TP.HCM quyết trị dự án "treo", xử lý dứt điểm sai phạm
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định doanh nghiệp được TP giao đất mà không thực hiện dự án thì bị thu hồi. Việc kiểm điểm tập thể liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm sẽ kết thúc trong tháng 11 này.
Ngày 1/11, UBND TP.HCM đã họp về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng tháng 10 và 10 tháng năm 2018. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết từ khi TP công bố Nghị quyết 80 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) thì chủ tịch UBND TP giao sở này rà soát lại tất cả nội dung mà Chính phủ cho phép. Qua đó, Sở TN-MT đã rà soát 2.882 dự án.
Không để tiếp diễn tình trạng "xí" đất
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, sau khi rà soát toàn bộ dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ năm 2012 đến 2017 thì có tổng cộng 1.497 khu đất và đã được phân ra từng loại để có biện pháp xử lý. Trong số này, TP đã cho phép chuyển 1.431 khu đất. Thế nhưng đến nay, vẫn còn một số dự án chậm hoặc chưa triển khai nghĩa vụ tài chính. "Sở TN-MT xin lịch làm việc với chủ tịch UBND TP vào tuần sau để giải quyết từng nhóm và công khai một cách cụ thể" - ông Thắng đề xuất.
Nghe đến đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP giao đất cho doanh nghiệp (DN) mà DN không triển khai thì người dân bức xúc, tạo hệ lụy mới. Như ở quận 9 có một số người chuyên đi cắm chòi chiếm đất, rồi gây ra tranh chấp. "Tôi đề nghị phải quyết liệt, nếu dự án nào TP giao đất mà không triển khai thì phải thu hồi, còn nếu chậm thì phải phạt nặng. Bởi thực tế ở quận 2 đã xảy ra tình trạng nhiều dự án giao đất cho nhà đầu tư, họ bỏ đó rồi sang nhượng, trong khi nhiều nhà đầu tư khác cần mà không có. Rồi các DN nhà nước được giao đất nhưng không sử dụng đúng công năng. Như hôm rồi, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn phải thu hồi 6-7 miếng đất để bán đấu giá. HĐND TP giám sát và chỉ ra nhiều vấn đề nên Sở TN-MT phải tính toán lại khẩn trương và có hiệu quả" - Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.
Ngoài việc mạnh tay xử lý những chủ đầu tư dự án "xí" đất để đó hay sang nhượng, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết TP sẽ gặp gỡ các DN thực sự khó khăn về thủ tục khi triển khai dự án để tìm cách tháo gỡ, tránh gây tổn thất cho DN. Bởi tình trạng này xảy ra sẽ khiến DN khổ sở vì phải trả lãi ngân hàng, trong khi tiền sử dụng đất, TP cũng không thu được.
Liên quan đến dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, lãnh đạo UBND TP thông tin sắp tới, TP sẽ tổ chức đấu thầu dự án này và có ít nhất 4 nhà đầu tư lớn sẽ thực hiện dự án, trong đó có nhà đầu tư đồng ý ứng 3 tỉ USD để triển khai. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang đưa ra những tiêu chí để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hơn cả, nhằm giải quyết những khó khăn về nhu cầu nhà ở cho các hộ dân trong diện quy hoạch trên bán đảo Thanh Đa, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng là cấp phép xây dựng có thời hạn để người dân được xây dựng, sửa chữa nhà cửa chứ không cấm như trước đây.
Gấp rút xử lý vụ Thủ Thiêm
Tại buổi họp báo ngay sau đó, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo ông Hoan, UBND TP đã chuẩn bị và trình Ban Thường vụ Thành ủy 3 chính sách hỗ trợ lớn, gồm: bồi thường, hỗ trợ cho bà con thuộc 4,3 ha nằm ngoài ranh; hỗ trợ bổ sung cho bà con đang khiếu nại trong ranh; hỗ trợ tái định cư nhưng không đủ tiêu chuẩn tái định cư. Cụ thể, đối với người dân đang tái định cư không đủ điều kiện đang ở khu chung cư 1.080 căn và thuê hoặc mua trả góp thì TP sẽ xem xét giảm tối đa chi phí để người dân không còn nợ. "Trong tuần sau, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong sẽ lấy ý kiến, tiếp xúc với người dân khiếu nại ở Thủ Thiêm và sau đó sẽ tiếp xúc với người dân ở khu chung cư 1.080 căn" - ông Hoan nói về lịch làm việc sắp tới.
Về vấn đề ranh quy hoạch, người phát ngôn của UBND TP cho hay Sở TN-MT đã phối hợp Tổng cục Đo đạc bản đồ (thuộc Bộ Xây dựng) và căn cứ vào cơ sở pháp lý của các quyết định, bản đồ kèm theo đã xác định được ranh 4,3 ha trên bản đồ. TP sẽ báo cáo và xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý ranh, sau đó sẽ tổ chức họp người dân, xác định ranh cụ thể của từng khu, từng trường hợp. Bên cạnh đó, TP đã phối hợp Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng rà soát 64 dự án trong khu 160 ha của Thủ Thiêm để xác định sai cái gì, lỗi của ai và giải pháp khắc phục. Dự kiến, Tổ công tác sẽ thực hiện rà soát trong tháng 11, đến đầu tháng 12 có kết quả và xử lý từng trường hợp.
Đặc biệt, ông Võ Văn Hoan thông tin UBND TP đang hoàn chỉnh và báo cáo tập thể thường trực, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy sau đó tiến hành kiểm điểm các tập thể như UBND TP HCM các thời kỳ, UBND quận 2, UBND các phường và Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm và việc kiểm điểm này kết thúc trong tháng 11. "Sau đó, UBND TP phối hợp với kết quả của Ủy ban Kiểm tra, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… để kiểm điểm những cá nhân liên quan" - chánh Văn phòng UBND TP chia sẻ.
Chấp nhận bị kiện để khắc phục sai phạm
Tại buổi họp báo, ngoài vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc xử lý đối với sai phạm ở khu "đất vàng" số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) cũng được báo chí quan tâm đặt nhiều câu hỏi. Trả lời báo chí, ông Võ Văn Hoan nói TP có 2 việc phải làm là thu hồi và kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, việc TP thu hồi đất của DN là chuyện phải làm và chấp nhận bị DN khởi kiện. "Mình thu hồi đất thì đương nhiên sẽ có khởi kiện vì thu hồi là một sự kiện pháp lý. Vấn đề là sai thì phải thu hồi" - ông Hoan khẳng định. Còn việc kiểm điểm, theo chánh Văn phòng UBND TP, hiện UBND TP đã nhận được bản kiểm điểm của một số đơn vị như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP. "Những bản kiểm điểm này chưa đạt yêu cầu nên UBND TP đã chỉ đạo làm lại. Riêng việc kiểm điểm các lãnh đạo trong Thường trực UBND TP thì cũng đã có kế hoạch và nội dung kiểm điểm" - ông Hoan thông tin.
Được giao nhiệm vụ tham mưu thủ tục thu hồi khu đất trên, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay sở này đã tham mưu UBND TP về việc thu hồi, đấu giá khu đất theo đúng tinh thần chỉ đạo của kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, TP đã giao Sở Tư pháp rà soát để bảo đảm các quyết định hành chính ban hành ra phải hết sức chặt chẽ, đặc biệt là liên quan đến quyền lợi của một số đơn vị. Theo ông Thắng, trong quá trình thực hiện các thủ tục thu hồi không có trở ngại nào.
Đẩy mạnh khai thác du lịch
Phát biểu chỉ đạo ở cuộc họp kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng tháng 10 và 10 tháng năm 2018, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tái khẳng định ngành du lịch của TP rất nhiều tiềm năng nhưng do công tác quảng bá còn hạn chế nên chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Thành Phong dẫn chứng là nhiều ngôi chùa, bảo tàng chưa được khai thác hết tiềm năng... Vì vậy, ngành du lịch TP phải không ngừng nghĩ ra những sản phẩm mới để thu hút du khách. Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Du lịch gấp rút nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch của TP bởi nhiệm vụ này đã được giao từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Các công ty đòi nợ, cầm đồ vào tầm ngắm
Tại buổi họp báo, thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết thời gian qua tại TP, hoạt động cho vay lãi nặng, "tín dụng đen" và các hành vi trái pháp luật có liên quan đến hoạt động này diễn biến phức tạp. Để chấn chỉnh, Công an TP đã lên danh sách 600 "anh, chị" hoạt động cho vay nặng lãi, sau đó thu thập tài liệu để xử lý. Đồng thời, Công an TP đang tăng cường kiểm tra công ty đòi nợ, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay.
SỸ ĐÔNG - PHẠM DŨNG
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội