Vừa theo kiện Grab, Vinasun vừa “hồi sinh”?
Trong khi đang hầu tòa vụ kiện Grab cạnh tranh không lành mạnh, hãng taxi truyền thống Vinasun lần đầu báo lãi sau 3 quý lỗ liên tục.
Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán: VNS) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2018 với doanh thu đạt 538 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 (quý 3/2017 đạt hơn 547 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 39,1 tỷ đồng, giảm 33% so với con số 58,6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, Vinasun đạt 1.566 tỷ đồng doanh thu, giảm 36% (quý 3/2017 đạt 2.450 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế giảm 63%, từ 186,2 tỷ xuống còn 69,6 tỷ đồng.
Nếu chỉ so sánh với các chỉ số của quý 3 năm ngoái thì rõ ràng là bức tranh kinh doanh của Vinasun vẫn còn u ám. Tuy nhiên, so về lợi nhuận thì đây là quý có lãi đầu tiên sau 3 kỳ báo lỗ liên tục.
Quý 4/2017 là quý mà Vinasun sa sút nhất, mặc dù doanh số đạt hơn 486 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán đã chiếm 386 tỷ đồng, chi phí quản lý 64 tỷ cùng một số chi phí khác khiến lãi thuần bị âm 32 tỷ đồng. Nhờ có khoản thu nhập từ thanh lý xe cũ 91,2 tỷ đồng mà lãi trước thuế còn kéo lại được 58 tỷ đồng.
Hai quý tiếp sau đó, tình hình vẫn hết sức bi đát khi mà cộng cả khoản thanh lý xe cũ trị giá 21 tỷ đồng (quý 1/2018) và 31 tỷ đồng (quý 2/2018), lãi trước thuế của hai quý này cũng chỉ lẹt đẹt ở mức 14 và 16 tỷ đồng.
Như vậy nếu không có khoản thu nhập bất thường này mà chỉ dựa vào mảng kinh doanh cốt lõi là kinh doanh taxi thì Vinasun đã lỗ liền 3 quý với các mức âm lãi thuần 32 tỷ đồng, 16,8 tỷ đồng và 5,7 tỷ đồng.
Đến quý 3/2018 này, lần đầu tiên lãi thuần của Vinasun (22,1 tỷ đồng) cao hơn thu nhập từ thanh lý xe cũ (17,1 tỷ đồng) và đây cũng là mức lãi thuần cao nhất của doanh nghiệp kể từ quý 1/2017.
Một số nhận định cho rằng sự phục hồi của Vinasun có được nhờ tác động khá lớn của thương vụ Grab (công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam) mua lại Uber hồi đầu tháng 4/2018.
Thắng kiện Grab, Vinasun sẽ lãi lớn
Hiện tại, phiên tòa giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab đang thu hút sự chú ý của dư luận vì nó chứa đựng một tình huống pháp lý mới mẻ: một hãng taxi truyền thống kiện hãng taxi công nghệ vì cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đơn khởi kiện, Vinasun yêu cầu được bồi thường 41,2 tỷ đồng với cáo buộc Grab hoạt động tại Việt Nam khiến doanh nghiệp này giảm doanh số, làm cho 8.000 lao động mất việc làm.
Cụ thể, 41,2 tỷ đồng là khoản tiền Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 mà theo Vinasun là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật ở Việt Nam của Grab gây ra.
Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng Vinasun nên nhìn nhận lại các điểm yếu của mình khiến cho mất thị phần vào tay đối thủ cạnh tranh hơn là đổ lỗi cho đối thủ.
"Rất không hợp lý khi một công ty công nghệ như Grab lại bị kiện ra tòa vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm mục tiêu mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam", CEO Grab Việt Nam – ông Jerry Lim nhận định tại phiên xử.
Nhiều người bình luận rằng nếu Vinasun thắng trong vụ kiện này thì rất có thể sẽ tạo ra tiền lệ để các hãng taxi truyền thống khác tiếp tục đâm đơn kiện Grab.
Minh Minh
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường