Chính phủ ban hành giá điện riêng cho trạm sạc xe điện
Giá điện mới áp dụng cho các trạm sạc xe điện dao động từ 1.565 đến 4.298 đồng/kWh, tùy theo cấp điện áp và khung giờ, thấp hơn giá điện kinh doanh nhưng cao hơn điện sản xuất.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Sạc xe điện sai cách có thể dẫn đến cháy nổ, nhất là trong điều kiện nắng nóng hoặc hệ thống điện không đảm bảo. Khi xe ngày càng phổ biến, việc nâng cao nhận thức và tuân thủ quy chuẩn an toàn là yếu tố bắt buộc để tránh tai nạn nghiêm trọng.
Chiều 8/7, Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) xác nhận một vụ cháy lớn xảy ra tại khu vực để xe của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hương Tích, khiến 9 xe điện du lịch và một ô tô Mazda bị thiêu rụi hoàn toàn.
Đám cháy bùng phát vào khoảng 11h trưa cùng ngày, giữa thời điểm nắng gắt với nền nhiệt ngoài trời hơn 37 độ C. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã điều động hai xe chuyên dụng cùng 12 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Tuy nhiên, do lửa lan nhanh và vật liệu dễ bắt cháy, lực lượng chức năng không thể cứu vãn các phương tiện bị ảnh hưởng.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích, thời điểm trước khi xảy ra vụ cháy, có nhiều xe điện du lịch đang sạc tại nhà để xe. Cũng theo vị này, sau khoảng 30 phút đám cháy đã được dập, nguyên nhân bước đầu nghi do chập điện.
Trong bối cảnh xe điện đang ngày càng phổ biến ở các khu du lịch, khách sạn và hộ gia đình, sự cố này tiếp tục làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn khi sạc và vận hành các phương tiện dùng pin.
Theo các chuyên gia, thời gian gần đây xuất hiện nhiều sự cố cháy nổ liên quan đến xe điện, trong đó nhiều vụ bắt nguồn từ quá trình sạc sai cách. Pin lithium-ion – loại phổ biến trên các phương tiện điện hiện nay – có khả năng lưu trữ năng lượng cao, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn nếu rò rỉ dòng điện hoặc bị sạc bằng thiết bị không đảm bảo.
Nhiều bộ sạc yêu cầu ổ điện phải có tiếp địa để đảm bảo an toàn. Khi có dòng rò điện từ pin hoặc mạch bên trong xe, tiếp địa sẽ dẫn dòng điện này xuống đất, giảm nguy cơ bị giật hoặc phát sinh tia lửa gây cháy. Tuy nhiên, một số người dùng đã tự ý thay đổi kết cấu ổ cắm – như chuyển từ ổ ba chấu sang hai chấu – dẫn đến mất tiếp địa, khiến toàn bộ hệ thống sạc không còn khả năng bảo vệ cơ bản.
Ngoài ra, việc sử dụng bộ sạc không đúng chuẩn – như dùng adapter sạc điện thoại hoặc laptop – để sạc xe điện cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn. Các thiết bị này thường không chịu được dòng điện lớn, dễ bị quá tải, dẫn đến hiện tượng nóng chảy, đoản mạch và phát nổ.
Thói quen kéo dây điện nối dài hoặc chia ổ cắm khi sạc xe cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến cháy nổ, đặc biệt nếu tiết diện dây không đủ tải. Khi dòng điện vượt quá khả năng chịu đựng, dây nóng lên, làm tan chảy lớp cách điện và gây chập cháy.
Một yếu tố khác thường bị bỏ qua là thói quen sạc xe trong không gian kín như gara, kho để xe hoặc khu vực không thông thoáng. Trong quá trình sạc, pin lithium-ion sinh nhiệt. Nếu đặt xe trong không gian bí, không có luồng khí lưu thông, nhiệt lượng sẽ tích tụ, làm tăng nguy cơ cháy nổ.
Trong trường hợp xảy ra cháy, không gian kín khiến áp suất tăng cao, tạo ra sức nổ lớn hơn. Ngoài ra, khi pin cháy, các hợp chất hóa học và khí độc phát tán ra môi trường, kèm theo lửa lan nhanh sang các vật dụng xung quanh như giấy, vải, rèm hoặc xe chạy xăng đỗ gần đó.
Việc độ xe – thay đèn, nâng cấp màn hình hoặc gắn thêm các thiết bị điện – nếu không đúng chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất, cũng là nguyên nhân khiến hệ thống điện bị quá tải, dễ gây cháy. Chẳng hạn, nếu xe được thiết kế với đèn pha 35W nhưng được thay bằng đèn 80W, dây điện có thể bị nóng chảy do không chịu được công suất cao hơn.
Để hạn chế rủi ro, giới chuyên gia khuyến cáo người dùng cần kiểm tra định kỳ các thiết bị liên quan đến sạc điện như ổ cắm, dây dẫn, phích cắm. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường như nóng, xém đen, chảy nhựa, cần ngưng sử dụng ngay và thay thế bằng thiết bị chính hãng.
Ngoài ra, người dùng xe điện cũng nên trang bị cầu dao tự động (CB) hoặc aptomat chống giật trong hệ thống điện tổng, giúp tự động ngắt mạch khi có sự cố. Đối với những người muốn lắp trạm sạc tại nhà, đặc biệt cho ô tô điện, cần có đánh giá kỹ thuật đầy đủ về tải điện, dây dẫn, ổ sạc chuyên dụng và hệ thống tiếp địa, tránh tự ý lắp đặt hoặc mua thiết bị trôi nổi.