Vào “soi” các Dự án sân golf, Bộ KH&ĐT phát hiện điều gì?

Thứ sáu, 18/05/2018, 22:05 PM

Ở Quảng Bình hiện có 3 Dự án sân golf của 3 chủ đầu tư khác nhau, nhưng 2 trong số này hoặc đang chậm triển khai hoặc đang có nhiều quan ngại do vị trí thực hiện dự án quá gần khu dân cư

Ô nhiễm nguồn nước là vấn đề đáng lo ngại tại các Dự án sân golf

Ô nhiễm nguồn nước là vấn đề đáng lo ngại tại các Dự án sân golf

Trước khi chấp thuận chủ trương xây dựng một Dự án sân golf, các đoàn công tác liên ngành của Trung ương do Bộ KH&ĐT chủ trì sẽ có những chuyến mục sở thị tại các địa phương trước khi ra quyết định.

Căn cứ để xem xét việc hình thành một dự án golf là các yêu cầu về vị trí địa lý, diện tích đất sử dụng, tiêu chuẩn môi trường…

Được biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ ký hàng loạt văn bản chấp thuận bổ sung nhiều dự án tại các địa phương vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 thuộc các tỉnh như Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…

Chắc chắn, trước khi điền tên những dự án golf tại các tỉnh vừa nêu vào quy hoạch, Bộ này sẽ thực hiện việc kiểm tra, thẩm định, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương; còn phía chủ đầu tư thì cam kết triển khai dự án đúng thời hạn, không chặt phá rừng, sử dụng đất đúng mục đích và đặc biệt không biến đất sân golf thành villa hay trung tâm thương mại.

Theo đó, trong đợt bổ sung quy hoạch mới đây nhất, Bắc miền Trung là nơi có nhiều dự án được gọi tên, bởi khu vực này trước đã được xác định có 29 sân golf. Tuy nhiên, không ít sân trong số đó, quá trình triển khai, nếu chủ đầu tư không có biện pháp đảm bảo môi trường thì sẽ nảy sinh những quan ngại từ cộng đồng. 

Năm 2015, Công ty An Việt đã ký ghi nhớ về việc đầu tư 1 Dự án sân golf 750 tỷ đồng ở Quảng Bình, nhưng nay vẫn chưa khởi động

Năm 2015, Công ty An Việt đã ký ghi nhớ về việc đầu tư 1 Dự án sân golf 750 tỷ đồng ở Quảng Bình, nhưng nay vẫn chưa khởi động

“Toàn tỉnh hiện đang có 7 sân, do 3 nhà đầu tư khác nhau dự kiến xây dựng trên dải đất cát ven biển từ TP.Đồng Hới kéo dài đến khu vực phía Nam của tỉnh”, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Bình Đinh Hữu Thành xác nhận với PLVN.

Theo tìm hiểu, trong số này có 1 dự án gồm 2 sân của Công ty An Việt tại khu vực Bảo Ninh - Hải Ninh, với tổng đầu tư dự kiến là 750 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa khởi động. 

“Việc ký kết ghi nhớ đầu tư đã diễn ra cách đây gần 3 năm. Tỉnh đã nhiều lần gửi giấy mời nhà đầu tư này đến Quảng Bình để bàn việc thực hiện dự án, nhưng vẫn chưa thấy phản hồi”, Giám đốc Thành nói về tình hình dự án của Công ty An Việt.

Ngoài ra, tại một vị trí khác trên bán đảo Bảo Ninh (Quảng Bình), Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh mới đây đã gây chú ý dư luận khi tuyên bố sẽ dồn lực đầu tư 1 dự án gồm 2 sân, khi cho mời ông chủ Tập đoàn Tư vấn thiết kế sân golf hàng đầu thế giới The Great White Shark đến Đồng Hới để thực địa và ký Hợp đồng tư vấn. 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến quan ngại đối với dự án trên do vị trí xây dựng Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh chỉ cách trung tâm TP.Đồng Hới, với đông dân cư chừng 6km. 

Thực tế đó khiến Bộ Xây dựng trong văn bản 471/BXD-QHKT góp ý hồ sơ nhằm bổ sung sân này vào quy hoạch đã không quên “nhắc” Bộ KH&ĐT cần yêu làm rõ giải pháp xử lý nước thu lại do trồng cỏ mặt sân golf (có lẫn hóa chất của phân bón, thuốc trừ sâu…) và phải đảm bảo an toàn trước khi thải ra môi trường.

Không biết đến nay, Bộ chủ việc quản lý, phát triển các dự án golf mà cụ thể là Vụ Kinh tế dịch vụ thuộc Bộ KH&ĐT đã biết thực tế nói trên và phản hồi như thế nào trước những lưu ý từ phía Bộ Xây dựng?

Trong một diễn biến khác, cách đây hơn 1 tháng, phóng viên PLVN đã đề nghị Vụ Kinh tế dịch vụ làm rõ những tồn tại trong quy hoạch, phát triển sân golf trên cả nước, đặc biệt ở khu vực Bắc miền Trung, nhưng Vụ trưởng Vụ này - ông Nguyễn Hoàng Hải đã tìm mọi cách để “né” trả lời báo chí?

Tranh thủ “giải quyết công việc”?

Hè năm ngoái, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từng đặt vấn đề sẽ bỏ quy hoạch sân golf và lĩnh vực này sẽ tồn tại như một loại đầu tư có điều kiện, theo hướng để các địa phương tự quyết định.

Chưa biết điều kiện và cơ chế thực hiện vấn đề này ra sao, chỉ biết hiện tại, đang có rất nhiều hồ sơ xin được “lọt” vào quy hoạch đang dồn về Bộ KH&ĐT. Vào những thời điểm sắp có sự chuyển giao như thế này, có hay không tình trạng tranh thủ “giải quyết công việc” của các nhà đầu tư và cơ quan quản lý?

Võ Tuấn - Hoàng Tú

 

Theo PLVN

largeer