Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 26 bị cáo

Thứ hai, 12/05/2025 09:37 (GMT+7)

TAND Hà Nội mở phiên xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc và các đồng phạm, liên quan sai phạm tại mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái).

Sáng 12/5, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) - Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 bị cáo khác trong vụ án Công ty Thái Dương và các đơn vị liên quan khai thác trái phép đất hiếm ở mỏ Yên Phú (Yên Bái).

Ông Ngọc bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc (bên trái) và 2 bị cáo khác trong vụ án. 

Trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm tại mỏ Yên Phú (Yên Bái), ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương bị cáo buộc ba tội danh gồm: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2019 đến 2023, ông Huấn bị cáo buộc tổ chức khai thác trái phép đất hiếm và quặng sắt trị giá hơn 864 tỷ đồng, tiêu thụ bất hợp pháp hơn 763 tỷ, gây thất thoát hơn 9,6 tỷ tiền thuế.

Ngoài ông Huấn, 7 cựu cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường cũng bị truy tố vì vi phạm quy định về quản lý tài sản công, gây thất thoát, lãng phí. Nhóm này gồm: Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Lê Duy Phương, cựu Chuyên viên chính Vụ Khoáng sản; Hồ Đức Hợp, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái; Lê Công Tiến, cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái và Bùi Đoàn Như, cựu Phó Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.

Mỏ đất hiếm tại tỉnh Yên Bái. 

Theo cáo trạng, bị cáo Đoàn Văn Huấn trong vai trò lãnh đạo Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) trong thời gian từ 2019 - 2023.

Số khoáng sản bị khai thác trái phép có tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng và trong đó, bị can Huấn cùng đồng phạm đã tiêu thụ được số quặng trị giá hơn 763 tỷ đồng. Huấn còn chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại hơn 9,6 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Cơ quan tố tụng xác định năm 2012, Bộ TN&MT có quyết định giao Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được chỉ đạo, giải quyết lĩnh vực địa chất, khoáng sản và phụ trách Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Trước đó, từ năm 2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương, nên ông Ngọc ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép, nêu rõ “hồ sơ đề nghị cấp phép đã đủ điều kiện”.

Văn phòng Chính phủ có công văn giao các Bộ chỉ đạo Chủ đầu tư lập dự án đầu tư chế biến sâu đất hiếm, báo cáo đánh giá tác động môi trường... Thủ tướng cũng có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Công ty Thái Dương đã lập dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm gồm Nhà máy thủy luyện để chế biến ô xít đất hiếm tại Yên Bái và Nhà máy chiết tách - chế biến ô xít đất hiếm tại Đình Vũ (Hải Phòng).

Ngày 14/12/2012, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ TN&MT, Bộ Công thương, UBND tỉnh Yên Bái thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Đồng ý về nguyên tắc việc khai thác, chế biến quặng đất hiếm Yên Phú với điều kiện: quặng đất hiếm phải chế biến sâu, không xuất khẩu quặng thô và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khoáng sản; không chuyển nhượng quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”.

Nhận văn bản trên, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản hoàn thiện hồ sơ cấp phép cho Công ty Thái Dương.

Tại thời điểm này, Dự án đã thay đổi cả về quy mô và tính chất; không chỉ có Dự án khai thác, tuyển quặng như khi xin cấp phép năm 2011 mà bao gồm cả 3 Dự án không thể tách rời, gồm: Dự án khai thác, tuyển quặng; Dự án nhà máy thủy luyện Yên Bái và Dự án nhà máy chiết tách Hải Phòng.

Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012) nhưng chưa được gia hạn hoặc cấp mới; không có Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy thủy luyện Yên Bái và nhà máy chiết tách Hải Phòng.

Đồng thời, vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương không đảm bảo tỷ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án (chỉ có 200 tỷ đồng còn tổng mức đầu tư 1.953 tỷ), việc này vi phạm luật khoáng sản.

Tuy nhiên, nhóm cán bộ tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc và nghiên cứu hồ sơ, biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép vào năm 2013.

Hành vi của nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ TN&MT như trên góp phần giúp Đoàn Văn Huấn tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt có tổng trị giá 736 tỷ đồng.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn