Nhiều “hạn chế” trong chính sách thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại TP.HCM

Thứ tư, 15/08/2018, 10:12 AM

Nhu cầu bức thiết, song, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP.HCM hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Chính sách thanh tra, kiểm tra ATTP ở TP.HCM

Thời gian gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm đang trở nên nóng bỏng khi những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất sứ, không nhãn mác, không kiểm định được “tuồn” vào thị trường TP.HCM ngày càng nhiều hơn.

Ngày 16/9/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định Số 4988/QĐ-BYT về việc ban hành quy trình thanh tra an toàn thực phẩm. Theo đó, để tiến hành một cuộc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể thì Ban Quản lý An toàn thực phẩm chỉ được thanh tra mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh một lần trong năm và phải có thông báo trước với cơ sở sản xuất, kinh doanh đó.

Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh (Ảnh: Hiếu CT)

Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh (Ảnh: Hiếu CT)

Nội dung mỗi đợt thanh tra, kiểm tra gồm hai nội dung chính là thanh tra về cơ sở pháp lý như giấy tờ, chứng từ, giấy phép kinh doanh… và thanh tra, kiểm tra về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở đó. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiếm tra an toàn thực phẩm có thông báo trước nhưng chỉ thanh tra mỗi năm một lần tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể khiến cho kết quả thanh tra, kiếm tra không chính xác vì khi thông báo như vậy các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể chuẩn bị trước để đối phó với các cơ quan chức năng.

Vẫn còn những hạn chế

Ngày 30/7, trao đổi với phóng viên, bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết: “Lũy kế từ tháng 12 đến giờ, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đã triển khai mạnh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra khoảng trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh và tiến hành xử phạt các cơ sở này với số tiền khoảng 3 tỷ đồng”.

Bà Phong Lan chia sẻ: “Theo chỉ đạo Thủ tướng, việc thanh, kiểm tra, hậu kiểm chỉ được thực hiện một lần mỗi năm tại các các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, trước khi làm công tác thanh, kiểm tra Ban Quản lý An toàn thực phẩm phải nghiên cứu rất kỹ, chỗ nào cần thiết thì mới tiến hành. Điều này cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, bởi vì với những đối tượng chây ì nhiều khi thanh tra một lần chưa chắc bắt được. Ngoài ra, cũng phải tính trên tổng thể quyền lợi chung để tránh làm phiền doanh nghiệp”.

Ông Trương Trung Thu (Trưởng Phòng Thanh tra An toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết: “Do TP.HCM là thành phố lớn, đông dân nên việc phát sinh kinh doanh dịch vụ ăn uống rất lớn, công tác quản lý trong mảng ăn uống cực kì phức tạp. Do đặc thù hiện nay theo chỉ thị của Thủ tướng thì một cơ sở tiến hành kiểm tra không quá một lần trong năm, cái thứ 2 nữa là kiểm tra thường là thanh tra, kiểm tra có thông báo trước vì vậy khó phát hiện sai về điều kiện sản xuất, điều kiện kinh doanh do họ có đều có thể chuẩn bị trước, chính những điều này cũng gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình công tác”.

Kiểm tra một cơ sở kinh doanh (Ảnh: Hiếu CT)

Kiểm tra một cơ sở kinh doanh (Ảnh: Hiếu CT)

Hiện tại, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đang quản lý cả công thương, nông nhiệp, y tế cho nên Ban Quản lý An toàn thực phẩm phải thu xếp với quận, huyện khi tiến hành thanh, kiểm tra để tránh không đi trùng. Ví dụ, quận huyện yêu cầu phân cấp lo mảng hộ kinh doanh cá thể còn đối với các sở ban ngành sẽ là mảng từ doanh nghiệp trở lên nên không bị trùng lặp và sắp xếp để đến một lần trong năm.

“Mỗi chính sách đều có hai mặt của nó, mình phải nhìn trên tổng thể những cái tích cực. Thanh tra thì có hai chế độ, thanh tra định kì, thanh tra theo kế hoạch. Danh sách do các Đội Quản lý An toàn thực phẩm, Phòng Quản lý An toàn thực phẩm xây dựng rồi đưa lên Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Tôi cũng đồng ý là có nguy cơ thanh tra báo trước thì thế nào họ cũng chuẩn bị, nhưng đó chỉ là một phần và chúng ta vẫn có thanh tra đột xuất và thanh tra định kì, thanh tra chuyên đề sẽ không báo trước cũng có nhưng vấn đề phải cân đối làm sao để doanh nghiệp không bị thanh tra quá một lần mỗi năm. Cái chúng tôi lo lắng là những doanh nghiệp đã bị thanh tra rồi sẽ chủ quan và vi phạm vì nghĩ họ sẽ không bị thanh tra nữa. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt thì vẫn có thể xử lý những trường hợp này”, Bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) khẳng định.

Tín Phong

NTD