chuyện mà bấy lâu nay thầy Châu vẫn kể cho những đoàn hảo tâm đến thăm các em về tên của một người mẹ - người được khắc trên áo đồng phục của những người con ở đây. Thầy bảo: Bà ấy là “bà ăn mày”, còn tôi chỉ là một ông lão… ăn xin.
May mắn trong chuyến từ thiện này, chúng tôi đã được gặp “bà ăn mày” mà thầy Châu vẫn thường nhắc đi nhắc lại. Người phụ nữ ấy tên Di Ái Hồng Sâm.
Trong câu chuyện mà thầy Châu kể chúng tôi nghe, thầy luôn nhắc về chị Sâm như một bà lão… ăn mày, thế nhưng chúng tôi lại hoàn toàn bất ngờ khi được tận mắt thấy, tai nghe về người phụ nữ này. Chị còn rất trẻ và xinh đẹp. Điều bất ngờ hơn, chị Hồng Sâm là Việt kiều định cư ở Mỹ.
Khi được hỏi về lý do khiến mình bị thầy Châu “chê” là một bà lão, chị Sâm bật cười: “Thầy nói đúng mà! Chị chỉ là người trực tiếp đi khắp nơi, gõ cửa từng nhà hảo tâm, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nơi khác trên thế giới để giúp các em. Như vậy há chẳng phải là bà ăn mày còn gì? Thật ra, đối với chị công các Sơ chăm sóc trẻ ở đây mới là to lớn, còn chị chỉ góp được một phần nhỏ. Những chuyện như vậy không đáng kể”!
Khiêm tốn là vậy, thế nhưng những gì mà "người mẹ trẻ này" đã làm được cho Mái ấm với 152 người con là không thể bàn cãi. Chị cùng thầy Châu đã gắn bó với Mái ấm này suốt 20 năm. Trong 20 năm miệt mài gõ cửa nhiều nơi, nên cơ sở vật chất của mái ấm được cải thiện, sự tin yêu của mọi người tăng lên, những đứa trẻ khuyết tật được chăm sóc tốt hơn… có lẽ cũng do một tay thầy Châu và chị Sâm “ăn mày” mà có được.
Chuyến thăm Mái ấm Phan Sinh khép lại khi đại diện Báo Người Tiêu Dùng trao 120 suất quà, và một số tiền nhỏ ủng hộ để giúp các Thầy, các Sơ có thêm sự hỗ trợ để vững vàng trong cái nghiệp “cứu thế” của mình.
Xin chúc quý Thầy, quý Sơ cùng những người con trong Mái ấm Phan Sinh sức khỏe và tràn đầy hạnh phúc.
Văn Nguyễn - Trúc Phạm
Ảnh: Hiếu CT
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội