Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Các tập đoàn năng lượng đổ xô đến Nam Mỹ giữa bất ổn địa chính trị

Thứ tư, 09/07/2025 07:22 (GMT+7)

Các tập đoàn năng lượng toàn cầu đang ồ ạt đổ vốn vào Nam Mỹ. Khu vực này đang nổi lên như một miền đất hứa nhờ trữ lượng dầu mỏ khổng lồ và rủi ro địa chính trị thấp.

Trong bối cảnh bản đồ năng lượng toàn cầu đang được vẽ lại bởi những bất ổn địa chính trị, một cuộc dịch chuyển đầu tư quy mô lớn đang diễn ra. Các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như ExxonMobil, Chevron và Total đang chuyển hướng dòng vốn khổng lồ của mình đến Nam Mỹ, biến khu vực này thành một điểm nóng mới của ngành dầu khí, một sự thay thế đầy hứa hẹn cho Trung Đông vốn đầy bất ổn.

Mỏ dầu ngoài khơi Brazil. Ảnh: RioTimes

Cơn sốt đầu tư và sự trỗi dậy của các cường quốc dầu mỏ mới

Theo Wall Street Journal, các mỏ dầu Nam Mỹ đang thực sự bùng nổ. Dự báo cho thấy, trong 5 năm tới, hơn 80% sự gia tăng sản lượng dầu mỏ bên ngoài khối OPEC sẽ đến từ ba quốc gia: Brazil, Guyana và Argentina.

Các dự án tỷ đô đang được triển khai rầm rộ. ExxonMobil và Chevron đang đặt cược lớn vào vùng biển ngoài khơi Foz do Amazonas của Brazil. Total của Pháp đang dẫn đầu một dự án trị giá 10,5 tỷ USD tại Suriname. Các tập đoàn khác từ Mỹ và Malaysia cũng không đứng ngoài cuộc chơi, cụ thể tập đoàn năng lượng toàn cầu như APA Corporation có trụ sở tại Houston, Mỹ và Petronas của Malaysia cũng đang đầu tư vào việc phát triển mỏ dầu ở Suriname. Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy dự báo, chỉ riêng lĩnh vực thượng nguồn (thăm dò và phát triển) của Suriname sẽ thu hút gần 10 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2027.

Sức hút này đến từ những phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ gần đây. Sản lượng của Argentina đã đạt mức cao nhất trong 20 năm. Francisco Monaldi, người đứng đầu Chương trình Năng lượng Mỹ Latinh tại Viện Baker thuộc Đại học Rice ở Texas cho biết, Guyana tuy là một quốc gia nhỏ bé nhưng được ước tính có trữ lượng hơn 11 tỷ thùng dầu, đang trên đà trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới tính theo bình quân đầu người.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa tiềm năng và an toàn

Có hai lý do chính giải thích cho làn sóng đầu tư này. Thứ nhất, đây là một bến đỗ an toàn về mặt địa chính trị. So với Trung Đông, nơi các cuộc xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào, gây gián đoạn nguồn cung và làm giá dầu biến động mạnh, Nam Mỹ mang lại một môi trường ổn định hơn nhiều.

Thứ hai, tiềm năng và hiệu quả kinh tế vượt trội. Dầu thô của Nam Mỹ không chỉ dồi dào mà còn có nhiều ưu điểm. Chi phí sản xuất thấp hơn mức trung bình toàn cầu. Lượng khí thải carbon trong quá trình khai thác cũng thấp hơn. Đặc biệt, các mỏ dầu chất lượng cao của Guyana nằm ở vùng nước nông, giúp các công ty dễ dàng đạt điểm hòa vốn chỉ ở mức giá 25-35 USD/thùng, một con số cực kỳ hấp dẫn.

Đối với Mỹ, việc chuyển hướng sang Nam Mỹ còn mang một ý nghĩa chiến lược. Dù đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng các mỏ dầu đá phiến của Mỹ từ Tây Texas đến Bắc Dakota đang dần cạn kiệt đang dần cạn kiệt và chất lượng suy giảm. Nam Mỹ với vị trí địa lý gần gũi và tiềm năng to lớn đã nổi lên như một giải pháp thay thế hoàn hảo, giúp Mỹ đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì tầm ảnh hưởng của các tập đoàn của mình.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn