Tìm thực phẩm bù đắp thịt heo
Đã tiêu hủy 3,3 triệu con heo do bệnh dịch tả heo châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tìm nguồn thực phẩm bù đắp cho nguồn thịt heo dự kiến thiếu hụt vào cuối năm
Theo số liệu được công bố tại hội nghị bàn về các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11-7, đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, TP. Tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 3,3 triệu con. Đáng lưu ý, 106 xã thuộc 22 tỉnh, TP có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó dịch tái phát.
Trong khi đó, về công tác ứng phó với dịch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vẫn còn nhiều vướng mắc như ngân sách dự phòng của một số địa phương không đáp ứng được công tác hỗ trợ tiêu hủy. Diễn biến dịch tả heo châu Phi chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, an toàn sinh học vẫn là giải pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất. "Vũ khí" này không chỉ ứng phó với dịch tả heo châu Phi mà áp dụng trong nhiều loại dịch bệnh khác.
Là địa phương có 176.000 con phải tiêu hủy trên tổng đàn 600.000, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, nhìn nhận bệnh dịch ở địa phương này đã có chiều hướng chậm lại, toàn tỉnh có 30 xã công bố hết dịch. Việc tái đàn cũng được địa phương này kiểm soát chặt chẽ khi không cho phép tái đàn và phát sinh chăn nuôi mới ở vùng dịch, đặc biệt là khu dân cư, trừ cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học thì mới xem xét.
Cũng như nhiều địa phương khác, Hưng Yên đang gặp khó về kinh phí hỗ trợ tiêu hủy heo. Tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 180 tỉ đồng dự phòng nhưng thiệt hại do dịch đã gần 600 tỉ đồng. "Mặc dù Chính phủ hỗ trợ thêm 80 tỉ đồng nhưng vẫn không đủ, trong khi yêu cầu cấp bách là tạo sinh kế cho người dân sau dịch bệnh. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ" - ông Quang nói. Cùng chung tình trạng này, ông Đặng Duy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết địa phương đã tiêu hủy 36% tổng đàn, hiện đang "đau đầu" với kinh phí hỗ trợ.
Về giải pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định phải thực hiện an toàn sinh học. Theo ông, quy trình này phải tuân thủ nghiêm ngặt từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến mô hình trang trại, quy mô lớn. "Thực tiễn chứng minh rằng nếu thực hiện an toàn sinh học tốt, bệnh này không thể xâm nhập đàn heo. Số đàn heo bị dịch chủ yếu ở hộ nhỏ lẻ, những nơi rất khó triển khai an toàn sinh học, trong khi những nơi chăn nuôi quy mô lớn thì vẫn giữ nguyên được đàn" - ông Cường nói và cho biết một giải pháp đồng bộ khác là nghiên cứu vắc-xin.
Trước nguy cơ thiếu hụt thực phẩm dịp cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để có thể bù đắp nguy cơ thiếu thịt heo như gia cầm, thủy sản… Tuy nhiên, phát triển các nhóm thực phẩm này, cần phải đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi an toàn. Nếu phát triển mạnh mà xảy ra dịch bệnh thì sẽ rất nguy hiểm.
"Né" dịch bằng công nghệ vi sinh
Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cho biết doanh nghiệp đã "né" được dịch nhờ quy trình chăn nuôi heo hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh, hoàn toàn không kháng sinh/hóa chất. Các bước từ lựa chọn giống sạch bệnh cho đến chuồng trại được thiết kế phù hợp theo thời tiết. Đối với thức ăn, doanh nghiệp thêm men vi sinh để tăng sức đề kháng cho heo, đồng thời thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên xung quanh chuồng trại.
Chiến Minh
-
Ngăn chặn gần 2 tấn trái cây sấy dẻo và kẹo nhập lậu
-
Lạng Sơn: Kịp thời ngăn chặn 960 kg Chân gà đông lạnh nhập lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình
-
Quảng Ninh: Chuyển cơ quan tố tụng vụ việc vận chuyển gần 2 tấn ức vịt nhập lậu
-
Ăn kẹo trước cổng trường, 15 học sinh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm
-
Đồ chay rằm tháng Bảy, người dùng e dè đồ hộp
-
Khách hàng nhập viện sau khi uống sữa Pediasure?!