TP.HCM: Cung - cầu biến động, liệu giá bất động sản sẽ tăng?
Thời gian qua tình hình bất động sản (BĐS) tại TP.HCM đang vướng phải nhiều khó khăn. Nguồn cung BĐS tiếp tục giảm mạnh trong khi nhu cầu nhà ở vẫn cao, điều này khiến nhiều chuyên gia dự báo giá BĐS trong thời gian tới tiếp tục tăng.
Thống kê từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy năm 2019 là năm có tổng nguồn cung giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tức 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Phát biểu tại Hội thảo BĐS 2019 ngày 25/9, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn cung giảm không do doanh nghiệp cũng không phải lỗi người tiêu dùng mà phần lớn bị vướng ở thể chế, chính sách.
“Hiện nay còn nhiều vướng mắc về mặt thể chế, pháp lý dẫn đến việc chồng chéo và khó thực hiện triển khai các dự án. Vì thế quá trình đầu tư xây dựng gặp quá nhiều khó khăn sẽ khiến doanh nghiệp nản, thất thoát, chậm đưa nguồn sản phẩm cung ứng ra thị trường” - ông Châu nhấn mạnh.
Điều này minh chứng trong 6 tháng 2019 chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (29,4%), giảm 2.336 căn (24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018); căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018). Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân nào được đưa ra thị trường.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, trong khi sức hút của thị trường đang rất lớn thì nguồn cung BĐS TP.HCM dừng lại từ đầu năm 2019.
“Thực tế các dự án không phải thiếu khung pháp lý mà khung pháp lý bị xung đột giữa 3 mặt chính: Đế chế đầu tư, đế chế xây dựng và đế chế tài nguyên môi trường. Thiếu thống nhất từ khâu quy hoạch đến khâu triển khai dự án và nhiều khâu khác. Có những cái quy định trong pháp luật chuyên ngành của mình không thống nhất với nhau và đồng thời tồn tại rất nhiều khoảng trống về luật và quy định” - GS. Võ phân tích.
Năm 2019 được đánh giá là năm giảm nguồn cung BĐS giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm so với cùng kỳ năm trước khoảng 60%.
Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng, hệ lụy của việc thiếu cung trong vài năm trong khi nhu cầu vẫn còn cao mà mức thanh khoản hiện cũng cao (các tổ chức uy tín nước ngoài như CBRI, Jabue đều có đánh giá tính thanh khoản của thị trường TP.HCM giao dịch thành công ở mức độ 70%) sẽ đẩy mức giá bất động sản tăng cao trong thời gian tới.
“Thiếu cung mà thanh khoản vẫn cao thì giá BĐS sẽ phải tăng. Điều đó sẽ bất lợi cho nền kinh tế. Như vậy, những ai am hiểu thị trường BĐS đều phải thống nhất rằng nếu chúng ta không khắc phục ngay chuyện có thể tăng cung, giải phóng các ách tắc pháp luật để tăng cung thì một hai năm tới giá BĐS sẽ tăng” - GS. Võ đưa ra dự báo.
Thực tế, nếu điều này xảy ra thì thị trường sẽ tiếp tục biến động lớn, vì giá BĐS tăng luôn kéo theo các chi phí cao hơn, tính cạnh tranh của thị trường lại thấp hơn. Đấy là hệ lụy được đánh giá là rất tiêu cực. Để khắc phục điều này, phải giải quyết những ách tắc của pháp luật để đưa nguồn cung tăng trở lại nhằm cân bằng cung cầu bảo đảm ổn định thị trường và phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.
Kim Ngọc - Đăng Kiệt
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội