Tín dụng bất động sản đã tăng đến mức cảnh báo

Thứ năm, 13/09/2018, 09:14 AM

Tuy vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng theo giới phân tích kinh tế - tài chính, đã đến lúc tín dụng bất động sản cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh rủi ro nợ xấu tái tăng.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng cho vay bất động sản trên địa bàn TP. HCM tăng 10,8%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,5% của toàn thị trường. Theo HoREA, điều này tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng, cũng như chủ đầu tư bất động sản.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, bao gồm cả cho vay bất động sản.

Mức này sẽ giảm xuống 40% kể từ 1/1/2019 theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN. Lộ trình này, theo HoREA, có mặt tích cực là tạo áp lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động trong việc tìm các nguồn vốn bổ sung, chẳng hạn từ thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn FDI..., thay vì quá phụ thuộc vào vốn tín dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng cho vay bất động sản trên địa bàn TP. HCM tăng 10,8%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,5% của toàn thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng cho vay bất động sản trên địa bàn TP. HCM tăng 10,8%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,5% của toàn thị trường.

Trong khi đó, thông qua Chỉ thị 04 ban hành ngày 2/8/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như một số ngân hàng tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém).

TCTD có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động sẽ được giao chỉ tiêu cao hơn và ngược lại, sẽ hạn chế đối với những TCTD chưa đạt yêu cầu.

Thống đốc từng nhấn mạnh, hai ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

Trong đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ được chú trọng hơn bởi gắn trực tiếp với tăng trưởng tín dụng. Do đó, các TCTD sẽ phải tập trung hơn vào việc phát triển các khoản dư nợ ngắn hạn, hạn chế tăng các khoản cho vay dài hạn...

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, hậu quả của việc bơm vốn mạnh vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán giai đoạn 2007-2008 đến nay vẫn chưa xử lý xong và là bài học lớn đối với ngân hàng.

Do đó, việc kiểm soát chất lượng tín dụng, cũng như hạn chế cho vay các lĩnh vực nhiều rủi ro này là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Lịch, các chủ đầu tư bất động sản cần tránh phụ thuộc vào vốn tín dụng và ngân hàng cũng thận trọng khi cho vay lĩnh vực bất động sản, kể cả cho vay nhỏ, lẻ…

Giáo sư Andreas Hauskrecht, Trường Đại học Indiana (Mỹ), thành viên nhóm sáng kiến Việt Nam đánh giá, việc thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán của Việt Nam tích cực trở lại trong thời gian qua khiến vốn tín dụng vào các lĩnh vực này tăng, nhưng sẽ khó lặp lại tình trạng bong bóng như giai đoạn 2007-2008 bởi Chính phủ và NHNN đã có kinh nghiệm xử lý.

Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng cho rằng, chính bởi hậu quả lớn mà giai đoạn trên để lại cho tới nay nên việc đưa ra cảnh báo sớm, cũng như sự chủ động kiểm soát rủi ro đối với tín dụng lĩnh vực bất động sản, chứng khoán của NHNN là kịp thời và cần thiết.

Thực tế, thời gian qua, mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, song lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, những khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo vẫn tồn tại.

Trong bối cảnh tín dụng vào bất động sản, chứng khoán được siết chặt như hiện nay, để tạo dư địa cho vay mới, ngân hàng đang đẩy mạnh phát mãi tài sản là bất động sản để thu hồi nợ cho vay trước đây.

Chẳng hạn, Sacombank dự kiến tổ chức đợt đấu giá vào ngày 27/9 tới để xử lý 11 tài sản đảm bảo là bất động sản tại TP. HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mức giá khởi điểm của toàn bộ bất động sản trên là 10.040 tỷ đồng.

Tương tự, Agribank và VietinBank cũng dồn dập rao bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu trong tháng 9/2018. Cụ thể, Agribank dự kiến tổ chức hơn 10 đợt đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản, với tổng giá trị chào bán khởi điểm là hơn 470 tỷ đồng.

VietinBank sau khi mua lại toàn bộ khoản nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã thông báo bán đấu giá các khoản nợ xấu lớn như: VietinBank Ba Đình đang bán toàn bộ khoản nợ của CTCP Sông Đáy - Hồng Hà dầu khí có giá trị cả gốc và lãi là 66,18 tỷ đồng tính đến ngày 16/8/2018…

Theo Vân Linh (ĐTCK)

Theo NLĐ