'Xét xử trực tuyến chỉ nên áp dụng với vụ án ít nghiêm trọng'

Thứ hai, 25/10/2021, 16:02 PM

Việc xét xử trực tuyến chỉ áp dụng với vụ án hình sự ít nghiêm trọng, vụ án dân sự có tình tiết rõ ràng, theo đề xuất của các đại biểu Quốc hội.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 24/10, đại biểu Lý Văn Huấn (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên) cho rằng tổ chức phiên tòa trực tuyến là phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia và xu hướng hội nhập quốc tế của ngành tư pháp.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt, ông đề nghị TAND tối cao chủ trì, phối hợp với VKSND tối cao, Bộ Công an và các cơ quan sớm ban hành thông tư liên tịch sau khi nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, cơ quan chức năng phải rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật vận hành phiên tòa trực tuyến; hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với những loại án nào, trình tự thủ tục pháp luật."Cần có các biện pháp để đảm bảo quyền con người, quyền của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, luật sư...", ông Huấn nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Ủy ban Pháp luật) cho rằng hình thức xét xử trực tuyến chỉ nên áp dụng với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng; vụ án dân sự, hành chính có tình tiết rõ ràng. Ông đề xuất trước mắt nên thí điểm trong 3 năm, sau đó các cơ quan sẽ tổng kết, đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý.

Đại biểu Lại Thanh Hoàn phát biểu tại Quốc hội, sáng 24/10. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Lại Thanh Hoàn phát biểu tại Quốc hội, sáng 24/10. Ảnh: Hoàng Phong

Theo ông Hoàn, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp xét xử trực tuyến. Một số nước đã có đạo luật về xét xử trực tuyến như Hàn Quốc, Nga, Đức... Những nước chưa có luật thì áp dụng xét xử trực tuyến trên cơ sở các đạo luật khẩn cấp. Tại Trung Quốc, từ cuối năm 2019 đã cho phép thí điểm tổ chức phiên tòa trực tuyến trong 2 năm với các vụ án dân sự.

"Qua đó, chúng ta thấy rằng các nước tiến hành xét xử trực tuyến rất thận trọng, đảm bảo phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế, xã hội", ông Hoàn nói.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các đạo luật tố tụng chưa quy định về xét xử trực tuyến mà chỉ quy định về xét xử trực tiếp tại phòng xử án. Theo ông Hoàn, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân, nên "cần nghiên cứu thận trọng".

Ủng hộ chủ trương này và lâu dài sẽ hướng đến xây dựng tòa án điện tử, thông minh, nhưng ông Hoàn cho rằng cần có biện pháp đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị cáo, các đương sự và người có liên quan.

Chung ý kiến, đại biểu Trần Đình Văn (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng) nói kinh nghiệm quốc tế cho thấy xét xử trực tuyến chỉ nên áp dụng với các vụ việc đơn giản, ở cấp xét xử phúc thẩm và trung thẩm, không sử dụng cấp sơ thẩm.

Ông Đình Văn cũng nhấn mạnh, để áp dụng xét xử trực tuyến, cơ quan chức năng phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, cũng như quyền công dân. Ở Việt Nam, xét xử trực tuyến là hình thức mới, pháp luật chưa có quy định. Việc xét xử liên quan đến nhiều quy định của pháp luật hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Do đó, phiên tòa trực tuyến cần phải đảm bảo thuận lợi cho những người tham gia tố tụng, không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đảm bảo nguyên tắc tố tụng, an toàn, hiệu quả, bảo mật chặt chẽ của quá trình tranh tụng tại phiên tòa, nhưng cũng đảm bảo theo đúng Hiến pháp và pháp luật.

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp) cho rằng xét xử trực tuyến không có nhiều ưu điểm. Cụ thể, trong tố tụng tư pháp, một trong những nguyên tắc cơ bản là tranh tụng, không chỉ thể hiện bằng lời nói mà thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, sự tương tác kịp thời, quyết liệt giữa các bên trong tố tụng. Điều này ảnh hưởng và tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của Thẩm phán và các thành viên tham gia tố tụng. Do vậy, nếu so sánh xét xử trực tiếp và trực tuyến thì trực tuyến bất lợi hơn nhiều.

"Hai bất lợi là không bảo đảm quyền đầy đủ của các bên đương sự trong tham gia tố tụng và sự tiếp cận, nhận định toàn diện, đầy đủ tình tiết về vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử", ông nói.

Vì vậy, ông Hiển đề xuất Nghị quyết cần nêu rõ nguyên tắc chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp và phải có sự đồng ý của các bên tham gia; nội dung này cần đưa vào nghị quyết thay vì trong thông tư hướng dẫn thi hành.

Thông tư hướng dẫn thi hành phải làm rõ phạm vi đồng ý của bên tham gia tố tụng đối với mỗi loại tố tụng khác nhau (hình sự, dân sự, hành chính); sự bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa (chủ thể tham gia khác nhau nên phạm vi đồng ý tham gia tố tụng trực tuyến khác nhau).

"Trong quá trình chuẩn bị xét xử, có những đương sự lúc đầu đồng ý tham gia, sau không đồng ý cũng phải quy định rõ. Khi yếu tố kỹ thuật không đảm bảo xét xử trực tuyến thì đến lúc điều kiện cho phép, phải quay trở lại xét xử trực tiếp", ông Hiển nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển. Ảnh: Hoàng Phong

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Theo ông Bình, đây là vấn đề mới, nếu quy định chỉ thí điểm 3 năm, sau đó Quốc hội sẽ phải tiếp tục có nghị quyết để tiếp tục phương thức này. Vì vậy, hàng năm TAND tối cao sẽ báo cáo Quốc hội về những điều làm được, chưa làm được, rút kinh nhiệm từ phương thức xét xử trực tuyến.

Đồng thời, TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an... đã chuẩn bị thông tư liên ngành để hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý cho việc này, với tinh thần đảm bảo chặt chẽ, chắc chắn.

Hoàng Thùy - Viết Tuân

Theo Vnexpress.net

largeer