Ngân hàng không dễ giảm lệ thuộc vào tín dụng

Thứ sáu, 24/08/2018, 19:31 PM

Tuy thu nhập từ mảng dịch vụ đã được cải thiện, nhưng trong cơ cấu nguồn thu của ngân hàng, mảng tín dụng vẫn chiếm tới 80-90%. Do đó, việc giảm lệ thuộc vào tín dụng khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhất là với khối ngân hàng nhỏ.

Kết thúc nửa đầu năm 2018, kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng nhìn chung là tích cực. Hoạt động cho vay tuy chậm lại, nhưng thu nhập từ tín dụng vẫn tăng trưởng cao.

Cùng với đó, thu nhập ngoài lãi cũng khả quan, góp phần cải thiện tỷ trọng trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng.

Vietcombank là ngân hàng có lãi từ dịch vụ cao nhất hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2018, đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 32% (tương đương 418 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng khác như Sacombank, ACB, VIB, TPBank, MB, LienVietPostBank... cũng có tốc độ tăng trưởng thu nhập thuần ở mức cao từ dịch vụ cao trong nửa đầu năm nay.

Chẳng hạn, VIB đạt 315 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ; TPBank đạt 244 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; LienVietPostBank đạt gần 42 tỷ đồng, tăng 2,5 lần...

Thế nhưng, không phải nhà băng nào cũng duy trì sự tăng trưởng từ hoạt động dịch vụ, kể cả những ngân hàng quy mô và có mảng dịch vụ bán lẻ phát triển.

Chẳng hạn, là ngân hàng có lãi từ dịch vụ cao nhất hệ thống trong năm 2017, nhưng 6 tháng đầu năm 2018, lãi từ hoạt động dịch vụ của Techcombank chỉ tăng trưởng 8,2%, đạt 1.092 tỷ đồng (đóng góp 13,6% tổng lợi nhuận trước thuế), trong khi thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 58%, tương đương 5.050 tỷ đồng.

Những năm gần đây, các ngân hàng đang tìm cách để gia tăng tỷ trọng của nguồn thu nhập phi tín dụng.

VietBank cho hay, Ngân hàng đã đầu tư 14 triệu USD vào hệ thống ngân hàng lõi để dần chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ "độc canh" tín dụng sang dịch vụ.

Hiện tại, nguồn thu từ dịch vụ tại VietBank chiếm 3% tổng doanh thu, nhưng kế hoạch đến năm 2020, nguồn này sẽ được nâng lên 20% và kỳ vọng năm nay sẽ ở mức 10%.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2018 vừa công bố, lợi nhuận của VietBank đạt 124 tỷ đồng trước thuế, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, thu nhập từ lãi thuần đạt 297 tỷ đồng, tăng 1,5 lần; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 1 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 77 tỷ đồng, cùng kỳ là gần 15 tỷ đồng. Riêng hoạt động dịch vụ lỗ 185 triệu đồng.

Tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, bên cạnh tăng thu từ hoạt động tín dụng, thu nhập từ thu ngoài lãi, dịch vụ và hoạt động bảo hiểm tăng trưởng cao, góp phần vào kết quả tích cực chung của OCB.

Kết thúc 2 quý đầu năm 2018, thu nhập thuần của OCB đạt 2.577 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, hoạt động dịch vụ đạt 137 tỷ đồng, tăng 58%.

Thực tế, nguồn thu phí của ngân hàng hiện nay chủ yếu đến từ phí thẻ, dịch vụ trung gian thanh toán giao dịch bất động sản, thanh toán quốc tế và các khoản phí liên quan đến ATM, Internet Banking, Mobile Banking… Nhiều ngân hàng dự kiến sẽ nâng phí dịch vụ để tăng nguồn thu, nhưng đã bị Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi".

TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng lập luận phải tăng phí để bù đắp chi phí, giúp ngân hàng duy trì đầu tư cơ sở hạ tầng…, nhưng thực tế, ngân hàng đã “lợi đơn, lợi kép”.

Vì vậy, thay vì tăng phí đại trà như phí rút tiền nội mạng, phí Internet Banking…, ngân hàng nên cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính phù hợp để cải thiện nguồn thu.

Lợi nhuận ngân hàng năm 2018 được giới phân tích dự báo sẽ có gam màu sáng, nhưng phần lớn vẫn nhờ vào tín dụng tăng, chi phí dự phòng rủi ro giảm dần...

Tuy nhiên, với chủ trương tại Chỉ thị 04/CT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, việc kỳ vọng vào nguồn thu từ mảng tín dụng của ngân hàng sẽ khó khăn hơn, nhất là với những ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ cao sau nửa đầu năm...

Vân Linh

ĐTCK