Nhiều loại trái cây nhập khẩu giảm giá mạnh
Hiện tại, nhiều loại trái cây nhập khẩu có giá rẻ tương đương với những loại trái cây được trồng trong nước, do đó người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, trái cây Việt sẽ phải cạnh tranh với trái cây nhập khẩu về giá thành, chất lượng.
Trái cây nhập khẩu vốn được xem chỉ dành cho người có thu nhập cao vì giá thành cao, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ khả năng để mua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá của nhiều loại trái cây nhập khẩu lại có giá rẻ tương đương với trái cây trong nước.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hải quan, tại siêu thị Omart, Vinmart, nhiều loại trái nhập khẩu có giá từ 50.000 đồng-100.000 đồng/kg, mức giá này phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Như tại siêu thị Omart, táo Fuji Mỹ có giá 79.000 đồng/kg, táo red delicious có giá 62.900 đồng/kg, táo Queen size 80,88,100 có giá 85.000 đồng/kg. Tại siêu thị Vinmart, nho đỏ không hạt có giá 96.000 đồng/kg, cam cara ruột đỏ Mỹ có giá 99.000 đồng/kg, việt quất Newzeland 125 gr có giá hơn 102.000 đồng, lê đỏ Nam Phi có giá 95.000 đồng/kg… Tại siêu thị Big C, việt quất được nhập khẩu từ Mỹ chỉ có giá 46.000 đồng/hộp 125gr, nho Mỹ không hạt có giá 90.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm trước quả việt quất được bán khá ít ỏi ở thị trường Việt Nam, tuy nhiên năm nay loại quả này được bán khá rộng rãi có giá cũng không phải quá cao so với nhiều loại trái cây nhập khẩu khác.
Không những thế, người tiêu dùng Việt khá bất ngờ khi giá của quả Cherry giảm giá từ 40-50% so với năm ngoái. Điều đặc biệt, năm nay loại quả này được bán khá rộng rãi ở các siêu thị, cửa hàng hoa quả nhập khẩu và mạng xã hội. Hiện tại cherry có giá từ 225.000 đồng/kg- 600.000 đồng/kg, tùy vào kích cỡ. Với mức giá này, nhiều người tiêu dùng có thể “móc hầu bao” để mua loại quả được người dân Việt Nam gọi là trái cây “nhà giàu”.
Lý giải nguyên nhân giá các loại trái cây nhập khẩu rẻ, một chủ shop hoa quả nhập khẩu ở đường Trung Kính (Hà Nội) cho biết, tháng 7 là thời điểm cherry Mỹ rộ mùa nên hấp dẫn hơn hàng New Zealand, Australia. Đặc biệt, giá năm nay giảm tới 40% so với năm ngoái, đây là mức giá tốt nhất từ trước đến nay. Khách mua thùng 5kg kích thước to (size 8.5) chỉ với 1,5 triệu đồng, thậm chí có thời điểm giảm xuống còn hơn 1,3 triệu đồng. Bên cạnh quả cherry, một số trái cây nhập từ Mỹ cũng đang vào vụ và bắt đầu giảm 100.000 - 200.000 đồng/kg với việt quất, giảm 50.000 đồng/kg với nho xanh nên lượng tiêu thụ tăng. Với mức giá này, người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình cũng có thể mua được trái cây nhập khẩu.
Khi trái cây nhập khẩu giảm giá mạnh ở hàng loạt siêu thị cùng với việc thể hiện nguồn gốc có phần rõ ràng thì trái cây ở kênh bán hàng truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ trở nên khó bán hơn. Hiện giá nhiều loại trái cây quen thuộc ở thị trường nội địa nước ta có xu hướng giảm theo... Theo các tiểu thương, những loại trái cây này đều có nguồn gốc ở Sapa, Sài Gòn… và giá của những loại trái cây này cũng rẻ bất ngờ, như: Đào Sapa có giá 15.000 đồng -20.000 đồng/kg, mận Sapa có giá 8.000 đồng/kg, dưa hấu Sài Gòn có giá 10.000 đồng/kg, sầu riêng 50.000 đồng/kg, xoài Nha Trang có giá 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, hiện tại trên các tuyến phố của Hà Nội cũng bán hoa quả nhập khẩu với giá khá rẻ, như: Lê Nam Phi có giá 25.000 đồng/kg.Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2019, hàng hóa xuất xứ từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh 19% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 6,9 tỷ USD. Đặc biệt, mặt hàng rau, quả nhập từ Mỹ vào Việt Nam tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương hơn 116 triệu USD và mặt hàng thủy sản từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng mạnh 67%, giá trị đạt gần 47 triệu USD.
Từ thực tế cho thấy, các mặt hàng trái cây đang bày bán giá rẻ trên thị trường Hà Nội không rõ xuất xứ ở đâu, đều được gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Do giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng nên tại các sạp hàng bán trái cây luôn đắt khách. Chị Nguyễn Thị Huệ (Đống Đa, Hà Nội) đang lựa chọn mua mận tại sạp bán trái cây trên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Người bán quảng cáo là mận Sapa thì tôi cũng chỉ biết vậy, thấy rẻ thì mua chứ cũng không thể biết được nguồn gốc thực sự ở đâu. Theo phỏng đoán của tôi, những loại trái cây giá rẻ bán ở chợ và các tuyến phố của Hà Nội chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các loại trái cây được tiểu thương nhập từ các chợ đầu mối của Hà Nội nên nguồn gốc thực sự của những loại trái cây họ cũng chỉ biết qua thương lái. Do đó, để tăng sự "tin tưởng" của người tiêu dùng, nhiều tiểu thương đã tự dán thêm nhãn mác mang dấu hiệu nguồn gốc, xuất xứ cho trái cây.
Đỗ Hòa
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm