Trùm bất động sản quyết thâu tóm doanh nghiệp dệt bằng "chim mồi"?

Thứ hai, 19/03/2018, 15:31 PM

Hai nhà đầu tư mới xuất hiện với tiềm lực một trời một vực sẽ trở thành cứu cánh cho thương vụ thoái vốn của Khatoco tại Dệt Tân Tiến vào cuối tháng Ba tới đây. Sự xuất hiện của một doanh nghiệp “bé hạt tiêu” trong thương vụ này được xem là “nước cờ” cao tay của “trùm bất động sản” tại Nha Trang.

Kinh doanh bết bát

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố thông tin, hai nhà đầu tư gồm công ty CP Thương mại Đầu tư P.H Nha Trang và công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Đất phố Nha Trang đã đăng ký mua khối lượng lớn cổ  phần đấu giá của công ty CP Dệt Tân Tiến.

Cả hai đơn vị này đều đăng ký chào mua toàn bộ 4.933.300 cổ phần, tương  đương 88,09% vốn của Dệt Tân Tiến trong phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào sáng ngày 27/3 tới. Đây là toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của tổng công ty Khánh Việt (Khatoco).

Trước đó, vào cuối tháng 12/2017, Khatoco đã chào bán lô cổ phần trên song buổi đấu giá không thể diễn ra do chỉ có một nhà đầu tư tham gia.

Công ty CP Dệt Tân Tiến có lịch sử từ năm 1996, khởi đầu là đơn vị phụ thuộc xí nghiệp Liên hợp thuốc lá Khánh Hoà (Khatoco), tới nay hoạt động chủ  yếu trong lĩnh vực sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu trực tiếp các loại sợi, vải, áo quần...

Tình hình kinh doanh của công ty CP Dệt Tân Tiến sụt giảm liên tục trong nhiều năm gần đây. Doanh thu giảm từ 109,3 tỷ đồng năm 2014 xuống 89,4 tỷ đồng năm 2015 và đến năm 2016 chỉ còn 63,2 tỷ đồng và lỗ 16,2 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 không hề có điểm sáng khi chỉ đạt doanh thu 31,6 tỷ đồng, lỗ tiếp 1,8 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo công ty CP Dệt Tân Tiến, kết quả kinh doanh bết bát trong năm 2016 bởi thị trường không thuận lợi, tiêu thụ sản phẩm chậm, nhu cầu của khách hàng  giảm và chưa chủ động được nguồn vải mộc đầu vào...

Cũng trong năm 2016, Dệt Tân Tiến đã giảm vốn điều lệ từ 96,7 tỷ đồng về 56 tỷ đồng bằng việc hủy 199.700 cổ phiếu quỹ (tương đương 1,997 tỷ đồng) và hoàn trả 38,714 tỷ đồng cho cổ đông, dẫn đến giảm đáng kể vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Công ty.

Trước tình hình trên, ban lãnh đạo Dệt Tân Tiến khẳng định các chỉ tiêu tài chính vẫn ở mức khá an toàn.

"Chim mồi" cho phiên đấu giá?

Tuy vậy, điểm thu hút giới đầu tư của công ty CP Dệt Tân Tiến trong đợt thoái vốn của Khatoco lần này nằm ở các tài sản cố định, trong đó có khu đất rộng 23.372m² tại khu Bình Tân, phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, Khánh Hoà. Công ty đang sử dụng lô đất trên làm nhà xưởng. Khu đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả tiền thuê hàng năm và có thời hạn sử dụng đến đầu năm 2020.

Theo quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Khánh Hòa, diện tích đất thuê này sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở hỗn hợp. Công ty không được tiếp tục thuê sử dụng để sản xuất kinh doanh và sẽ phải di dời vào khu công nghiệp.

Nhiều khả năng, thương vụ thâu tóm dệt Tân Tiến sẽ trở thành nước cờ tiếp theo của

Nhiều khả năng, thương vụ thâu tóm dệt Tân Tiến sẽ trở thành nước cờ tiếp theo của "trùm bất động sản" P.H Group tại Nha Trang. (Ảnh minh họa)

Điều khó hiểu là theo công bố của HOSE, một trong hai nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô cổ phần của Dệt Tân Tiến là công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Đất phố Nha Trang chỉ có vốn điều lệ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng. Với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP, nhà đầu tư "bé hạt tiêu" kể trên sẽ phải chi ra gần 50 tỷ đồng - gấp hơn 40 lần vốn điều lệ để sở hữu Dệt Tân Tiến. Cái tên còn lại, công ty CP Thương mại Đầu tư P.H Nha Trang có vốn điều lệ 485 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 183 tỷ đồng và tổng nguồn vốn kinh doanh 486 tỷ đồng.

So về tiềm lực của hai đối thủ cạnh tranh trong thương vụ lần này, P.H Nha Trang nhiều khả năng sẽ đấu giá thành công để sở hữu Dệt Tân Tiến, đồng nghĩa sẽ là chủ nhân mới của mảnh đất vàng rộng hơn 2ha nằm giữa trung tâm Nha Trang.

Lý giải cho sự xuất hiện của "bé hạt tiêu" với số vốn 1,2 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây chỉ là "chim mồi" cho đợt đấu giá thành công (quy định phải có hai nhà đầu tư trở lên mới tiến hành đấu giá).

Trước đó, thương vụ thoái vốn Nhà nước đình đám hồi cuối năm 2017 tại tổng công ty Bia rượu - Nước giải khát Sài  Gòn (Sabeco) cũng gây xôn xao giới đầu tư khi xuất hiện nhà đầu tư "thầy cúng" với lệnh đặt mua vừa đúng bằng mức tối thiểu 20.000 cổ phiếu. Sau đó, nhà đầu tư này đã chấp nhận bỏ số tiền đặt cọc trị giá 641 triệu đồng (10% giá trị đấu thầu) thay vì chi 6,4 tỷ để mua số cổ phiếu đã đấu giá thành công. Toàn bộ lô cổ phiếu 343.662.587 cổ phiếu (tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco) nghiễm nhiên về tay tỷ phú Thái thông qua công ty Vietnam Beverage.

Đại gia nào đứng sau?

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, công ty CP Thương mại Đầu tư P.H Nha Trang là thành viên của công ty CP Tập đoàn Đầu tư P.H (P.H Group) có trụ sở tại Hà Nội.

P.H Group được thành lập từ năm 2005, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản - khá xa lạ với ngành nghề của Dệt Tân Tiến. Vốn điều lệ của P.H Group là 300 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tài cùng các thành viên gia đình sở hữu 75% vốn.

Doanh nghiệp của ông Trần Anh Tài được biết đến với dự án Nhà ở xã hội rộng 3ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng tại TP.Hưng Yên. Theo giới thiệu, P.H Group còn sở hữu dự án Khu nhà vườn sinh thái Cộng Hoà quy mô 83,36 ha, tổng vốn 1.240 tỷ đồng tại xã Cộng Hoà, Quốc Oai, Hà Nội; dự án Khu resort Chằm Bưng, Hoà Lạc rộng 10,3ha; dự án Khu đô thị thương mại PH Goldenlan 16ha tại Quốc Oai (vốn đầu tư 600 tỷ đồng); dự án Khu nhà vườn, sinh thái, nhà hàng dịch vụ  Yên Sơn nằm trên Đại lộ Thăng Long có diện tích 1,8ha (tổng vốn đầu tư 270 tỷ đồng)...

Ngoài ra, P.H Group còn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ với nhà máy Phương Hạnh có mức đầu tư 150 tỷ đồng tại Khu Công nghiệp Phùng Xá, Quốc Oai.

Tại Nha Trang, P.H Group cũng là nhà đầu tư có tiếng với dự án khách sạn Otis No 01 cao 40 tầng và dự án nhà ở xã hội P.H Nha Trang quy mô 1.272 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng, thương vụ thâu tóm Dệt Tân Tiến sẽ trở thành nước cờ tiếp theo của "trùm bất động sản" này tại Nha Trang.  

Theo NĐT

largeer