Ứng xử đúng với tín dụng ngầm

Thứ hai, 15/10/2018, 10:58 AM

Trước hết, cần gọi đúng tên hoạt động tín dụng ngoài luồng hiện nay là... tín dụng ngầm. Đây là một bộ phận tất yếu, cấu thành nên “nền kinh tế ngầm”, mà theo phỏng đoán của các chuyên gia kinh tế thì tỷ trọng của nó trong tổng thể sản lượng quốc gia là khá đáng kể. Một khi đã thừa nhận nền kinh tế ngầm thì buộc phải công nhận sự tồn tại khách quan của tín dụng ngầm, giống như một cỗ xe hai bánh giúp cho mô hình này vận hành khá trơn tru từ xưa đến nay.

Một quảng cáo vay vốn trên mạng xã hội.

Một quảng cáo vay vốn trên mạng xã hội.

Sức sống của nền kinh tế ngầm nói chung, tín dụng ngầm nói riêng, phụ thuộc vào trình độ văn minh, hành lang pháp lý, năng lực quản lý kinh tế - xã hội qua mỗi thời kỳ. Ngay từ khi Nhà nước chưa ban hành bất kỳ một hành lang pháp lý nào, hình thức hụi/họ trong dân gian, một trong những hình thái ban đầu của tín dụng ngầm, đã phát sinh và phát triển cho đến tận hôm nay nhờ vào đặc tính đơn giản, thuận tiện, gần gũi của nó. Tính cố kết cộng đồng cộng với uy tín cá nhân trong giao dịch chính là nền tảng ban đầu khai sinh nên hình thức tín dụng này, chủ yếu phục vụ các nhu cầu buôn bán làm ăn, dân sinh trong phạm vi xóm, làng, những lĩnh vực buôn có bạn, bán có phường. Càng về sau, theo đà phát triển của xã hội, tín dụng ngầm bắt đầu bị biến tướng, trong đó đáng quan ngại nhất chính là sự liên minh chặt chẽ giữa các bộ phận đầu nậu, bảo kê, gắn với các loại hình tệ nạn xã hội, làm ăn phi pháp như cho vay nặng lãi, cờ bạc, ma túy, đề đóm...

Một khi đã thừa nhận nền kinh tế ngầm thì buộc phải công nhận sự tồn tại khách quan của tín dụng ngầm, giống như một cỗ xe hai bánh giúp cho mô hình này vận hành khá trơn tru từ xưa đến nay.

Cách đây khoảng 20 năm, các ngân hàng thương mại bắt đầu lấn sân mạnh vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tín chấp. Với thủ tục gọn nhẹ, lãi suất hấp dẫn, cung cách phục vụ linh hoạt, kinh doanh ngân hàng chính thống đã chia sẻ nhất định thị phần của tín dụng ngầm. Ngoài dòng tiền chính thức từ các ngân hàng, những nhà phân phối, siêu thị cũng tung ra các hình thức khuyến khích mua hàng như mua trả góp... bổ sung thêm dòng tiền hợp pháp vào thị trường, góp phần hạn chế bớt sự thao túng của thế lực tín dụng ngầm.

Đó là chưa kể một loạt dòng tiền khác xuất phát từ các tổ chức tài chính vi mô (do hội phụ nữ/ hội nông dân/ngân hàng chính sách xã hội... chủ trì) nhằm hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo. Đây chính là phương cách hữu hiệu nhất, đúng với nguyên lý “dùng đồng tiền tốt đuổi đồng tiền xấu”, cần được khuyến khích và nhân rộng. Chúng ta không hy vọng chắc chắn rằng thị trường tín dụng ngầm sẽ hết đất sống, nhưng có đủ căn cứ để tin rằng lĩnh vực này sẽ biết tự điều chỉnh, biết chung sống một cách hòa bình với thị trường chính thống.

Sự nở rộ các công ty tài chính trong những năm gần đây đã tạo ra một kênh phân phối mới, vừa đa dạng, vừa phức tạp trên thị trường tín dụng tiêu dùng cá nhân. Những món vay vừa và nhỏ, lãi suất rất cao, gấp 5-7 lần so với lãi suất ngân hàng, vô hình trung đã tạo ra sức ép tâm lý và gánh nặng tài chính rất lớn cho những người có nhu cầu vay tiền nhưng năng lực thanh toán bấp bênh. Tình trạng bất cập này chủ yếu do quan điểm “hàng hai”, thiếu nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp hai bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trong khi đó, điều 201 Bộ luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng xác định người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là... phạm tội. Thời gian qua rất nhiều ngân hàng đã phải kêu trời vì câu chuyện chuyển nhóm nợ xấu dây chuyền do những người đi vay có liên quan ở các công ty tài chính gây ra. Nhiều vụ án có liên quan đến nạn cho vay nặng lãi hầu như xử lý chưa rốt ráo với lý do không đủ căn cứ hoặc các cơ quan chức năng vào cuộc chưa đến nơi đến chốn. Vấn đề đã rõ. Pháp luật cần phải làm tròn chức trách của mình, cần biết đặt ra giới hạn hợp lý để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.

Vấn đề cuối cùng đồng thời cũng là vấn đề mang tính quyết định, đó là các cá nhân tham gia các giao dịch tài chính cần thiết phải hội đủ những kỹ năng thông thường để đưa ra quyết định hợp lý và hợp pháp, chủ động phòng tránh những rủi ro không lường trước được. Hay nói khác đi, cần phải có chương trình phổ cập các kiến thức tài chính phổ quát cho người dân, kể cả ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đã đến lúc cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin xếp hạng tín dụng quốc gia về hoàn cảnh, vị thế tài chính của từng công dân đến tuổi trưởng thành. Đây chính là một trong những tấm vé thông hành vào đời, là hành trang cần thiết để mỗi người tự nâng cao nhận thức, biết đánh giá, cân nhắc đúng đắn hành vi ứng xử của mình không chỉ trên phương diện tài chính mà cả trong sự nghiệp sau này.  

Tâm Dân

Theo TBKTSG