Ứng dụng săn đồ ăn giá rẻ có thể 'tiếp tay' thanh lý đồ ăn thừa
Việc các ứng dụng (app) gọi đồ ăn quá chú trọng vào tiêu chí giá rẻ, giá giảm theo khung giờ cuối ngày có thể gián tiếp kích thích các hàng quán xả hàng tồn, giảm chất lượng thực phẩm…
Từ nhanh chuyển sang rẻ
Nhiều người tiêu dùng đã quá quen với việc đặt món ăn qua app cài đặt sẵn trên điện thoại. Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor chỉ ra, thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam có giá trị 33 triệu USD trong năm 2019 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Nhiều đơn vị trong và ngoài nước nhảy vào thị trường béo bở này, cạnh tranh gay gắt, nhờ đó đem lại nhiều lựa chọn, tiện ích, ưu đãi cho người dùng.
Theo khảo sát của GCOMM, một công ty cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ nghiên cứu thị trường, đặc biệt là đánh giá hiệu quả hoạt động marketing, có đến 99% người tham gia cho biết, họ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng; 39% đặt món thông qua ứng dụng 2-3 lần/tuần. Cũng theo khảo sát này, người tiêu dùng quan tâm đến tốc độ giao hàng nhanh chóng hơn là chất lượng món ăn: 65% khách hàng yêu cầu tốc độ giao hàng phải nhanh trong khi chỉ 58% yêu cầu món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ và 56% quan tâm món ăn có chất lượng đảm bảo…
Các ứng dụng như Now, GrabFood, Go-Viet cạnh tranh bằng những ưu đãi như giảm giá cước, giao hàng nhanh (20-25 phút sau khi khách đặt món). Những ứng dụng ra đời sau lại không cạnh tranh bằng những yếu tố này mà chú trọng đến chức năng săn thức ăn giảm giá “sốc” vào mỗi cuối ngày từ các nhà hàng, quán ăn, chuỗi cà phê… có thương hiệu.
Ứng dụng muonangi.com do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp, Sở Công thương TP.HCM và Công ty cổ phần Chứng số an toàn (SAFEcert Corp) phát triển, đi theo hướng này. Điểm mới của ứng dụng này, theo giới thiệu, là dịch vụ “săn đồ ăn ngon, rẻ để bảo vệ môi trường”. Qua ứng dụng, người tiêu dùng biết được số lượng các món ăn ngon, rẻ có trong ngày để đặt hàng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế lãng phí cho nhà hàng, quán ăn, góp phần bảo vệ môi trường. Có những món giảm giá đến 50%, được cho là sẽ thu hút được người dùng ứng dụng MuonAnGi.
Ai giám sát chất lượng?
Ông Nguyễn Quốc Bằng - Giám đốc tư vấn khu vực miền Nam của SAFEcert Corp - cho biết, hiện nay trên thế giới, gần 30% thức ăn chế biến sẵn trong các nhà hàng phải bỏ đi, gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, lãng phí. Với ứng dụng MuonAnGi, người tiêu dùng có thể nhanh chóng nhận được thông tin giảm giá món ăn và đặt món, giao tận nơi hoặc tự đến lấy, đặt bàn, đặt món ăn trước và đến tận nơi ăn... Các nhà hàng, quán ăn sẽ có được hệ thống quản lý tổng thể, giúp phục vụ khách hàng tốt hơn, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả quản lý nội bộ.
Câu hỏi đặt ra là, làm sao đảm bảo được chất lượng của món ăn được giảm giá vào cuối ngày, nhất là những món ăn chế biến dùng trong ngày, nếu không bán hết, nhà hàng, quán ăn sẽ phải bỏ đi? Ông Bằng khẳng định, thức ăn giảm giá cuối ngày không phải là thức ăn hư, vẫn sử dụng được, vẫn ngon vì thức ăn vẫn còn trong hạn sử dụng, hết hạn sử dụng thì hàng quán mới bỏ đi.
Phần lớn món ăn được giảm giá, theo ông Bằng, không phải là món không ngon hay cũ mà là những món bán chậm, ít khách đặt mua trong ngày, dẫn đến thừa nhiều. Hiện có trên 1.000 đơn vị tự đăng ký món ăn giảm giá trong ngày lên app và người tiêu dùng cài app sẽ nhanh chóng nhận được thông tin để “săn” món ăn giá rẻ.
Trả lời câu hỏi “làm sao đảm bảo đó là món ăn trong ngày hay là món ăn của hôm trước và được giảm giá mạnh để giải quyết hàng tồn”, ông Bằng cũng chỉ đưa ra cam kết: “Chúng tôi có đội ngũ đánh giá, thẩm định các đơn vị cung cấp thức ăn, xác thực họ phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và phải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng món ăn, giá cả hợp lý. Đặc biệt, tiêu chí bắt buộc khi hợp tác là có hệ thống giám sát bằng camera; không hợp tác với các quán ăn nhỏ không có đầy đủ giấy tờ theo quy định”.
Theo chuyên gia quản lý chất lượng Vũ Thế Thành, hiện luật chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm giữa bên bán hàng và bên giao hàng, chủ yếu là do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Thông thường, bên nào bán hàng thì phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, bên bán phải bao bọc, đóng gói thức ăn kỹ lưỡng và bên giao hàng phải đảm bảo giữ nguyên đai, nguyên kiện hàng hóa khi giao đến tay khách, nhận đúng hàng, giao đúng người và đúng thời gian hai bên đã cam kết. Trong trường hợp xảy ra vấn đề liên quan đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm món ăn, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra, xác minh nguyên nhân từ đâu (từ bên bán, bên giao hàng hay do người mua bảo quản không đúng, để lâu mới dùng…), từ đó mới quy trách nhiệm cụ thể cho bên nào.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết, cũng như các suất ăn công nghiệp, bên cung cấp phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, còn bên giao hàng sẽ được xác định cụ thể trong từng trường hợp, có trách nhiệm về khâu bảo quản, vận chuyển, giờ giấc...
Nguyễn Cẩm
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm