Vạch chiêu trò giả mạo công văn UBND TP.Đà Nẵng "thổi giá" bất động sản
Công văn giả mạo thể hiện chủ trương làm cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được phát tán với ý đồ "thổi giá" đất khu vực này. Theo các chuyên gia bất động sản, đây là chiêu trò kinh doanh "bẩn".
Công văn giả - tác động thật
Ngày 2/11, dư luận, cộng đồng mạng và đặc biệt là giới bất động sản miền Trung xôn xao trước hình ảnh về một công văn số 738/2018/UBND-XDCB, ngày 31/10/2018 của UBND TP.Đà Nẵng.
Bản chụp công văn này thể hiện, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Công văn này được gửi đến các cơ quan sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính, sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, UBND quận Cẩm Lệ, UBND quận Ngũ Hành Sơn...
Công văn này tràn ngập mạng xã hội đã ngay lập tức tạo nên làn sóng bất động sản ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và các vùng lân cận hưởng lợi từ cây cầu nối đường Bùi Tá Hán.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, đây thực chất là một công văn giả mạo. Cụ thể, theo phòng Quản lý đô thị văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng không ban hành công văn nào với nội dung như trên trong ngày 31/10 và trong cả quãng thời gian qua.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã giao Công an thành phố kiểm tra, xác minh thông tin nói trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND thành phố. Văn phòng UBND thành phố thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố để Công an thành phố biết, khẩn trương thực hiện.
"Mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này của người đăng với ý đồ tạo cơn sốt đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ. Hiện nay các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra", vị đại diện phòng Quản lý đô thị văn phòng UBND TP.Đà Nẵng thông tin.
Ai là đạo diễn?
Cũng trong ngày 2/11, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã tiến hành khảo sát các dự án bất động sản vùng Nam Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và giáp giới thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thực tế, sau khi công văn giả trên được phát tán, giới bất động sản khu vực này một phen xôn xao.
Thậm chí, hàng loạt website mua bán đất miền Trung đăng tải thông tin "sốt đất" kèm theo công văn này.
"Thực ra, thông tin Đà Nẵng xây cầu nối đường Bùi Tá Hán đã được tung ra từ đầu năm nay. Giới bất động sản, các "cò" đất đồn đoán với nhau, mượn thông tin mập mờ này để kích cầu, tăng thêm sức hút các dự án bên kia sông. Cho đến những ngày qua, xuất hiện các văn bản trên nhưng rất nhiều người tin là thật và đổ xô thăm hỏi, mua đất nên các dự án hưởng lợi từ cây cầu. Đây là một chiêu trò "bẩn" trong kinh doanh và theo tôi nó được toan tính từ trước", một chuyên gia bất động sản TP.Đà Nẵng nói. Người này cũng nhận định, rất khó để truy ra ai là người đã "đạo diễn" nên màn kịch này.
Cũng theo ghi nhận của PV, thị trường bất động sản tại TP.Đà Nẵng và vùng giáp giới thị xã Điện Bàn thời gian qua rất dễ "sốt".
Chính vì nhu cầu mua, đầu tư, đầu cơ... rất cao mà nhiều dự án đã làm ẩu, bán đất khi chưa có đủ thủ tục pháp lý. Đặc biệt là tình trạng bán đất khi chưa có quy định giá đất của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến tình trạng chủ đầu tư và sàn giao dịch "bẻ kèo", trở mặt với nhau. Nhiều hệ lụy xảy ra, nhiều tranh chấp dai dẳng ảnh hưởng đến môi trường kinh tế chung.
Vấn đề này, báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã nhận được một số đơn thư về những mặt xấu bức tranh toàn cảnh bất động sản TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi sẽ điều tra và chuyển đến bạn đọc.
Lê Nhâm Thân
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội