Thêm 11 người bị đề nghị truy tố trong vụ án VEAM
C03 đề nghị truy tố thêm 11 bị can trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), trong lần thứ hai ra kết luận điều tra bổ sung.
Ngày 4/10, 10 người bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự, gồm: Ngô Văn Tuyển, nguyên thành viên HĐQT VEAM; Bùi Quốc Việt, nguyên trưởng phòng thị trường kinh doanh VEAM; Ngô Văn Thịu, trưởng phòng thị trường kinh doanh VEAM; Nguyễn Thị Thu Hương, nguyên phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng VETRANCO; Trần Thanh Thuỷ, Trưởng phòng tài chính kế toán VETRANCO; Nguyễn Minh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Việt; Lương Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần thép Minh Quang; Trần Anh Sơn, nguyên kế toán trưởng, phụ trách quản trị VEAM; Hoàng Văn Lẫm, phó phòng tài chính kế toán VEAM, Vũ Từ Công, nguyên kế toán trưởng VEAM;
Người thứ 11, Nguyễn Văn Khôi, thành viên HĐTV, Trưởng ban kiểm soát VEAM, bị đề nghị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đây là 11 người bị đề nghị truy tố thêm tại kết luận điều tra bổ sung lần hai của C03. Trong hai lần điều tra trước đó kéo dài từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2021, C03 chỉ đề nghị truy tố 6 bị can là ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch HĐTV VEAM; Lâm Chí Quang, Tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, nguyên trưởng phòng kỹ thuật đầu tư VEAM; Vũ Quang Tâm, nguyên thành viên HĐQT VEAM; Đào Quốc Việt, Giám đốc VETRANCO; Trần Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT 4 công ty, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí .
Theo kết luận, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước. Năm 2010, VEAM chuyển sang hình thức Công ty mẹ - con theo quyết định của Bộ Công Thương, với 25 công ty con và đơn vị thành viên. Năm 2017, VEAM hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 88%.
Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại (VETRANCO) là công ty con của VEAM. Trong hơn 12,5 tỷ đồng vốn điều lệ ở công ty này, VEAM chiếm 51%.
Kết luận xác định, ông Hà điều hành hoạt động hằng ngày của VEAM nhưng đã không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, quyết định những chủ trương không đúng quy định pháp luật gây thất thoát tài sản Nhà nước. Ông Hà cùng các thuộc cấp đã để xảy ra ba sai phạm lớn tại VEAM dẫn đến bị xử lý hình sự.
Năm 2007-2013, Tổng giám đốc VEAM qua các thời kỳ đã ký 7 văn bản cam kết bảo lãnh thanh toán cho những hợp đồng tín dụng của VETRANCO. Từ đó VETRANCO mang hồ sơ đi vay tiền tại các ngân hàng. Trong số này, bị can Giang ký 2 văn bản, Quang ký 5. Tổng giá trị bảo lãnh được tính tại các văn bản là 193 tỷ đồng. Việc bảo lãnh cho công ty con vay ngân hàng trái quy định của VEAM đã gây thiệt hại hơn 75,28 tỷ đồng.
Bị can Hà với tư cách là Chủ tịch HĐTV buộc phải biết về việc VEAM bảo lãnh cho VETRANCO vay ngân hàng trái quy định. Tuy nhiên, ông Hà vẫn để hai thuộc cấp là Lâm Chí Quang và Vũ Từ Công thực hiện hành hành vi sai phạm, gây thiệt hại, cơ quan điều tra xác định.
Với mục đích để chuyển tiền cho vay, VETRANCO ký 12 hợp đồng mua hàng khống và đề nghị VEAM làm trung gian ký 3 hợp đồng. Sau đó, VETRANCO ký 15 hợp đồng bán hàng trả chậm cho nhóm công ty của Trần Quang Tiến để hợp thức việc cho vay. Tất cả bị cáo buộc là hợp đồng khống, ký lòng vòng để thực hiện các sai phạm. Các công ty của bị can Tiến sau đó dừng hoạt động, không còn tài sản và không thể trả tiền cho VETRANCO, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 183 tỷ đồng.
Bị can Tiến khai do có mối quan hệ với lãnh đạo VEAM nên dùng các công ty do mình sở hữu để ký hợp đồng mua hàng hoá trả chậm. Do kinh doanh thua lỗ cùng với áp lực trả lãi ngân hàng và xã hội đen, vốn của các công ty mất dần. Để có tiền tiếp tục kinh doanh, Tiến đã thoả thuận với giám đốc VETRANCO để lập hợp đồng mua bán khống.
C03 xác định "bản chất của việc mua bán hàng hoá lòng vòng này là để luân chuyển ngược dòng tiền để Tiến vay tiền của VETRANCO trong 90 ngày".
Ở sai phạm thứ hai, VEAM bị cáo buộc thực hiện dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung trái quy định. Ông Hà ký đồng ý mua bản quyền sản xuất và thông số kỹ thuật của hai loại máy kéo với mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, trong khi chưa được Bộ Công Thương phê duyệt.
VEAM sau đó chuyển 2,5 triệu USD tiền thanh toán cho đối tác. Số tiền này tương đương hơn 56 tỷ đồng, được C03 xác định là gây thiệt hại cho Nhà nước.
Trong sai phạm thứ ba, C03 xác định VEAM ký 2 thoả thuận với Công ty của Trung Quốc để phát triển ôtô tay lái bên phải rồi xuất khẩu sang thị trường Srilanka. Ông Hà ra quyết định về việc này khi chưa có nghị quyết của HĐTV VEAM.
Ông Hà cũng ký biên bản ghi nhớ giữa VEAM với đối tác T-KING Trung Quốc và trực tiếp ký lệnh yêu cầu chuyển 200.000 USD cho đơn vị này. Hành vi của ông cùng thuộc cấp bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đánh giá ông Hà khai báo chống đối, không thành khẩn, quanh co chối tội.
Phạm Dự
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội