Cẩn trọng với nước ép hoa quả giá rẻ

Thứ sáu, 24/07/2020, 15:30 PM

Nước ép hoa quả được quảng cáo là “nguyên chất” với giá rẻ giật mình đang tràn ngập trên thị trường và các trang mạng xã hội, rất hút khách, nhưng đằng sau loại nước ngon miệng này là mối lo về an toàn thực phẩm.

Hút khách

Đợt nắng gắt diễn ra mấy ngày qua khiến thị trường các loại nước giải khát cũng "sôi" theo. Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nước ép hoa quả được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Tại Hà Nội nhiều chợ dân sinh và cả các xe hàng rong đều bán nước ép với giá rất rẻ. Chẳng hạn, loại nước ép ổi, dứa được quảng cáo nguyên chất có giá siêu rẻ chỉ từ 10.000- 15.000 đồng/chai với chai nhỏ và 25.000-30.000 với các loại chai to (các loại nước ép này thường được đóng vào các vỏ chai nhựa đựng nước tinh khiết)

a

Tại chợ dân sinh trên phố chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội- chỉ trên một dãy phố ngắn mà đã có tới 3 sạp hàng nhỏ bán dứa tươi kèm nước ép dứa. Theo lời những người bán hàng, việc cùng lúc bán cả hai loại này sẽ phù hợp với nhiều đối tượng khách khác nhau vì có khách không thích ăn quả mà chỉ thích uống nước ép.

Theo lời một chủ hàng tại đây, khi bán quả lượng khách mua khá khiêm tốn song khi ép nước lại rất hút khách. “Lượng khách hàng thân thiết của tôi là các chị em công sở không có nhiều thời gian rảnh, các lớp tập gym, yoga và hầu hết đều mua với số lượng lớn nên nhiều lúc ép không kịp bán”, tiểu thương này vui vẻ cho biết.

Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa cho biết, chị thích uống nước dứa ép song trước kia, mỗi lần muốn uống phải mua về ép, rất mất thời gian. Từ khi có các dịch vụ ép nước hoa quả tại chợ, chị chọn lựa vì sự tiện lợi và giá cũng rất rẻ, chỉ 10.000 đồng/chai nhỏ

Không chỉ được rao bán tại chợ, được nhiều người ưa chuộng mà các loại nước ép này còn được các xe hàng rong vận chuyển tới các hang cùng, ngõ hẻm của Thủ đô. Trên các xe hàng rong này, bên cạnh các loại quả được bày bán trong giỏ hàng, còn có các loại chai đủ màu sắc ứng với các loại quả khác nhau như màu vàng của dứa, xanh của ổi, trắng của dừa và màu cam của cà rốt.

a1

Qua lời một số chủ hàng rong, do giá rẻ nên nhiều người hay mua vài chai về dùng dần. Loại quả mà mọi người ưu chuộng thời điểm hiện tại là ổi và dứa.

Lo lắng về an toàn vệ sinh và bảo quản

 Dù khá hài lòng vì sự tiện lợi của các loại nước ép này, song theo lời một số người tiêu dùng, họ vẫn băn khoăn về chất lượng. Sở dĩ như vậy là do dứa mua ngoài chợ giá dao động 8.000- 12.000 đồng/quả, mà khi bán nước ép giá lại rẻ như vậy, liệu loại nước ép này có pha thêm nước, đường hay phụ gia gì không.

Băn khoăn của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở bởi sau vài lần mục sở thị quy trình ép dứa tại một số cửa hàng, phóng viên nhận thấy nếu với các quả dứa dập nát, có dấu hiệu hỏng, người mua cả quả sẽ không chọn, song khi đưa vào ép thì hoàn toàn có thể tận dụng được sản phẩm mà vẫn đẹp mắt, người dùng không hề hay biết.

Còn với nước ép ổi, nếu muốn phù phép để nước ổi ngon, không nhạt như ăn quả, chỉ bằng một thao tác cho đường phèn hoặc một vài giọt đường hóa học, nước ép ổi sẽ ngọt lịm, người tiêu dùng không thể chê vào đâu được.

Rộ lên phong trào uống nước cam vắt ngay tại chỗ

Rộ lên phong trào uống nước cam vắt ngay tại chỗ

Đầu tiên là về giá cả. Có những loại hoa quả mua ngoài chợ có giá dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/kg trong khi nước ép bán theo lít lại rẻ gần bằng. Anh Phan Anh Tuấn ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) trước đây thường đặt vài lít nước ép ổi mỗi lần cho vợ con uống, nhưng thời gian gần đây, anh không dùng nữa vì nghi ngờ nước ổi bị pha thêm chất phụ gia và không còn “nguyên chất” như lời quảng cáo nữa. “Mình không tận mắt chứng kiến quá trình họ ép nước, pha chế nên nhiều khi mua về cũng là khuất mắt trông coi. Nước ổi khá thơm, vị cũng ngọt, mình sợ họ pha thêm đường hay chất tạo ngọt gì vào, uống vào lại không tốt”, anh Tuấn chia sẻ.

Dù có giá rẻ và chiếm lĩnh được sự ưa thích của người tiêu dùng nhưng không phải loại nước ép nào cũng an toàn và có chất lượng như lời quảng cáo. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều cửa hàng, nguyên liệu tạo ra những chai nước ép bắt mắt, thơm ngon lại là phế phẩm của các loại hoa quả đã thối hỏng, dập nát. Loại nguyên liệu này có thể dễ dàng tìm mua ở những chợ đầu mối hoa quả hoặc từ các siêu thị.

Một tiểu thương giấu tên ở chợ đầu mối phía Nam cho biết: “Nhiều người đến đây mua hoa quả thải loại về làm nước ép. Nhìn thì tưởng là xoài, ổi thối nhưng mà quả chỉ thối hoặc dập nát một chút thôi, lấy dao vứt bỏ phần hư đi thì vẫn thơm ngon như thường”. Những loại hoa quả thải này có giá rẻ hơn bình thường từ 5 – 10 lần. Bởi thế không có gì khó hiểu khi nước ép từ những loại quả này lại có giá “rẻ như cho”. Trong quá trình chế biến, nước ép hoa quả thường được cho thêm đường, sữa và các chất tạo hương liệu khác giúp nước thơm ngon hơn, khiến người tiêu dùng khó nhận ra nguồn gốc của sản phẩm.

Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, hiện có sự dễ dãi trong thói quen tiêu dùng các loại nước ép hoa quả. Bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, nước ép hoa quả sau khi vắt nên bảo quản trong nhiệt độ dưới 20 độ C, không thay đổi nhiệt độ thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn nước ép để bên ngoài nhiệt độ phòng, đặc biệt là nhiệt độ cao.

"Nước ép để càng gần ánh nắng thì thời gian bảo quản càng thấp. Đây cũng là lý do, các nhà sản xuất nước ép trái cây hữu cơ thường bảo quản nước ép trong chai thủy tinh có màu tối để ánh sáng không xuyên qua vỏ chai, hạn chế tình trạng lên men của nước ép. Tuy nhiên, tại các sạp hàng, xe hàng rong, nước ép thường xuyên bị phơi nắng bởi nhiệt độ cao và đựng trong các lọ, chai nhựa, dễ dẫn tới việc lên men", bác sỹ Tiến nêu.

Chuyên gia này cũng cho rằng, khi thời tiết oi bức, tâm lý của khách hàng thường cho rằng, những món đồ uống giải khát được làm từ hoa quả sẽ ít độc hại hơn các thực phẩm đóng gói sẵn. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi những trái cây đó đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Vậy với những loại sinh tố, nước ép được chế biến từ trái cây không đảm bảo nguồn gốc, kém chất lượng thì nguy cơ với người tiêu dùng là có thật.

"Nói chung khi uống nước ép hoa quả bán sẵn, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm thông minh. Tốt nhất nên tự ép tại nhà để sử dụng, loại bỏ hoặc hạn chế tối đa nước ép hoa quả đóng chai có pha chế hóa chất. Nhất là với trẻ nhỏ, tuyệt đối không cho uống những loại nước này", chuyên gia khẳng định.

Huyền Ly

khoe365.nguoiduatin.vn

largeer