Xăng tăng giá và sức ép lên giá thành

Thứ hai, 08/04/2019, 15:48 PM

Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng tăng hai lần, tổng cộng gần 2.500 đồng/ lít RON 95! Cùng với việc tăng giá điện hồi cuối tháng 3 thì đợt tăng giá khá cao này đang gây sức ép tăng giá lên hàng loạt mặt hàng khiến người tiêu dùng lo lắng.

Điện, xăng tăng giá đang tác động đến nhiều mặt hàng.

Điện, xăng tăng giá đang tác động đến nhiều mặt hàng.

Trả lời tại sao lại tăng giá xăng cao như vậy, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc quản lý giá xăng dầu được điều chỉnh theo thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Theo ông Thắng, hôm 20/3 vừa qua, Chính phủ quyết định tăng giá điện, đúng thời điểm điều hành giá xăng dầu. Để tránh việc tăng kép nên hôm 18/3 giá xăng đã không tăng và được bù đắp bằng việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu.

Ông Thắng cho rằng: "Giá xăng tăng hôm nay là điều không ai muốn, kể cả chúng tôi. Nhưng do sự tăng giá của thế giới nên chúng ta quyết định điều chỉnh tăng, để tăng 1.355 đồng với xăng E5, quỹ bình ổn đã phải chi ra 2.042 đồng. Nếu không có quỹ, thì nhiên liệu này phải tăng đến 3.419 đồng. Sự điều tiết của Nhà nước là ở chỗ này. Các mặt hàng xăng dầu, kể cả điện đều theo giá thị trường, tiệm cận thị trường thế giới".

Lý do tăng đã rõ và việc tăng không thể dừng nhưng doanh nghiệp (DN) bắt đầu lo lắng. Tổng Giám đốc Công ty Việt Long Sài Gòn Nguyễn Xuân Châu e ngại cước vận chuyển sẽ tăng, vì cuối tháng rồi nhiều đối tác đã chia sẻ với ông điều này khi xăng và điện cùng tăng trong tháng. Là một doanh nghiệp xuất khẩu ếch, công ty ông Châu thường xuyên phải vận chuyển hàng hóa nên cước tăng thì buộc phải tăng giá thành hoặc giảm bớt lợi nhuận, đằng nào DN cũng thiệt thòi.

Trong khi đó, lãnh đạo một DN taxi cho hay ban giám đốc đã bàn tới việc tăng giá khi xăng tăng gần 2.500 đồng/lít trong 1 tháng nhưng sức ép cạnh tranh quá lớn của các hãng xe công nghệ đang khiến họ suy tính lại. Có thể trong tháng 4 chưa tăng giá nhưng về lâu dài phải kêu gọi tài xế chia sẻ hay tăng giá nhẹ. Ông Đoàn Quang Huy, chủ DN cho thuê xe cho hay ông mới thăm dò tăng giá khoảng 5% nhưng khách hàng quen phản ứng quá nên chưa biết tính sao. Không chỉ doanh nghiệp vận tải đường bộ mà đường sông, hàng không cũng không tránh khỏi tác động của xăng tăng giá. Tuy nhiên giá thành cuối cùng có trút lên khách hàng hay không thì vẫn phải hồi hộp chờ.

Do giá xăng là yếu tố chính để quyết định giá vận chuyển nên các đơn vị phân phối hàng hóa rất lo ngại. Phó Tổng Giám đốc một hệ thống siêu thị lớn cho rằng nếu các công ty vận chuyển hàng hóa giữ giá thì bên ông mới bảo đảm được hoạt động vì hiện tại chi phí tăng thêm cho giá điện để chạy hệ thống làm lạnh kho, tủ đã khá lớn. Thời gian qua, nhiều DN cố gắng không tăng giá thành vì sau Tết sức mua giảm và cạnh tranh ngày càng lớn nhưng đợt tăng giá kép này đang khiến họ phải tính toán lại.

Sáng 3/4, sau một thăm dò ngắn với 10 khách hàng tại siêu thị Big C Thảo Điền, Q.2. TP.HCM, hầu hết khách hàng đều cho người viết bài biết, không chấp nhận giá tăng, nếu có họ sẽ siết chặt chi tiêu trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Mai Lan (Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) cho biết với giá xăng và điện tăng hiện thời, gia đình chị phải chi tiêu thêm 300.000-500.000 đồng/tháng cho 5 người, một khoản đáng kể so với tổng thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Nếu giá cả tiêu dùng tăng, những gia đình như chị Lan sẽ chọn cắt giảm chi tiêu vì không còn cách nào khác.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến cáo: “Qua lần tăng này cần rút ra bài học về điều hành giá, dự báo được trong tương lai giá xăng dầu thế giới sẽ thế nào, bên cạnh đó phải hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp. Không thể dùng số liệu xăng dầu quý 1 mà đánh giá cả năm, như vậy là chưa chính xác”. Đó là việc của tương lai còn bây giờ người dân, DN và Nhà nước không còn cách nào khác ngoài chấp nhận và chia sẻ khó khăn chung. Tuy nhiên, khi mà miếng cơm, manh áo, đồ dùng... của bất cứ gia đình nào cũng có khả năng hao hụt do tác động của đợt tăng giá kép này thì cũng cần một hoạch định và tính toán dài hơi hơn từ các cơ quan quản lý.

Phan Nguyễn

Theo NTD

largeer