Xuất tôm đi Mỹ, “vua tôm” Minh Phú thu hơn 35 tỷ mỗi ngày
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, tập đoàn Minh Phú của đại gia thủy sản miền Tây Lê Văn Quang đã thu hơn 10.000 tỷ đồng nhờ mặt hàng tôm xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã CK: MPC) cho biết, doanh thu tháng 10/2018 của doanh nghiệp đạt 1.715 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 70 tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của tập đoàn thủy sản Minh Phú đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng (10.632 tỷ), riêng Minh Phú Hậu Giang đóng góp tới 82% tổng doanh thu (8.744 tỷ đồng).
Như vậy, trung bình từ đầu năm đến nay, doanh thi từ xuất khẩu tôm của Minh Phú trên dưới 35 tỷ đồng/ngày.
Lợi nhuận trước thuế 10 tháng đầu năm của “vua tôm” là 703 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình kinh doanh khởi sắc của “vua tôm” đi theo xu thế chung của ngành thủy sản Việt Nam năm 2018. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu thủy sản có xu hướng phục hồi từ tháng 8 đến nay và tăng trưởng khả quan với mức tăng gần 8% đạt 847 triệu USD trong tháng 9.
Cuối quý III và đầu quý IV cũng là thời điểm các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu phục vụ cho dịp lễ, tết ở các thị trường nhập khẩu. Theo VASEP, giá tôm có xu hướng hồi phục nhẹ sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Liên quan đến tập đoàn Minh Phú ngày 11/11 vừa qua, doanh nghiệp này đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường, thông qua các tờ trình nhằm “dọn đường" cho nhà đầu tư ngoại sở hữu thêm cổ phần Minh Phú trong đợt tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ lên hơn 2.157 tỷ đồng theo hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Theo đó, Minh Phú sẽ bỏ bớt một số ngành nghề kinh doanh không hoạt động hoặc không phải mảng chính như kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ và cho thuê xe có động cơ. Từ đó, nới room cho cổ đông ngoại lên 51%.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết , nhiều nhà đầu tư chiến lược muốn mua cổ phần mới với các tỷ lệ như 35,1%, 30% và 15%. Đặc biệt, một nhà đầu tư muốn mua khoảng 35,1% vốn của MPC và 15% của gia đình nhằm nắm 51% vốn. Thậm chí, đối tác này còn muốn mua 65% với giá tốt nhưng giá này vẫn chưa đạt kỳ vọng của ông Quang (cao ít nhất 20 - 30% giá thị trường).
Chủ tịch Minh Phú nói rằng ông muốn hai nhà đầu tư (muốn mua 30% và 35% vốn) cùng tham gia vào công ty nhưng ông vẫn đang cân nhắc vì tỷ lệ sở hữu lớn, nhất là việc mua từ gia đình. Tuy nhiên, dù là ai mua cổ phần, ông Quang nói họ vẫn muốn ông đứng ra điều hành, quản lý (hiện ông Lê Văn Quang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Minh Phú).
Các nhà đầu tư ngỏ ý niêm yết cổ phiếu MPC lên sàn quốc tế nhưng ông Quang nói sẽ nghiên cứu. Trước mắt, công ty vẫn tiến hành niêm yết sàn HOSE, thời gian dự kiến đầu năm 2019.
Theo Người Đưa Tin
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường