Chuyện doanh nghiệp BĐS trên sàn chứng khoán: Thuduc House 'làm mới' toàn bộ HĐQT
Thứ năm, 16/01/2025 07:52 (GMT+7)
Thành viên HĐQT hiện hữu của Thuduc House (TDH) sẽ được "thanh lọc" hoàn toàn nếu đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Quang Nghĩa và 2 thành viên khác được thông qua.
Sau khi Tổng giám đốc của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - HoSE: TDH) cùng hàng loạt nhân sự bị bắt trong vụ án gian lận tiền hoàn thuế trong hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử. Nội bộ lãnh đạo cấp cao của Thuduc House đã liên tục biến động, hoạt động kinh doanh từ đó cũng sa sút.
"Ghế nóng" liên tục biến động
Ngày 13/1, Thuduc House công bố thông tin bất thường về việc đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT Thuduc House của ông Nguyễn Quang Nghĩa.
Theo đó, nội dung đơn từ nhiệm ông Nghĩa viết vào ngày 10/1 cho thấy bản thân đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 18/8/2023 và trong suốt thời gian qua đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
"Tuy nhiên, nay vì một số lý do cá nhân, tôi không thể tiếp tục đảm nhận vai trò này. Tôi xin chính thức từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT, đồng thời từ nhiệm chức thành viên HĐQT Thuduc House”, ông Nghĩa trình bày trong đơn từ nhiệm.
Ông Nguyễn Quang Nghĩa (đeo khẩu trang) trong lần nhận chức Chủ tịch HĐQT Thuduc House hồi tháng 8/2023. Ảnh: TDH
Động thái "rời ghế" của ông Nghĩa không quá bất ngờ, bởi vào giữa tháng 12/2024, vị này đã hoàn tất bán ra gần 20,7 triệu cổ phiếu TDH bằng phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Nghĩa không còn là cổ đông lớn của Thuduc House và chỉ còn nắm 52.200 cổ phiếu TDH, tương ứng chiếm tỷ lệ 0,046%.
Trước ông Nghĩa, các thành viên HĐQT khác cũng lần lượt muốn rời đi. Cụ thể, ngày 10/1, ông Hoàng Anh Phúc cũng gửi đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Thuduc House. Ông Phúc là người được bầu bổ sung vào vị trí này từ tháng 6/2024 thay cho ông Dương Ngọc Hải bị miễn nhiệm.
Ngày 23/12/2024, Thuduc House cũng công bố thông tin về việc, bà Võ Thị Tường Vy (SN 1996), giữ chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban kiểm toán của Thuduc House đã làm đơn xin từ nhiệm chức vụ.
Hiện tại, cơ cấu HĐQT của Thuduc House có 3 thành viên và nếu các đơn từ nhiệm trên được thông qua, đồng nghĩa Thuduc House sẽ “thay máu” toàn bộ HĐQT. Trước đó, năm 2022, công ty đã thay đổi tới ba đời Chủ tịch HĐQT.
Đáng chú ý, không chỉ HĐQT, các vị trí lãnh đạo cấp cao khác tại Thuduc House cũng liên tục biến động. Cuối tháng 11/2024, Tổng giám đốc Nguyễn Hải Long (SN 1990, trình độ chuyên môn là thạc sĩ tài chính) đã viết đơn từ nhiệm.
Người thay thế ông Nguyễn Hải Long là bà Trần Thị Liên được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc từ ngày 29/11/2024 và sẽ giữ chức vụ đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc cho đến khi có quyết định mới.
Hay hồi tháng 6/2024, HĐQT Thuduc House cũng công bố nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh thư ký HĐQT đối với bà Văn Thị Huệ. Lý do đưa ra do bà Huệ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm trong công việc.
Kinh doanh sa sút
Về Thuduc House, doanh nghiệp này chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ năm 2000 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, tiền thân là Công ty Quản lý và phát triển nhà Thủ Đức được thành lập vào năm 1990.
Thuduc House là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâu đời tại TP HCM với hàng loạt dự án chung cư, chủ yếu tại khu vực Thủ Đức. Đến tháng 12/2006, Thuduc House niêm yết cổ phiếu tại HoSE với mã giao dịch TDH.
Chuyên doanh lĩnh vực bất động sản nhưng Thuduc House lại vướng vào vụ án buôn lậu linh kiện điện tử giai đoạn 2017 - 2019. Theo bản án phúc thẩm, Thuduc House phải hoàn trả hơn 365 tỷ đồng cho Cục Thuế TP HCM. Đây là tiền thuế giá trị gia tăng mà Thuduc House được hoàn liên quan đến hoạt động buôn lậu linh kiện điện tử.
Thuduc House phải hoàn trả cho Cục Thuế TP HCM số tiền hơn 365 tỷ đồng
Trong hơn 365 tỷ đồng nói trên, tòa tuyên buộc 18 bị cáo trong vụ án phải bồi thường cho Thuduc House hơn 340 tỷ đồng. Hàng tháng, Cục Thuế TPHCM ra các quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản đối với Thuduc House với số tiền hơn 91 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, năm 2020 và 2021, công ty lỗ liên tiếp gần 310 tỷ và 890 tỷ đồng. Sang năm 2022, doanh nghiệp lãi vỏn vẹn 8 tỷ đồng nhờ tiết giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên đến năm 2023, TDH báo lỗ trở lại.
Quý III/2024, Thuduc House đạt doanh thu thuần 6,7 tỷ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Thuduc House đạt 29,6 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với 7,8 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà chủ yếu đến từ các khoản bồi thường theo phán quyết tòa án liên quan đến vụ án kinh doanh linh kiện điện tử. Cụ thể, TDH nhận được hơn 2 tỷ đồng từ ông Quan Minh Tuấn và gần 30 tỷ đồng từ cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Bảo Hoàng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Thuduc House ghi nhận doanh thu gần 37 tỷ đồng, giảm gần 55% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức lỗ 3,6 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối quý III lên 755 tỷ đồng.
Tại 30/9/2024, Thuduc House chỉ có gần 1,8 tỷ đồng tiền mặt và 66 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Quy mô tài sản còn gần 983 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng nợ phải trả là hơn 661 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch sáng ngày 14/1, giá cổ phiếu TDH "xanh" nhẹ trở lại sau 3 phiên liên tiếp đỏ lửa, hiện đang ở mức 2.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá còn 294 tỷ đồng.
Được biết, Thuduc House trước đó đã phát đi thông báo về việc chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2025, dự kiến được tổ chức trong quý 1/2025, công ty chưa công bố cụ thể thời gian và địa điểm. Ngày đăng ký cuối cùng là 14/1/2025.
Công an đã bắt giữ 20 đối tượng, thu giữ khoảng 200 con dấu của các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có một số con dấu nghi làm giả. Các đối tượng trong đường dây này đã chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên tới 336 tỷ đồng.
Sáng nay (17/4), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hà Nội. Sự kiện công bố kết quả kinh doanh năm 2024 và quý I/2025 và hé lộ mục tiêu năm nay.
Cứ đến mỗi mùa kiểm toán, sự chênh lệch số liệu đột biến không phải là điều xa lạ. Trong mùa kiểm toán 2024, nhóm các doanh nghiệp bất động sản là nhóm bị thay đổi lợi nhuận nhiều nhất, có đơn vị lỗ chồng thêm lỗ.
Dù đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng cổ phiếu FPT thời gian qua chịu áp lực bán mạnh. Chỉ trong quý I/2025, FPT bị bán ròng gần 6.900 tỷ đồng và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Riêng phiên 16/4, cổ phiếu công nghệ này nằm sàn.
Giữa làn sóng phẫn nộ của dư luận liên quan vụ việc gần 600 loại sữa giả vị phanh phui, Công ty Alama Việt Nam - đơn vị sản xuất và phân phối sữa HIUP đã lên tiếng về sự việc trên trang fanpage.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra quyết định xử phạt CTCP Cao ốc Phương Đông và Ngân hàng TMCP Tiên Phong vì những vi phạm liên quan trái phiếu.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) 2025, ông Scott Morris, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhấn mạnh: Việt Nam đang có cơ hội bứt phá để trở thành hình mẫu tăng trưởng xanh nếu xây dựng được một môi trường chính sách đủ mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo đảm công bằng trong quá trình chuyển đổi.