Bất động sản công nghiệp, “cú hích” từ Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tác động mạnh giúp thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.
Tăng trưởng tích cực
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000 ha. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư.
Cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ngày một tăng, EVFTA là một hiệp định có tính cột mốc, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Các cụm và khu công nghiệp của Việt Nam từ đó đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Các nhà đầu tư châu Âu đang bày tỏ sự quan tâm sâu rộng và việc minh bạch hóa môi trường pháp lý và đầu tư sẽ tiếp tục làm tăng danh tiếng của quốc gia Việt Nam. Tuy vậy, Hoa Kỳ gần đây đã áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm thép của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được sản xuất gia công tại Việt Nam. Điều này cho thấy nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng xuất nhập khẩu đang ngày càng được các nước trên thế giới giám sát chặt chẽ.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Hiệp định này cho thấy cam kết của chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á. Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm, và nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc bất động sản.”
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản Công nghiệp (Savills Việt Nam) xác nhận rằng số lượng yêu cầu từ khách hàng EU đã tăng lên trong quá trình đợi hiệp định được ký kết.
“Hiệp định thương mại tự do này sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường đến bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e sợ của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí” - ông John Campbell nói.
Yêu cầu về minh bạch thông tin quy hoạch
Theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để bất động sản công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, cần tập trung đổi mới tư duy và đổi mới phương thức quản lý. Yêu cầu đầu tiên là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng. Đưa thị trường bất động sản Việt Nam vận động phù hợp theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
“Công tác lập quy hoạch tổng thể đất công nghiệp của vùng, địa phương và cả nước cần chú trọng. Quy hoạch các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sạch, sinh thái, thân thiện môi trường và thu hút công nghệ cao với các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Quy hoạch cần được lập đồng bộ và công bố công khai để cho các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt cơ hội và tham gia đầu tư sớm” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
Minh bạch hóa thông tin về thị trường bất động sản là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chính sách hoạch định cho sự phát triển của thị trường phải ổn định và có tính đảm bảo mức độ rủi ro chính sách để thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chính phủ cũng nên lưu tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ông Nguyễn Trần Nam phân tích thêm./.
Phương Hoài
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội