Bỏ sổ hộ khẩu, bỏ điều kiện nhập khẩu vào thành phố lớn: Quyết làm vì có lợi cho dân
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) quy định rất nhiều vấn đề mới như: bỏ sổ hộ khẩu giấy, bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó kiến nghị bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô; thêm 4 trường hợp xoá cư trú... Đây là những cải cách, đổi mới rất lớn của Bộ Công an với quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân.
Hộ khẩu – những câu chuyện cười ra nước mắt
“Tôi lấy chồng mới, đã có con nhưng không đăng ký kết hôn, không khai sinh cho con được vì mẹ chồng cũ không cho cắt chuyển hộ khẩu”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hạnh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chị vốn quê ở Hà Nam, lấy chồng Hà Nội từ năm 2009. Năm 2016, hai vợ chồng chị ly hôn, chị đã nhiều lần đến nhà mẹ chồng cũ (đứng tên chủ hộ) để xin chuyển hộ khẩu nhưng bà thường lấy lý do bận để không đi cắt hộ khẩu cho chị.
Mặc dù chị đã thuyết phục hết cách, nhờ cả CSKV đến khuyên bà nhưng lúc nào bà cũng lý do bận, ốm đau...để gây khó khăn. “Tôi cũng đã làm đơn ra phường nhưng cũng không giải quyết được vì bà chỉ bảo bận, ốm chứ không nói là không cắt khẩu cho tôi. Tôi mượn hộ khẩu bà cũng không cho vì sợ mất”, chị Hạnh cho biết.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng chia sẻ, có người dân gọi điện cho ông cầu cứu vì không chuyển được hộ khẩu của mình. Ông cho biết, qua khảo sát, có khoảng 3.000 phụ nữ trong tình trạng như vậy, nghĩa là khi sau khi ly hôn, không thể cắt hộ khẩu ra khỏi nhà chồng cũ. “Tới đây, bỏ hộ khẩu giấy thì người dân sẽ không còn lo lắng nữa, người đi đâu thì quản lý nhân khẩu ở đấy” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Không chỉ thế, nhiều người dân sống ở Hà Nội hơn 20 năm nhưng không đăng ký thường trú được vì không có nhà. Chính vì vậy, việc khám chữa bệnh vẫn phải theo hộ khẩu ở quê mới đúng tuyến; con cái đi học phải “chạy chọt” trái tuyến. Vừa tốn kém tiền bạc vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập.
Cải cách, tạo điều kiện tối đa cho người dân
Ngày 9-8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), tập trung vào 4 vấn đề chưa thống nhất. Đó là Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21); xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30); về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 40 dự thảo Luật); về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú (khoản 10 Điều 2, Điều 28, Điều 29 dự thảo Luật).
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết điều kiện về thời gian tạm trú hiện là rào cản để công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc Trung ương khó đăng ký thường trú vào các đô thị này; quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy, Bộ Công an đề nghị không tiếp tục giữ quy định này, áp dụng đối với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Về xóa đăng ký thường trú và xóa đăng ký tạm trú là để nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc chấp hành pháp luật về cư trú; giúp chính quyền địa phương các cấp có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế được chính xác, sát với nhu cầu của người dân trong địa bàn quản lý, bố trí nguồn lực hợp lý cho các đối tượng thụ hưởng hợp pháp đang thực tế sinh sống trên địa bàn.
“Việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin của công dân trong 2 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường. Khi người dân có nhu cầu sẽ được đăng ký lại”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Về quy định này, một số ý kiến lo ngại việc khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 1-7-2021 thì chưa giải quyết được các giao dịch dân sự liên quan đến hộ khẩu và đề nghị thời hạn chuyển tiếp đến 31-12-2025, nói rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị giữ nguyên như phương án Chính phủ trình là Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Theo đó, Bộ Công an sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1-7-2021 và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ Công an đã có tư tưởng, quan điểm mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính. Thế giới đã có số định danh cá nhân từ lâu rồi. Quyền tự do cư trú, tự do đi lại đã được Hiến pháp quy định nên việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân là rất cần thiết.
Về các ý kiến cho rằng cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thêm một thời gian sau khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, tức là phải có thời gian chuyển tiếp từ quản lý bằng hộ khẩu giấy sang mã số định danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu đều do chúng ta đặt ra. Vậy thì chúng ta bỏ đi, cải cách, đổi mới đi. Tại sao cứ bám những cái mình không quản được? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, hiện đại tốt cho dân thì phải làm chứ”.
Quản lý cư dân thế nào khi bỏ sổ hộ khẩu?
Chia sẻ những lo lắng của người dân sau khi bỏ hộ khẩu giấy thì các quan hệ dân sự cần phải có xác minh nhân thân giữa các thành viên trong gia đình, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp- Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Cư trú (sửa đổi) cho biết, Luật Cư trú (sửa đổi) quy định việc quản lý cư trú bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các thông tin về cư trú của công dân như hiện nay đang được thể hiện bằng thông tin trong Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú thì sẽ được số hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu này.
Thông tin về mối quan hệ của công dân với chủ hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình cũng sẽ được cụ thể hóa bằng trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể là tại Điều 41 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân đã bổ sung trường thông tin “Quan hệ với chủ hộ” và “Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình”.
Do vậy, công dân muốn xác nhận quan hệ với chủ hộ thì công dân chỉ cần khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đã rõ ràng, trong trường hợp cần thiết thì có thể yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu xác nhận thông tin của công dân về mối quan hệ với chủ hộ.
“Cơ sở dữ liệu này được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc giao dịch dân sự của công dân; về cơ bản khi tham gia các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có liên quan phải có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không bắt buộc Công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú nào khác”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết.
Lo lắng về việc sau khi bỏ điều kiện nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tăng dân số cơ học tại các thành phố này, Bộ Công an cho rằng sẽ không tác động nhiều vì việc thực tế có hay không có quy định về điều kiện đăng ký thường trú riêng thì công dân vẫn có thể đến lao động, làm việc, sinh sống trên địa bàn; việc tăng dân số cơ học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, như việc làm, y tế, giáo dục, môi trường sống… nên tác động do thay đổi điều kiện đăng ký, quản lý cư trú là không nhiều.
Trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và một số dịch vụ công khác đang được cung cấp dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân tại các thành phố trực thuộc Trung ương như điện, nước… Tuy nhiên, trên thực tế dù có hay không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố này thì mọi công dân đang sinh sống vẫn sử dụng điện, nước hàng ngày.
Được biết, thẻ CCCD hiện nay mới có mấy chục trường dữ liệu quản lý, đang bỏ trống một số trường để tích hợp sau như dữ liệu về bảo hiểm, y tế, GPLX... “Sau này, nếu quản lý bằng gắn chíp điện tử hay quản lý bằng QR theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì cũng rất dễ dàng vì chúng tôi cũng để trống, khi cần thiết có thể áp dụng. Dữ liệu cá nhân cố định, đã có sẵn, cần tích hợp dữ liệu gì vào thì chỉ cần bổ sung”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Thu Thuỷ