Tài xế Vinasun tiếp tục kéo đến tòa trong vụ kiện với Grab
Ngày 17/10, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng.
Đây là lần thứ 4 phiên sơ thẩm được mở. Tại phiên tòa sáng 24/9, phía Grab vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên xử vì cho rằng không đủ thời gian nghiên cứu, đánh giá hồ sơ.
Từ sáng sớm, hàng trăm tài xế Vinasun có mặt ở tòa từ sớm. Khác với lần trước đó, họ không mang theo băng rôn, biểu ngữ.
Đến tham dự phiên toà hôm nay, đại diện phía Vinasun có ông Trương Đình Quý – Phó Tổng giám đốc Vinasun, phía bị đơn có ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore) là CEO Grab được uỷ quyền tại Việt Nam.
Theo cáo trạng, Vinasun kiện GrabTaxi vì cho rằng đơn vị này đã có những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá…gây ảnh hưởng cũng như thiệt hại cho mình.
Theo Vinasun, GrabTaxi không thuộc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; Giao dịch của GrabTaxi không phải là “hợp đồng điện tử” theo Luật Giao dịch điện tử và quy định pháp luật về hợp đồng; Không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; Công ty TNHH GrabTaxi vi phạm “Đề án 24” của Bộ GTVT; Vi phạm 2 hợp đồng trong một chuyến đi khi GrabTaxi tổ chức dịch vụ GrabShare; Công ty TNHH GrabTaxi vi phạm pháp luật về khuyến mại, thuế; Hoạt động của GrabTaxi phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị, gây thiệt hại không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi mà còn xâm hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội…
Tại phiên toà hôm nay, đại diện phía Vinasun vẫn giữ nguyên quan đểm của mình và khẳng định Grab vi phạm đề án 24, Thông tư và Nghị định của Chính phủ. Việc làm của Grab đã gây thiệt hại nặng nề cho Vinasun nên Vinasun khởi kiện yêu cầu Grab phải bồi thường cho mình hơn 41,2 tỉ đồng.
Trước những cáo buộc của Vinasun, Grab cho rằng Vinasun không đủ chức năng và thẩm quyền để kết luận đơn vị mình có vi phạm Quyết định 24 hay không. Để chứng minh điều này, Grab cho biết chỉ có cơ quan nhà nước mới đủ điều kiện đánh giá.
Grab cũng khẳng định, nếu vi phạm Quyết định 24 , các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vào cuộc. Thế nhưng, đến nay đơn vị này vẫn không hề bị xử lý.
Grab cũng cho biết thêm, mình chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ để kết nối giữa các công ty vận tại với tài xế và hành khách. Quyết định 24 là quyết định mở cho các công ty cung cấp công nghệ để kết nối ở một ngành nghề nào đó và phía Grab hoàn toàn tuân thủ theo đề án 24.
Theo đại diện của Grab, chính Vinasun cũng được tham gia đề án 24 nhưng lại không áp dụng công nghệ thì tại sao lại đi kiện một công ty khác.
Liên quan vấn đề này, phía Vinasun cho biết, đơn vị này khởi kiện về giá khuyến mại trong kinh doanh chứ không khởi kiện Quyết định 24 đối với Grab.
Phiên tòa vẫn tiếp tục trong chiều này.
Quang Thuận
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội