Cạm bẫy chực chờ dưới lời rao “Đất nền giá rẻ Sài Gòn”
Cụm từ “Đất nền giá rẻ Sài Gòn” xuất hiện đầy rẫy từ Facebook, các trang rao vặt nhà đất, tờ rơi, pano, áp-phích, thậm chí trên các ấn phẩm báo chí chính thống. Ngoài ra, người tiêu dùng còn bị “khủng bố” mời gọi mua đất bằng tin nhắn, điện thoại và email. Nhiều người phớt lờ không quan tâm, nhưng một số người vẫn tin và dính bẫy lừa đảo.
Rao ở TP.HCM, dẫn đi xem đất ở tỉnh!
Những ngày gần đây, Báo Người Tiêu Dùng liên tục nhận được các phản ánh liên quan tới việc bị lừa mua đất nền. Nội dung câu chuyện đều có điểm chung: Khách hàng được môi giới tư vấn các lô đất có vị trí đẹp nằm ở các quận, huyện tại TP.HCM với giá rất rẻ. Sau đó được nhân viên môi giới của công ty A, B, C hẹn lên một địa điểm để được xe của họ đưa rước đi xem đất. Trên đường đi, khách hàng liên tục được đội sale của những công ty này tiêm vào đầu những câu chuyện về ông A, chị B... trở thành tỷ phú vì đầu tư đất bên công ty của họ.
Khách hàng dù được chở tới vị trí đúng theo quảng cáo. Tuy vậy, ở đây hoặc là dự án hiện hữu của một đơn vị khác, hoặc là khu đất trống. Tiếp theo các nhân viên môi giới nói với khách hàng rằng: “Đất ở đây đã hết, bây giờ bọn em sẽ chở anh chị đi xem một dự án khác đẹp hơn, rẻ hơn và khả năng sinh lời cao hơn”. Khách hàng bức xúc về cách tư vấn một đàng thực hiện một nẻo, tuy vậy, sau khi tiếp tục được sale dụ dỗ, giải thích nhiều người vẫn chấp nhận đi theo.
Thông thường khách hàng sẽ được đưa tới các địa phương lân cận như Long Thành (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu... Khi lên tới thực địa, khu đất có thể chỉ đang là đất trống hoặc có một ít đường đã được trải nhựa, một vài chiếc xe lu hay máy xúc để thấy dự án có thi công. Đội quân môi giới thì bằng chiêu thức “khủng bố tinh thần” tiếp tục tô vẽ màu hồng cho khu đất này bằng các bản vẽ lung linh trên giấy, về tiện ích, về hạ tầng nội, ngoại khu... sau đó bằng chiêu trò nháo nhào, giành giật các nền đất, ngay tại dự án, thực chất toàn giữa nhân viên sale và “chim mồi” đóng giả khách hàng. Lúc này, người tìm mua đất nền thật sự thường rơi vào “mê hồn trận”. Nhiều người giành nhau mua, sẽ vội vàng đặt cọc đóng tiền ngay, thậm chí chuyển khoản online mà không đắn đo.
Bằng những chiêu thức như trên, đội sale của các công ty môi giới bất lương đã biến khách hàng của mình từ đi xem đất Sài Gòn nhưng chuyển tiền cọc cho nền đất ở Đồng Nai, Bà Rịa... mà không hề biết mình đã bị lừa.
“Đất nông nghiệp” khác “đất thổ cư”
Tiếp xúc với phóng viên, khách hàng tên A., ngụ ở Bình Dương cho biết, để có tiền mua một lô đất của công ty B, anh phải vay mượn khắp nơi, thậm chí lấy cả sổ đỏ của ba mẹ ở quê để cầm cố ngân hàng vay mượn. Số tiền mà anh chuyển cho công ty B đã gần 500 triệu đồng. Tuy vậy, khi yêu cầu công ty môi giới cung cấp pháp lý dự án như 1/500, nghiệm thu hạ tầng cơ sở... thì không hề cung cấp được.
Nhiều khách hàng sau khi đóng tiền cho nền đất trên giấy của mình 50-60% thậm chí 95%, đến hạn ra sổ mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa. Khách hàng lúc này mới tìm lên tận chính quyền địa phương để hỏi, thì hỡi ôi “địa phương không có dự án nào tên A, B, C”. Đó chỉ là những lô đất nông nghiệp có diện tích lớn đang được một số cá nhân xin tách thửa phân lô nhưng chưa được cho phép.
Ông Huy Hùng, một nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực đất nền chia sẻ, hiện nay tình trạng các công ty môi giới đứng ra hợp tác với một cá nhân có đất đông nghiệp diện tích lớn lừa đảo xuất hiện rất nhiều. Đặc biệt các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...,thông thường cá nhân có sổ nông nghiệp 2.000-5.000 m2, họ không lập dự án nào cả, bằng hình thức tách thửa họ sẽ chia nhỏ cục đất ra nhiều sổ, sau đó làm hồ sơ tiếp tục làm hạ tầng và phân lô.
Theo ông Hùng, để làm những việc này cần phải có tài chính, thông thường, các công ty môi giới sẽ vẽ ra các phối cảnh dự án rất đẹp, quy hoạch bài bản, tiện ích nội khu ngoại khu hấp dẫn để dụ khách hàng. Sau đó khi khách hàng đóng tiền sẽ sử dụng tiền này để chuyển mục đích sử dụng đất, làm hạ tầng rồi phân lô. Hay nói cách khác dùng tiền của khách hàng để thực hiện quá trình phân lô bán nền.
“Khách hàng không biết số tiền mình đóng cho các công ty bất động sản không uy tín đi đâu về đâu, dự án đó pháp lý thế nào? Chỉ biết rằng giá tiền rẻ, hợp đồng hợp tác, góp vốn giá trị pháp lý mập mờ và các ủy nhiệm chi từ ngân hàng mà mình đã chuyển cho công ty A, B, C làm niềm tin duy nhất. Vậy mà họ vẫn cứ chuyển tiền tỷ” - ông Hùng ngán ngẩm.
Hiện nay, có rất nhiều khách hàng đi mua đất chưa phân biệt rõ đất thổ cư và đất nông nghiệp. Nhiều khách hàng thấy môi giới đưa sổ đỏ, mục đích sử dụng đất ghi “đất trồng cây lâu năm”, nhưng mà vẫn mua.
Với đất nông nghiệp khách hàng không thể xây dựng nhà ở. Trong trường hợp công ty môi giới không lên thổ cư được, khu đất lại nằm trong khu vực quy hoạch, khi Nhà nước thu hồi, việc bồi thường sẽ áp giá theo quy định Nhà nước. Mà khung giá bồi thường tính trên m2 đất sẽ ít hơn nhiều so với số tiền mà khách hàng mua ban đầu. Đó là chưa kể, cùng trên 1 sổ đất nông nghiệp, nhiều khi có tới 2 -3 người cùng ký 1 hợp đồng góp vốn, càng rủi ro nhiều hơn. Khách hàng khi mua đất nền cần phải yêu cầu chủ đầu tư, công ty môi giới cung cấp bản đồ 1/500, nghiệm thu cơ sở hạ tầng, tới thực địa dự án khảo sát độc lập hoặc tìm kiếm thêm thông tin từ chính quyền địa phương về dự án trước khi quyết định xuống tiền để tránh rủi ro.
Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Đoàn Luật sư TP.HCM
Vũ Sơn
-
Khi nào đất nền phía Nam vào sóng tăng giá?
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS