Tuyến buýt sông đầu tiên của Việt Nam có đang đi đúng "lộ trình"?

Thứ tư, 15/08/2018, 10:22 AM

Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) đến nay vẫn là một "khái niệm xa lạ” đối với rất nhiều người tại TP.HCM. Nhiều ý kiến cho rằng các tuyến buýt sông hiện đang có dấu hiệu “chạy lệch” mục tiêu, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tham quan của du khách và vẫn chưa phát huy được chức năng vận tải công cộng như đề ra ban đầu.

Chủ yếu phục vụ du khách, công năng chưa được phát huy

Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) thuộc dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố có tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Dự án do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cùng Công ty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư đã khai trương và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 25/11/2017.

Tuyến buýt đường sông số 1 hiện có 11 bến, trong đó có 5 bến chính đón trả khách là Bạch Đằng – Bình An – Thanh Đa – Hiệp Bình Chánh – Linh Đông, với tổng chiều dài tuyến là 10,8km, lộ trình mỗi tuyến kéo dài từ 30 – 40 phút, mỗi ngày tuyến buýt này chạy 15 lượt.

Mục tiêu ban đầu của dự án khi hoàn thành sẽ phục vụ nhu cầu đi lại thường ngày của người dân, hỗ trợ giao thông đường bộ, góp phần giảm áp lực cho giao thông công cộng đường bộ đang ngày càng trở nên quá tải trên địa bàn TP.HCM và phát triển du lịch.

Buýt đường sông đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: Mỹ Triều)

Buýt đường sông đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: Mỹ Triều)

Tính đến nay, tuyến buýt đường sông đã đi vào hoạt động chính thức hơn nửa năm nhưng hiện chỉ phục vụ chủ yếu cho việc tham quan, du lịch và vẫn chưa có dấu hiệu phát huy chức năng chở khách công cộng. Hành khách chủ yếu có nhu cầu thăm thú, khám phá tuyến buýt trên sông này là chính, và vì thế, lượng khách di chuyển trên tuyết buýt trên sông mỗi ngày còn khá hạn chế.

Theo ghi nhận của phóng viên Người Tiêu Dùng, tại bến khởi hành Bạch Đằng (Q.1), khách đi tàu khá thưa thớt, chủ yếu là khách tham quan du lịch.

Chị Đ.T.Q.Như, một hành khách cho biết: “Đây là lần đầu tôi đi buýt trên sông. Ngồi trên tàu này có thể ngắm cảnh thành phố một cách thoải mái, đầy thú vị. Nhưng nếu chọn đây là phương tiện công cộng để đi lại thường ngày thì tôi sẽ không ưu tiên vì lộ trình các tuyến còn chưa thật sự thuận lợi cho người dân thành phố nếu cho nhu cầu đi học hay làm việc trong nội thành. Còn như hôm nay tôi đi thử một lần cho biết mà thôi”!

“Mở đường sông – thông đường bộ”, hiệu quả thật sự ra sao?

Các tuyến xe buýt kết nối buýt sông hiện chỉ chạy trên các đường lớn, người dân trong các đường nhỏ muốn đi buýt sông buộc phải đi xe máy tới bến tàu rồi gửi. Nhưng một khi người dân đã đi xe máy thì không việc gì người ta phải gửi xe rồi đi buýt sông.

Thêm nữa, việc phân bổ thời gian và lộ trình tuyến buýt trên sông Sài Gòn đến nay vẫn còn nhiều bất tiện khiến nhu cầu di chuyển của người dân trở nên khó khăn nếu lựa chọn phương tiện này. Nhiều người nhìn nhận, tuyến buýt chỉ phù hợp cho việc du ngoại, ngắm cảnh sông nước, còn muốn di chuyển gấp hay đi làm, đi công việc vẫn còn nhiều điều phải cân nhắc.

Hành khách xếp hàng lên buýt đường sông (Ảnh: Mỹ Triều)

Hành khách xếp hàng lên buýt đường sông (Ảnh: Mỹ Triều)

Chị N.V.Huy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Tôi làm việc ở quận 5, nhưng nhà ở gần bến Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Tôi cũng rất muốn được đi làm bằng buýt sông vì nó an toàn và thoải mái. Nhưng giá vé hơi cao, mỗi lượt tới 15.000 đồng, lại không ưu đãi cho người đi thường xuyên. Chưa kể, khi đến bến còn phải di chuyển bằng các phương tiện khác để đến được nơi làm việc vì bến Bạch Đằng khá xa các quận 3,5,10,11…”.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương (Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiêm cứu phát triển Sở Du lịch TP.HCM) cho biết: “Tuyến buýt trên sông ban đầu đưa ra có 2 mục đích chính là một phương tiện giao thông công cộng và phục vụ khách du lịch. Tức mục đích hàng đầu là phục vụ nhu cầu giao thông công cộng”.

Theo bà Minh Phương, thói quen sử dụng phương tiện công cộng đường sông của người dân cũng còn chưa cao, thêm vào đó là việc tuyến buýt sông còn khá mới mẻ với người dân nên sẽ có nhiều người chỉ đi thử cho biết. Khi thử rồi thấy thuận tiện mới xem xét đến việc sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, các tuyến buýt sông cần có sự kết nối với các phương tiện công cộng khác để thuận tiện hơn cho người dân trong việc sử dụng.

“Tuyến buýt này cũng còn mục đích để phục vụ phát triển du lịch, ví dụ như từ Bạch Đằng đi Bình Quới chẳng hạn, sẽ kết nối được với điểm du lịch Bình Quới thì điều này rất hay vì nó cũng phát huy được mục đích thứ hai là phục vụ cho du lịch đúng như một trong những mục đích ban đầu do Sở GT- VT TP.HCM đã đề ra” - bà Nguyễn Thị Minh Phương cho biết thêm.

Bản đồ lộ trình của tuyến buýt đường sông (Ảnh: Mỹ Triều)

Bản đồ lộ trình của tuyến buýt đường sông (Ảnh: Mỹ Triều)

Một thống kê từ chủ đầu tư cho thấy, 70% hành khách sử dụng buýt thủy là người dân thành phố muốn đi thử, chỉ có 13% là khách du lịch ngoại quốc và còn lại là khách vãng lai.

Như vậy, có thể thấy, hiện tại tuyến buýt sông đang phục vụ cho mục đích du lịch là chủ chính. Vậy liệu việc sử dụng tuyến buýt này vào mục đích du lịch có đúng với mục đích và "tôn chỉ ban đầu của dự án tuyến buýt đường sông?

Chia sẻ trên Fanfage của mình, SaiGon Waterbus cho rằng, dự án buýt trên sông là một dự án mang tính công cộng, phục vụ đại đa số người dân nên không có sự phân biệt là phục vụ cho du lịch hay phục vụ cho giao thông. Ngoài ra, giá vé hiện tại là 15.000 đồng/ lượt và "đây là một mức giá mà chúng tôi đã rất nỗ lực để có được nhằm phục vụ đến đại đa số người dân Sài Gòn".

Mỹ Triều

NTD

largeer