Văn hóa xem truyền hình thay đổi thế nào trong 10 năm qua?
Những năm đầu thế kỷ 21, khán giả truyền hình buộc phải chờ một tuần để xem tập tiếp theo của chương trình mà họ yêu thích. Mỗi tập kéo dài từ khoảng nửa tiếng đến một tiếng. Đến năm 2019, người xem các dịch vụ truyền hình trực tuyến của Mỹ đã thay đổi nhanh chóng khi mà thời gian trung bình dành cho mỗi lần xem "truyền hình" đã tăng lên 4 tiếng.
Vào khoảng năm 2010, băng video, DVD hoặc DVR là cách để mọi người xem video, một số chương trình truyền hình nổi tiếng trên truyền hình cáp cần phải được xem theo thứ tự ở khung giờ cố định (chờ phát).
Mọi việc bắt đầu thay đổi vào tháng 11/2010, Hulu (một trang web phát video trực tuyến ra mắt năm 2008) đã ra mắt dịch vụ Hulu Plus bao gồm nội dung tất cả các mùa cho một số chương trình truyền hình nhất định. Tuy nhiên nội dung vẫn còn hạn chế và chưa tạo ra cơn bùng nổ thật sự.
Cùng thời điểm đó, khi truyền hình truyền thống trở nên không hấp dẫn người xem, Netflix cũng bắt đầu đầu tư vào nội dung của mình. Chỉ một năm sau, Netflix đạt được thỏa thuận với bộ phim truyền hình đầu tiên là House Of Cards. Vào ngày 1/2/2013, Netflix đã phát hành tất cả 13 tập mùa đầu tiên. Vào tháng 7/2013, bộ phim Orange Is The New Black nối tiếp thành công của House Of Cards, mở ra một kỷ nguyên mới cho Streaming (truyền hình trực tuyến)
Khán giả bị thu hút bởi Hulu và Netflix, văn hóa xem truyền hình thay đổi nhanh chóng. Một cuộc khảo sát thói quen xem phim truyền hình của khán giả ở khu vực Bắc Mỹ cho thấy có hơn 70% khán giả ở độ tuổi trên 18 xem truyền hình dưới dạng binge – watching (cách xem phim truyền hình mới: khán giả xem từ 2 đến 3 tập liên tiếp của một phim truyền hình trong thời gian liên tục). Kết quả là, "Binge - watching" đã trở thành từ phổ biến thứ hai trong từ vựng năm 2013 của Từ điển Oxford. Mặc dù Netflix đã nhấn mạnh binge - watch không phải là một xu hướng và không nhằm định hướng cho tương lai truyền thông, nhưng thực tế lại chứng minh ngược lại rằng binge - watch đã và đang dần thống trị, trở thành thói quen khó bỏ của nhiều hộ gia đình.
Binge - watch thành công vì nó trao toàn quyền quyết định và điều khiển khi xem phim truyền hình cho khán giả. Người xem hoàn toàn nắm quyền quyết định thưởng thức phim truyền hình vào thời điểm nào, với thời lượng bao nhiêu theo ý mình mà không còn phụ thuộc vào kênh phát sóng.
Tuy nhiên, khi thập kỷ tiếp theo (2020) bắt đầu, xu hướng này có thể đảo ngược trở lại. Mới đây, dịch vụ phát trực tuyến HBO Max của AT&T thông báo sẽ ra mắt phim theo từng tập mỗi tuần. Disney+ và Apple cũng có nhiều chương trình với một tập được phát hành theo tuần. Các công ty truyền thông hy vọng rằng lịch phát hành dài hơn sẽ tạo cảm giác "trông chờ" và tạo ra nhiều trải nghiệm với người xem, tăng độ bàn luận cũng như tính đề tài cho mỗi chương trình được trình chiếu.
Mặc dù trình chiếu ở hình thức nào, điều cốt lõi để giữ chân người xem vẫn là "nội dung". Do đó, cuộc chiến Streaming hiện tại không đơn thuần chỉ là về chiến lược trình chiếu mà các công ty bắt buộc phải đầu tư vào nội dung. Năm 2020 được dự đoán sẽ là năm bùng nổ "Streaming war", mở ra những xu hướng mới cho các ông lớn trong lĩnh vực truyền hình.
Hoài Viễn
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch