Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long: Những ai bị truy cứu trách nhiệm?

Thứ hai, 21/07/2025 14:18 (GMT+7)

Vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long khiến 35 người thiệt mạng đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý về trách nhiệm hình sự, dân sự và lỗ hổng trong quản lý an toàn giao thông đường thủy hiện nay.

Một trận giông lốc bất ngờ vào khoảng 13h ngày 19/7 đã nhấn chìm tàu du lịch Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long, khiến 35 người tử vong, 4 người vẫn đang mất tích, trong khi lực lượng cứu hộ vẫn xuyên đêm tìm kiếm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Tàu Vịnh Xanh 58 thời điểm sau khi bị lật. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, trước thời điểm xảy ra sự cố lật tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã có 4 bản tin dự báo và cảnh báo được phát hành, trong đó có 2 bản tin cảnh báo mưa giông lốc sét.

Lời kể của các nạn nhân trong vụ lật tàu vịnh Hạ Long

Trong cơn giông lốc dữ dội nhấn chìm tàu Vịnh Xanh 58, những người sống sót mang theo ký ức đau đớn và đầy ám ảnh. Họ là nhân chứng cho khoảnh khắc sinh tử diễn ra chỉ trong tích tắc, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau vài hơi thở.

Anh Nguyễn Hồng Quân (SN 1985, Nghệ An) và anh Đặng Anh Tuấn (36 tuổi, trú tại Hà Nội), hành khách đi tham quan cũng không thể nào quên cảm giác đối diện tử thần.

“Ngay sau khi rời bến thì trời bắt đầu mưa to. Nhiều hành khách yêu cầu quay về cảng, nhưng chủ tàu động viên cứ đi tiếp vì điểm tham quan đầu tiên đã gần đến”, anh Tuấn nói.

Anh Đặng Anh Tuấn bàng hoàng kể lại sự việc. Ảnh: VietNamNet.

Còn Thuyền viên Vũ Anh Tú (SN 2000, Quảng Ninh) cho hay: “Mọi chuyện chỉ xảy ra trong khoảng 10 giây. Một cơn sóng lớn đánh mạnh vào mạn phải, tàu đổ nghiêng rồi lật úp từ phải sang trái. Lúc đó tôi đang ở trong cabin, mọi thứ tối đen như mực, không biết bằng cách nào tôi thoát ra được. Khi tỉnh lại, tôi đã thấy mình nổi trên mặt biển".

Xót xa hơn cả là câu chuyện của cháu Hoàng Nhật M. (SN 2015, Hà Nội), đi cùng gia đình nhưng chỉ có một mình em được tìm thấy.

Ngay sau vụ việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo khẩn trương công tác cứu hộ và điều tra nguyên nhân.

Một số câu hỏi được đặt ra: Vì sao không có cảnh báo thời tiết sớm hơn? Tại sao không dùng trực thăng cứu hộ? Liệu có truy cứu trách nhiệm chủ tàu?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Công. Ảnh: VietNamNet

Giải đáp thắc mắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Công cho biết, không dùng máy bay trực thăng để cứu hộ. Theo đó, qua đánh giá tình hình, cơ quan chức năng cho rằng việc dùng máy bay trực thăng cứu hộ không phù hợp trong trường hợp này vì đi từ bờ đến hiện trường khoảng 15 đến 20 phút. Ngoài ra, tại đây không có điểm đáp. Vì vậy, tránh trường hợp phức tạp, nguy hiểm khác nên máy bay trực thăng không được sử dụng.

Có thể truy cứu trách nhiệm của ai?

Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong vụ việc. Luật sư Hoàng Văn Hà, Công ty Luật TNHH ARC Hà Nội đã có những phân tích pháp lý chi tiết, cho thấy vụ tai nạn này không chỉ là một “tai nạn thiên tai”, mà có thể kéo theo hệ lụy pháp lý nghiêm trọng nếu có dấu hiệu vi phạm.

Theo luật sư Hoàng Văn Hà, dù hồ sơ cho thấy con tàu đã được đăng kiểm, đủ điều kiện hoạt động, và không có tin khẩn thời tiết đặc biệt khi rời cảng, nhưng chỉ vài phút sau, tàu đã bị giông lốc lật úp khiến hàng chục người thiệt mạng.

Luật sư Hoàng Văn Hà, Công ty Luật TNHH ARC Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Tin khẩn giông lốc được phát đi vào khoảng 13h30, thời điểm tàu đã rời bến. Điều này khiến bên có lỗi không chỉ dừng lại ở chủ tàu hay thuyền trưởng, mà còn có thể mở rộng đến các cơ quan cấp phép, giám sát vận hành và đơn vị dự báo thời tiết.

Căn cứ theo Luật Giao thông Đường thủy nội địa năm 2024 (hiệu lực từ 1/1/2025), phương tiện thủy chở khách phải đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, hồ sơ kiểm định và chỉ được rời bến trong điều kiện thời tiết an toàn. Nếu thuyền trưởng hoặc chủ tàu không tuân thủ, có thể bị xem xét xử lý hình sự.

Ngoài ra, nếu cơ quan đăng kiểm, đơn vị cấp phép hay cảng vụ buông lỏng kiểm tra, dẫn đến tàu xuất bến khi không đảm bảo an toàn, họ cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự theo mức độ hậu quả.

Cụ thể, có thể áp dụng các tội danh: Điều 272 BLHS 2015 (sửa đổi 2017): Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng. Điều 360: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Điều 274: Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn.

Thêm vào đó, Luật sư Hà nhấn mạnh, việc viện dẫn lý do “bất khả kháng” để miễn trách chỉ có hiệu lực nếu thỏa mãn đồng thời ba điều kiện theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015: Sự kiện xảy ra hoàn toàn khách quan; Không thể lường trước tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ; Không thể khắc phục dù đã nỗ lực tối đa.

Trong bối cảnh có thể có yếu tố chủ quan – như việc tàu vẫn tiếp tục hành trình khi trời đã mưa lớn – thì việc sử dụng lập luận “bất khả kháng” sẽ rất khó thuyết phục, và không có giá trị miễn trừ trách nhiệm nếu không chứng minh được đầy đủ.

Còn về phía nạn nhân, Theo Điều 584, 585 và 591 Bộ luật Dân sự 2015, người gây thiệt hại – bao gồm cả người điều khiển tàu, chủ phương tiện hoặc đơn vị khai thác – có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi của mình hoặc phương tiện thuộc quyền quản lý gây ra.

Mức bồi thường thiệt hại tính mạng bao gồm: Chi phí cứu chữa, mai táng; Tiền cấp dưỡng cho người phụ thuộc; Khoản bù đắp tổn thất tinh thần, tối đa 36 triệu đồng/người theo mức lương cơ sở năm 2025 (1.800.000 đồng/tháng).

Do đó, vị luật sư kết luận, vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 là lời cảnh báo rõ ràng rằng: Đã đến lúc phải cải cách mạnh mẽ hệ thống quản lý an toàn đường thủy. Một số kiến nghị cấp thiết bao gồm: Bắt buộc thiết kế tàu chống lật, có cửa thoát hiểm đa hướng; Trang bị phao cứu sinh đủ cho từng hành khách và hệ thống định vị tự động; Thiết lập hệ thống cảnh báo thời tiết cập nhật theo thời gian thực tại các cảng và điểm điều phối hành trình.

Cùng với đó, cần bổ sung hoặc sửa đổi các văn bản dưới luật như Thông tư 36/2024/TT-BGTVT, để đảm bảo rõ ràng trong trách nhiệm quản lý, kiểm định và giám sát an toàn.

Thảm họa tàu du lịch Vịnh Xanh 58 không chỉ để lại nỗi đau quá lớn cho hàng chục gia đình mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về an toàn du lịch và phòng chống thiên tai trên biển. Trong khi công tác cứu hộ vẫn tiếp tục, dư luận đang chờ đợi những câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm, cũng như các biện pháp siết chặt quản lý để không còn những thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.