Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính lên tiếng về mức thuế đối ứng 46% của Mỹ
Thứ sáu, 04/04/2025 07:06 (GMT+7)
Trước thông tin Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính đã có những thông tin chính thức về vấn đề này.
Rạng sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban
hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức
thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối
ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng
90%, theo cách tính của nước này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Bộ Công Thương đã có công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế
Ông Tạ
Hoàng Linh, Vụ trưởng Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho
biết Bộ Công Thương lấy làm tiếc khi Mỹ thông báo áp thuế 46% đối
với tất cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4.
Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Công Thương đã có
công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao
đổi, tìm giải pháp hợp lý.
Theo ông Linh, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền
kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước
không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội
tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với
các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường
Hoa Kỳ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn tạo điều kiện để
người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã xử
lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ban
hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Hoa Kỳ được
hưởng lợi. Ngoài ra có rất nhiều dự án của Hoa Kỳ tại Việt Nam được quan tâm,
giải quyết và tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Theo Thông báo của Nhà Trắng, các mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ áp
với các đối tác thương mại nhằm khắc phục bất công thương mại toàn cầu, đưa sản
xuất trở lại nước này và củng cố an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh
tế. Các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi Hoa Kỳ xác
định được mối đe dọa do thâm hụt thương mại và sự thiếu công bằng trong thương
mại được giải quyết, được khắc phục hoặc giảm nhẹ.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, giữa hai bên còn không
gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi.
Vụ trưởng Phát triển thị trường nước ngoài cũng
khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh của 17 hiệp
định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và 70 cơ chế hợp tác
song phương. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
khi vẫn còn cơ hội khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công
thương tiếp tục thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại với các thị trường
mới Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác; tăng cường
công tác xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi
phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bộ Tài chính nói gì về mức thuế đối ứng Mỹ áp với Việt Nam?
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính chiều 3/4, Thứ trưởng
Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Việt Nam đã rất chủ động
trong việc rà soát, điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, đặc
biệt là hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Việc này không chỉ để đáp ứng phù hợp với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ mà còn nhằm hướng tới một cán cân thương mại bền
vững hơn.
"Chúng ta cần kiên trì tìm
kiếm giải pháp, tiếp tục trao đổi với Hoa Kỳ để đạt được một sự cân bằng thương
mại hợp lý, nhưng nên theo hướng cùng phát triển chứ không phải thu hẹp thương
mại. Quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng hai
nước", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trao đổi thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính - Ảnh: VGP/HT
Cũng
theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, mức thuế mà Hoa Kỳ công bố mới đây là mức tối
đa có thể áp dụng, còn mức cụ thể với từng mặt hàng và lộ trình thực hiện vẫn
chưa được làm rõ.
"Cuối
tuần này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ, được kỳ
vọng sẽ giúp hai bên hiểu rõ hơn về tác động của chính sách thuế mới và có bước
đi hỗ trợ phù hợp", lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin.
Ông Trương
Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí
(Bộ Tài chính) cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động linh hoạt kịp thời
với diễn biến thế giới. Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể thuế xuất nhập khẩu,
tham mưu Chính phủ để điều chỉnh phù hợp, trong đó có Nghị định 73/2025 giảm
mức thuế xuất nhập khẩu với mặt hàng được đối tác quan tâm.
Mục
tiêu lớn nhất của Nghị định 73 là nhằm cân bằng cán cân thương mại với các đối
tác lớn, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận thông tin đa dạng hơn và
mức thuế thấp hơn; cụ thể là điều chỉnh giảm thuế 16 mặt hàng như các mặt hàng
liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, ô tô, điện, than, ethanol, gỗ, một số thực
phẩm đông lạnh…
Tuy
nhiên, mức thuế được Hoa Kỳ công bố sáng 3/4, công thức tính thuế dựa trên
thâm hụt - nghĩa là chuyển từ thuế theo ngành sang thuế quốc gia, dựa trên tỉ
lệ thâm hụt thương mại song phương, Việt Nam là 90% và thuế đối ứng là 46%. Như
vậy, có nghĩa là Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa
nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.
Theo ông Tuấn, mức thuế suất nhập khẩu bình quân của Việt Nam khá thấp, phần lớn hàng
hóa Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế khoảng 15% trở xuống. Vậy chúng ta cần nghiên cứu ngoài yếu tố thuế
còn có lý do gì mà Hoa Kỳ cân nhắc, tính toán đưa ra con số 90%, để từ đó có
giải pháp phù hợp.
"Chúng
tôi sẽ nghiên cứu thêm để tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền
về giải pháp phù hợp trong thời gian tới", ông Tuấn nói.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế tới 46% với hàng hóa Việt Nam sẽ gây ra tác động đáng kể tới kinh tế trong nước. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần bình tĩnh phân tích tình hình, từ đó có chiến lược ứng phó hiệu quả.
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố một loạt thuế quan mới, được gọi là thuế "đối ứng" (reciprocal tariff), áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Vậy thuế đối ứng là gì, có từ khi nào?
Mở phiên sáng nay (3/4), nhà đầu tư đã ngay lập tức bán tháo khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn, VN-Index mất hơn 67 điểm, xuống 1.247 điểm, tương ứng "bay" 5,28%. Những mã giảm sàn, tập trung ở nhóm ngành dệt may, bất động sản...
Thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trước thông tin thuế đối ứng của Mỹ khiến hàng loạt mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ phiên 3/4. Tổng tài sản các tỷ phú USD của Việt Nam "bay" 743 triệu USD chỉ sau một đêm.
Hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, và các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế tới 46% với hàng hóa Việt Nam sẽ gây ra tác động đáng kể tới kinh tế trong nước. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần bình tĩnh phân tích tình hình, từ đó có chiến lược ứng phó hiệu quả.
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo chuyên gia, việc tổng thống Mỹ Donald Trump nói Việt Nam phải chịu thêm thuế là “hoàn toàn vô lý” bởi “thuế được trả bởi các công ty, và các công ty này thường chuyển phần chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng”.