Bất động sản thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI trong quý I/2019
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tại "Diễn đàn toàn cảnh thị trường bất động sản và tài chính 2019".
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định các khoản cho vay của ngân hàng thương mại với khách vay mua nhà, mua đất có số tiền từ trên 3 tỷ đồng theo hệ số rủi ro lên đến 150% (siết tín dụng vay mua nhà trên 3 tỷ đồng). Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế nguồn vốn huy động ngắn hạn của các ngân hàng thương mại đem cho vay vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong trung và dài hạn. Do đó, các chuyên gia cho rằng khi tín dụng vào BĐS bị siết chặt, dòng vốn ngoại sẽ là kênh bổ sung quan trọng.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết thị trường đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Riêng trong quý I/2019, Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực BĐS. Số vốn này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án.
Tuy nhiên, ông Khởi tiết lộ thông tin để khắc phục tình trạng thiếu vốn trong nước, Thủ tướng đã chỉ đạo hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác, quỹ đầu tư BĐS. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Nhà và thị trường BĐS cũng cho rằng việc siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn vốn BĐS, tránh “bong bóng”, hạn chế đầu tư theo trào lưu… làm cho thị trường lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, các chính sách mới vừa được ban hành cũng như hệ thống pháp luật có liên quan chuẩn bị sửa đổi được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Cụ thể, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp được trình Quốc hội nhằm giảm điều kiện đầu tư, mở rộng hình thức kinh doanh cho một số doanh nghiệp; Luật Xây dựng cũng dự kiến sửa đổi một số hoạt động trong đầu tư xây dựng; Luật Nhà ở có hiệu lực hơn 3 năm nhưng cũng có một số nội dung phải nghiên cứu sửa đổi như mở rộng hình thức đầu tư, dành ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội…
Cùng với đó, trong thời gian tới, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) cũng có thể sẽ rất hạn chế mà chuyển sang hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Cùng với đó, sẽ xuất hiện một số mô hình tài chính mới phục vụ thị trường BĐS như: Quỹ tiết kiệm Nhà ở; Quỹ đầu tư… nhằm hoàn thiện các định chế tài chính, bổ sung nguồn vốn đầu tư. Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng đối với BĐS cũng là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại chiến lược và nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, dù các chính sách mới vừa được ban hành cũng như hệ thống pháp luật có liên quan chuẩn bị sửa đổi được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhưng cũng cần có thời gian để đi vào cuộc sống.
Phân tích thêm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng: Thời gian tới, tín dụng BĐS sẽ còn được kiểm soát chặt chẽ hơn với việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, sẽ hạ tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% hay tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên. Những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường BĐS. Nhưng, việc kiểm soát tín dụng sẽ giúp chất lượng khoản vay tốt hơn, giảm nợ xấu, kích thích các dòng vốn khác nhau như chứng khoán, kiều hối.
Về việc vốn ngoại đổ vào Việt Nam, ông Hà đánh giá, thực chất là do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Khi đó, có một làn sóng chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam, khiến thị trường bất động sản công nghiệp gia tăng. Làn sóng này cũng tạo nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia, do đó thị trường còn nhiều dư địa để phát triển.
Còn dưới góc nhìn của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, xét theo xu hướng dài hạn thì thị trường BĐS Việt Nam vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Chính sách tiền tệ được thắt chặt nhưng theo hướng lấy sự lành mạnh của ngân hàng là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, nguồn vốn được kiểm soát nhưng sẽ lành mạnh. Các dự án M&A (mua bán, sáp nhập) sẽ thu hút được dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS; đặc biệt, phân khúc BĐS công nghiệp đang tạo nhiều hiệu ứng tốt.
Hương Lan
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội