Chuyển mạng giữ số, muốn nhiều nhưng chưa chuyển được bao nhiêu!

Thứ hai, 01/04/2019, 10:14 AM

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa vào hoạt động đường dây nóng 1900 nhằm tiếp nhận phản ánh của các thuê bao thực hiện dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số. Sở dĩ Cục Viễn thông phải quyết liệt như vậy vì thời gian qua, người dùng luôn bị làm khó dễ khi muốn chuyển mạng giữ số.

Chuyển mạng giữ số không dễ như người ta tưởng.

Chuyển mạng giữ số không dễ như người ta tưởng.

Chiêu trò giữ khách

Do không còn nhu cầu dùng 2 số của MobiFone, tháng 1/2019, anh Phan Hà B. (Q.2, TP.HCM) muốn chuyển bớt 1 số sang Viettel. Dù đã được bạn bè cảnh báo trước và cẩn thận gọi lên tổng đài 9090 của MobiFone nhiều lần để hỏi thủ tục nhưng anh B. không ngờ lại rắc rối như vậy.

Đến tận cửa hàng của MobiFone chầu chực 2 giờ chỉ để nhân viên rà soát xem còn thiếu thủ tục gì và được trả lời đã hoàn tất. Nhưng chạy sang Viettel làm hồ sơ và về nhà chờ, nhắn tin đến 1414 như quy định vẫn nhận được thông báo còn thiếu gì đó.

Cứ như vậy chạy đi chạy lại 3 lần, hết đến cửa hàng Viettel rồi qua chi nhánh MobiFone nhưng vẫn không xong. Thậm chí một chuyên viên PR của MobiFone đã can thiệp và bảo đảm là không còn gì trở ngại nhưng vẫn không thể chuyển mạng.

Suốt thời gian hơn 1 tuần ấy, tổng đài viên MobiFone “tra hỏi” liên tục vì sao không dùng MobiFone nữa? Cuối cùng anh B. đành bỏ cuộc vì tốn quá nhiều thời gian, công sức mà chưa biết khi nào xong.

Người gặp cảnh như anh B. không ít vì theo số liệu thống kê hồi đầu tháng 2/2019, MobiFone và Vietnamobile đang là 2 nhà mạng có tỷ lệ đăng ký chuyển mạng thành công rất thấp (23% và 6%). Ngay sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đã chấn chỉnh và mạnh tay với các nhà mạng “chây ỳ”. Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, tính từ ngày 16/11/2018 đến 24/3/2019 có 224.852 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số tại 5 nhà mạng lớn bao gồm: VinaPhone, Viettel, Vietnamobile, MobiFone, Gtel. Trong đó, lượng thuê bao được chuyển mạng giữ số thành công là hơn 157.000 thuê bao, đạt 69,9%.

Bộ ra tay, cục quyết liệt

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng phê phán hành vi cố tình giữ chân thuê bao của các nhà mạng. Bộ trưởng cho rằng các nhà mạng nên loại bỏ rào cản đối với người dân khi tiến hành đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Ông khẳng định đây không phải là cách giữ chân khách hàng khôn ngoan!

Cục Viễn thông cũng thẳng thắn yêu cầu các nhà mạng dừng ngay hành vi cản trở việc chuyển mạng của người dùng di động. Song song với đó, các nhà mạng phải cải tiến việc cập nhật thông tin sao cho tường minh, dễ hiểu với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra mục tiêu thuê bao chuyển đổi thành công trong tháng 3 phải đạt tối thiểu 90%. Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Viễn thông cần có kế hoạch công khai minh bạch hơn nữa các số liệu liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

Bên cạnh chuyện nhà mạng gây “khó dễ” thì việc bị từ chối chuyển mạng chủ yếu là do các thuê bao này vẫn còn trong thời gian cam kết sử dụng dịch vụ với nhà mạng chuyển đi. Bao gồm các trường hợp cam kết thời gian sử dụng của người dùng số đẹp, cam kết sử dụng đối với một số gói cước ưu đãi... Tỷ lệ lỗi này chiếm tới 55% tổng số thuê bao không chuyển được mạng. Ngoài ra những thông tin cá nhân, nợ cước cũng phải xác nhận và thanh toán đầy đủ trước khi làm thủ tục chuyển mạng.

Tại nhiều quốc gia khác, việc chuyển mạng giữ số thường chỉ “hào hứng” ban đầu và tỷ lệ ấy hiện nay ở nhiều nước phát triển chỉ khoảng 5%. Điều đó đồng nghĩa sau một thời gian, khách hàng sẽ “chung thủy” nếu được phục vụ tốt và dịch vụ phù hợp với nhu cầu cá nhân. Còn bây giờ, khi những bực dọc, phiền phức của người dùng Việt phải chịu đựng bao năm, nay mới có “quyền được đổi” thì các nhà mạng nên tôn trọng khách hàng. Nếu giữ chân bằng mọi chiêu trò thì họ sẽ một đi không trở lại, chưa kể những khách hàng khác e ngại với tai tiếng không đáng có này.

PHAN NGUYỄN

Theo NTD

largeer