Vụ phụ gia “lạ”, giám đốc cơm tấm Kiều Giang: "Chúng tôi bị oan"(?)

Thứ bảy, 25/08/2018, 11:36 AM

Giải thích về chất "lạ" mà dư luận vừa nêu, chủ thương hiệu cơm tấm Kiều Giang cho biết đó là những chất đơn giản được sử dụng trong nhà hàng như đường, muối, hạt nêm... "Dùng từ kiểu này giết chết doanh nhân, doanh nghiệp hết. Thiệt hại quá. Oan ức lắm", ông chủ cơm tấm Kiều Giang nói.

Đã nộp hoá đơn, chứng từ

Thông tin về việc Đội 2 (quản lý khu vực quận 2 và quận 9) thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã kiểm tra đã kiểm tra đột xuất tại cơm tấm Kiều Giang tại địa chỉ 652 Xa lộ Hà Nội (quận 9) và phát hiện những dấu hiệu sai phạm ban đầu khiến dư luận "rúng động".

Lô phụ gia “lạ” được phát hiện tại quán cơm tấm Kiều Giang trên đường Xa lộ Hà Nội (quận 9, TPHCM).

Lô phụ gia “lạ” được phát hiện tại quán cơm tấm Kiều Giang trên đường Xa lộ Hà Nội (quận 9, TPHCM).

Tại thời điểm kiểm tra, khu vực chế biến của cửa hàng không bảo đảm vệ sinh, có côn trùng, động vật gây hại. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận có 5 nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không mang khẩu trang, găng tay.

Đặc biệt, doanh nghiệp này đã sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra phát hiện 89 bọc giấy được cho là đường và phụ gia với khối lượng 1.029 kg không có nhãn mác, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong toàn bộ số phụ gia nói trên.

Sau 3 ngày kể từ ngày vụ chất "lạ" bị phát hiện, chiều 24/8, ông Nguyễn Trung Phong, Giám đốc công ty Kiều Giang chính thức lên tiếng.

Ông Phong cho biết, ông vừa từ Mỹ về Việt Nam để giải quyết vụ việc. Trong ngày 24/8, công ty ông đã cung cấp hồ sơ, giấy tờ hóa đơn liên quan đến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 1.029 kg phụ gia cho Đội 2 (quản lý khu vực quận 2 và quận 9) thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.

Giải thích về chất "lạ" mà có cơ quan báo chí nêu, ông Phong cho biết đó là những chất đơn giản được sử dụng trong nhà hàng như đường, muối, hạt nêm... Ông Phong nói rằng, ông không hiểu sao lại nói phụ gia là chất "lạ". Gọi như vậy là không phù hợp, gây hoang mang.

"Dùng từ kiểu này giết chết doanh nhân, doanh nghiệp hết. Thiệt hại quá. Oan ức lắm", ông Phong nói.

"Nhưng mà thôi. Biết làm gì bây giờ khi người ta lỡ lời. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm giờ nhạy cảm. Mình chỉ cần trong sạch, chứng minh bằng cái tốt của mình thôi. Tôi không làm bậy được", ông Phong khẳng định.

Chất "lạ" chỉ là phụ gia?!

Nhiều thông tin cho rằng, lô phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện tại cơm tấm Kiều Giang thực chất chỉ là muối, đường và bột ngọt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nhận định, cần phải có giấy tờ chứng minh mới biết đó là chất gì.

Chiều 24/8, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã có cuộc trao đổi với báo Dân trí về vụ việc phát hiện lô phụ gia thực phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kiều Giang (cơm tấm Kiều Giang).

Quán cơm tấm Kiều Giang là một trong những quán ăn nổi tiếng ở Sài Gòn suốt hàng chục năm qua.

Quán cơm tấm Kiều Giang là một trong những quán ăn nổi tiếng ở Sài Gòn suốt hàng chục năm qua.

Bà Phong Lan cho biết, lực lượng chức năng đã niêm phong tại chỗ lô phụ gia thực phẩm chưa rõ nguồn gốc có tổng trọng lượng khoảng hơn 1 tấn.

Theo bà Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, trong vòng 3 ngày, nếu doanh nghiệp có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ và những giấy tờ này hợp lệ thì lực lượng chức năng sẽ không đưa lỗi vi phạm này vào nội dung xử phạt vi phạm hành chính.

Còn nếu doanh nghiệp không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo quy định thì lô hàng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và kết hợp với những lỗi vi phạm phát hiện trước đó để xử phạt.

“Khoảng tuần sau thì các đội thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm xử lý xong và sẽ báo cáo lên lãnh đạo Phòng Thanh tra của Ban. Sau đó Phòng Thanh tra sẽ kiểm tra lại về mặt pháp chế, pháp lý rồi trình lên lãnh đạo Ban”, bà Phong Lan nói.

Chúng tôi đặt câu hỏi cho bà Phong Lan rằng: “Việc thanh tra có thông báo trước cho doanh nghiệp liệu có mang đến một kết quả khách quan hay không?”

Bà Phong Lan trả lời, theo luật thì thanh tra có hai dạng, dạng thứ nhất là thanh tra đột xuất từ nguồn tin của người dân, báo chí, dấu hiệu nghi ngờ…

Dạng thứ hai là thanh tra theo kế hoạch và được lãnh đạo Ban quản lý An toàn thực phẩm ký từ đầu năm, tức là 6 tháng đầu năm ký 1 lần và 6 tháng cuối năm ký 1 lần.

“Các đội sẽ trình lên ban quản lý các điểm kiểm tra dự kiến trên địa bàn. Sau đó, chúng tôi sẽ nộp danh mục các điểm kiểm tra dự kiến đó để so sánh với danh mục sẽ kiểm tra của Quản lý thị trường và Cảnh sát kinh tế. Việc làm này để cho tổ chức, đơn vị chỉ bị thanh tra 1 lần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Điều này giúp các tổ chức, đơn vị không bị thanh tra chồng chéo”, bà Lan chia sẻ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.

Cũng theo bà Lan, việc thanh tra theo kế hoạch được lực lượng chức năng thông báo trước cho doanh nghiệp về khoảng thời gian thanh tra nhưng sẽ không nói cụ thể ngày, giờ kiểm tra. Việc này mang tính nhắc nhở cao hơn là “chăm chăm” vào xử phạt.

Chúng tôi cũng đặt câu hỏi: “Trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin rằng lô phụ gia thực phẩm đang niêm phong tại cơm tấm Kiều Giang thực chất chỉ là đường, muối và bột ngọt. Nhiều người lại gọi nó là phụ gia “lạ” gây hoang mang. Bà đánh giá như thế nào về việc này?"

Bà Phong Lan cho biết, việc gọi là phụ gia “lạ” xuất phát từ những phóng viên đi theo đoàn kiểm tra. Việc gọi là phụ gia “lạ” hay nguyên liệu “lạ” cũng không có gì sai vì đó là chất chưa xác định. Cơ quan chức năng đang chờ doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

“Dù tôi có biết đó là muối hay đường thì tôi cũng chưa thể kết luận đó là muối hay đường nếu chưa có giấy tờ chứng minh. Chúng tôi đang chờ doanh nghiệp chứng minh đó là cái gì. Chẳng lẽ mua cả tấn hàng như vậy mà không có một miếng giấy tờ nào”, vị đại diện Ban quản lý An toàn thực phẩm nói.

Đại Việt – Công Quang

Dân trí