Việt Hương: 'Tôi buồn nhưng không suy sụp khi bị chửi bới'

Thứ sáu, 13/08/2021, 10:46 AM

Tính cách nóng nảy nên Việt Hương khó giữ bình tĩnh trước những bình luận ác ý nhưng cô không giận lâu mà gạt sang một bên để tiếp tục làm từ thiện.

- Điều gì khiến chị bật khóc trong livestream hôm 10/8 khi kể về những mặt trái của công việc từ thiện?

- Tôi khóc vì những lời cay nghiệt mà một số người quá khích đã bình luận dưới các bài đăng liên quan đến chuyện làm thiện nguyện của vợ chồng tôi. Hàng ngày, chúng tôi hỗ trợ bà con nghèo và thường cập nhật những hình ảnh, lịch trình lên mạng xã hội. Không hiểu sao, có nhiều người vào chửi bới, dùng lời lẽ nặng nề để nói về tôi và anh Phương (chồng Việt Hương - PV) như: chúng tôi đang khoe khoang, "làm màu", làm thiện nguyện để quảng bá tên tuổi... Một trong số họ thậm chí lăng mạ, có thái độ miệt thị còn số khác thì nói giọng mỉa mai, xem thường những đóng góp của chúng tôi.

Việt Hương khóc trong livestream.

Việt Hương khóc trong livestream.

- Tinh thần của vợ chồng chị bị ảnh hưởng ra sao trước những lời khen chê đó?

- Buồn chảy nước mắt, xuống tinh thần chứ. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi làm thiện nguyện nhưng là đợt dài nhất từ trước đến giờ. Cũng vì thế, chúng tôi phải đối mặt với những lời gièm pha nhiều và dai dẳng hơn. Tôi tức giận và càng thương chồng khi nghĩ đến việc anh ấy là một thạc sĩ âm nhạc, giảng viên đại học đã từ Mỹ về đây khuân từng bao gạo rồi bị nghe lời xúc phạm.

Tính tôi nóng nảy, gặp chuyện là "la làng" còn chồng tôi điềm đạm hơn. Anh ấy phân tích rằng một số thành phần có những bình luận tiêu cực vì họ định kiến với nghệ sĩ. Có thể, họ cho rằng nghệ sĩ nói chung là xấu. Họ không có lập luận một cách lý lẽ, không có chính kiến mà bị ảnh hưởng từ quan điểm của người khác nên mới "nhảy" vào chửi bới bất cứ ai là nghệ sĩ.

Nhiều bình luận cho thấy họ không hề biết hay tìm hiểu về những việc mà vợ chồng tôi đã, đang làm trong thời gian qua. Họ rất mơ hồ nghĩ rằng: "Việt Hương đăng tải hình ảnh ông chồng vác gạo chỉ để 'làm màu' chứ người nghèo không nhận được những phần quà đó thật". Thường thì anh Phương sẽ vào giải thích để họ hiểu chúng tôi hơn, nhưng sau khi nói mãi mà họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu, anh ấy sẽ không nói thêm gì nữa. Anh ấy bảo: "Những người đó không có khả năng phân biệt đúng - sai. Tranh cãi với họ chẳng mang lại kết quả gì mà còn làm mình thêm bực bội. Vậy nên cứ để yên đó, để mọi người vào xem ai đúng, ai sai".

Tôi cũng không muốn đôi co với họ vì ngoài kia còn rất nhiều người đang cần mình giúp đỡ. Tôi tự bỏ tiền túi làm từ thiện, đăng thông tin lên trang cá nhân để ai khó khăn thì xin hỗ trợ, cớ gì lại mắng tôi? Nếu người chửi tôi dám đóng góp 5 tấn gạo vào các bếp từ thiện, tôi hứa sẽ biến mất khỏi mạng xã hội.

- Bị tổn thương khi làm việc tốt, tại sao chị vẫn quyết định duy trì các hoạt động này?

- Tính tôi nóng nảy nên khi bị chửi vô cớ thì đùng đùng nổi giận và livestream để nói cho ra lẽ, chứ tôi không suy sụp. Những điều tiếng trên mạng dù sát thương cũng không thể khiến chúng tôi bỏ cuộc. Khi nói chuyện, tôi mau nước mắt, vừa nói vừa khóc nhưng sau đó sẽ gạt đi và tiếp tục với những công việc mà chúng tôi còn dang dở. Tôi trông vậy mà còn là chỗ dựa, nguồn động viên tinh thần cho anh Phương và mọi người.

Chúng tôi đã quen với việc làm thiện nguyện, đến giờ cũng hơn 10 năm rồi. Trước khi kết hôn, tôi vẫn tự làm một mình nhưng quy mô nhỏ hơn còn từ lúc có anh Phương, chúng tôi duy trì đều đặn, chia thành các đợt suốt bốn mùa. Khi làm thiện nguyện, tôi thường nghĩ về hoàn cảnh trước đây của mình. Lúc xưa tôi cũng nghèo, tôi hiểu được nỗi khổ tận cùng của cái nghèo, tôi biết người ta cực cỡ nào mới phải xin mình từng bao gạo, chục trứng...

Vợ chồng Việt Hương bên chiếc xe chở linh cữu từ thiện.

Vợ chồng Việt Hương bên chiếc xe chở linh cữu từ thiện.

- Hơn một tháng rong ruổi khắp các ngõ ngách ở Sài Gòn để đưa hàng cứu trợ, chị ám ảnh nhất điều gì?

- Điều khiến chúng tôi bị ám ảnh là những người dân quá nghèo. Họ sống trong các ngôi nhà tạm lụp xụp ở ven kênh thuộc quận Bình Thạnh. Khi tôi nghe kể là họ đói tới mức có thể bắt ngay con gì đó trước mắt để ăn mà thấy rùng mình. Những trường hợp như vậy, dù khó khăn cách mấy, tôi cũng cố chuyển gạo tới cho họ sớm nhất. Người dân ở đó rất chất phác, họ chèo ghe ra giúp chúng tôi đưa thực phẩm, đồ dùng từ bờ vào trong cho bà con.

- Chị và cộng sự gặp khó khăn gì trong quá trình trao quà đến tận tay bà con?

- Anh Phương sống ở nước ngoài nhiều năm và mới về Việt Nam nên đường sá còn bỡ ngỡ. Anh ấy thường phải tìm hiểu các tuyến đường trong lộ trình từ hôm trước để hôm sau đi lại dễ dàng hơn. Khi đi phát quà, các thành viên trong êkíp thường mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và mang tấm chắn giọt bắn. Những hôm trời nắng, bộ đồ đó nóng khủng khiếp khiến chúng tôi không chịu nổi. Còn hôm nào trời mưa, chúng tôi sẽ ướt nhẹp và phải lo che chắn cho thực phẩm trước khi có người ra nhận vì lỡ dính nước mưa thì gạo sẽ bị ẩm và mốc.

Việc khuân vác gạo cũng khó khăn vì chúng tôi mua số lượng lớn nên nhà cung cấp không đóng bao 5-10 kg mà toàn 50 kg. Mỗi ngày, chúng tôi phát ít nhất hai tấn gạo. Cứ một chuyến là một lần khuân lên, một lần vác xuống nhưng chỉ có 1-2 người phụ trách.

- Nếu TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm nhiều tuần để nhanh chóng kiểm soát Covid-19, chị lên kế hoạch tài chính ra sao nhằm nối dài hành trình thiện nguyện?

- Chúng tôi biết mình đang làm gì và hiểu rằng đây là con đường dài. Chúng tôi cũng phải đo đếm xem khả năng tài chính của mình đến đâu, thu và chi thế nào. Hiện tại, công việc ở Việt Nam đã ngưng hoàn toàn nhưng hoạt động kinh doanh tại Mỹ của chúng tôi bao gồm nhà hàng, nhà ở cho thuê vẫn hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi có nguồn tiền ở ngân hàng... nên trước mắt vẫn đủ cho việc làm từ thiện.

Nhìn vào số tiền mình có, tôi tính toán để trải dài ngân sách cho từng ngày. Nhưng dù thế nào cũng phải đảm bảo đủ gạo, trứng, nước mắm... cho bà con và bánh mì, sữa cho trẻ nhỏ, những người ở tuyến đầu.

Gia đình tôi có nhu cầu cá nhân rất đơn giản. Trước giờ chúng tôi không xài hàng hiệu hay ăn uống những thứ đặc biệt mà chỉ thích tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Chúng tôi cho rằng chỉ cần có sức khỏe thì sẽ làm được tất cả những việc khác.

Vợ chồng Việt Hương đồng hành khi đi phát quà.

Vợ chồng Việt Hương đồng hành khi đi phát quà.

- Vợ chồng chị bàn bạc thế nào trước những quyết định lớn như chi tiền tỷ mua xe cứu thương, xe chở linh cữu?

- Trước khi anh Phương về Việt Nam, anh ấy đã bán chiếc xe hơi ở Mỹ. Số tiền đó chúng tôi cũng không có dự định mua xe mới nên lúc tôi đề xuất mua xe cứu thương tặng anh Đoàn Ngọc Hải, chồng tôi đã đồng ý liền. Còn hai chiếc xe chở linh cữu thì chỉ vài trăm triệu, tôi tự quyết được. Tôi vẫn thường hỏi ý kiến chồng nhưng cũng chủ yếu tự quyết vì chồng tôi luôn ủng hộ. Anh ấy chỉ khuyên tôi cân nhắc vì có người nói chúng tôi mua xe cứu thương là trù ẻo người dân Sài Gòn.

- Tại sao chị không kêu gọi quyên góp để giảm bớt áp lực tài chính cho bản thân đồng thời nhân rộng quy mô hoạt động?

- Không. Trước giờ tôi vẫn quan điểm mình có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu chứ không kêu gọi. Nếu kêu gọi được số tiền lớn thì áp lực cũng lớn. Tính tôi không quen việc ghi chép. Tôi thích đưa ra quyết định nhanh và kịp lúc nên chỉ có thể làm bằng tiền của mình mới chủ động như vậy. Ví dụ bữa trước có bên nói cần xe chở hòm. Tôi thấy vừa khả năng nên "okay, quất luôn". Như vậy thích hơn, khỏi phải hỏi ý kiến ai cả.

Còn nếu mạnh thường quân nhắn tin cho tôi và ngỏ ý đóng góp, tôi sẽ cảm ơn nhưng từ chối. Tôi gợi ý họ gửi sang một cá nhân hay tổ chức nào khác có quy trình hoạt động chuyên nghiệp hơn. Một số người biết tôi không nhận tiền thì chuyển gạo trực tiếp tới trụ sở của công ty tôi. Tôi sẽ tiếp nhận và đọc tên họ trong livestream để cảm ơn. Những người này hầu hết ở nước ngoài. Một trong số đó là bạn bè thân thiết của vợ chồng tôi.

Lam Trà

Theo ngoisao.net