Tổng quan đoàn TTVN dự tranh ASIAD 2018
Ngày 14/8, TTVN chính thức ra quân tại đấu trường châu Á đỉnh cao nhất khi đội tuyển Olympic có trận mở màn vòng bảng gặp đối thủ Pakistan. Cũng trong ngày 14/8, đại quân của TTVN do Trưởng đoàn Trần Đức Phấn dẫn đầu có mặt trên đất Indonesia để bước vào một chiến dịch được kỳ vọng rất nhiều song cũng đầy thách thức.
Lực lượng “khủng” nhất lịch sử
Đây là kỳ Đại hội mà TTVN tham dự với lực lượng hùng hậu nhất trong lịch sử, với 353 tuyển thủ của 32 môn, phân môn. Số lượng này vượt xa con số 199 tuyển thủ của 21 môn của ASIAD 2014. Ngoài sự tái xuất của các môn bóng chuyền nam, bóng bàn, quần vợt, lực lượng của đoàn sở dĩ có sự đột phá chủ yếu nhờ các môn tham dự theo phương thức xã hội hóa, như kurash, bóng rổ ba người, bowling. Thành phần đoàn, điền kinh là môn đông nhất với 19 tuyển thủ, tiếp đến là bắn súng và silat cùng có 18 tuyển thủ, trong khi bowling là môn khiêm tốn nhất chỉ góp mặt với 3 tuyển thủ.
Về chất lượng, đội quân sang Indonesia tranh tài cũng có khả năng tranh chấp thành tích, cụ thể là những tấm huy chương, cao và rộng hơn nhiều những lần trước.
353 tuyển thủ, 10 niềm hi vọng và chỉ tiêu 3 HCV
Rõ ràng TTVN có thêm nhiều “cửa” đua tranh, với số lượng tuyển thủ có thể giành huy chương lên tới 50. Thế nhưng phải thắng thắn thừa nhận, việc giành tối thiểu 3 HCV tại ASIAD 2018 vẫn là một chỉ tiêu vô cùng khó khăn. Theo Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, Việt Nam có 10 niềm hi vọng Vàng song trên thực tế hầu hết trong số đó đều mới chỉ đạt mức 50- 50, 45-55, 40 -60 và thấp hơn.
Nhìn nhận một cách thắng thắn, ngoài môn silat với thuận lợi quá rõ để có thể tin tưởng đoạt ít nhất 1 HCV, và phần nào đó là tuyển thủ nhảy xa Bùi Thu Thảo, cua rơ Nguyễn Thị Thật, Việt Nam vẫn không có gương mặt nào đạt tới đẳng cấp của một nhà vô địch, không chỉ đủ sức tranh chấp sòng phẳng mà thuộc diện nếu không đoạt Vàng có thể coi là bất ngờ. Thế nên hành trình chinh phục đích giành tối thiểu 3 HCV đối với TTVN vẫn là một thử thách cực lớn, chẳng những phụ thuộc vào nỗ lực tự thân, sự tỏa sáng ở thời điểm quyết định của chính các tuyển thủ xuất sắc mà còn đòi hỏi cả vào may mắn. Việc chỉ đoạt nổi 1 HCV ở hai kỳ Đại hội trước hãy còn ám ảnh cả đoàn quân, nhất là lãnh đạo đoàn.
4 tuyển thủ Việt Kiều & tuyển thủ “em út” tuổi 15
Nếu Đại hội trước chưa có ai, ở kỳ Á vận hội này, TTVN thu hút được sự đóng góp của 4 tuyển thủ Việt kiều. Ngoài gương mặt quen thuộc từng giành huy chương SEA Games 29 là kình ngư Lê Nguyễn Paul, còn có hai tay vợt Lý Nguyễn Savvana và Fodor Lê ở môn quần vợt và Nguyễn Tienna Katelyn ở của đội thể dục dụng cụ nữ. Trong đó, VĐV Việt kiều Mỹ Nguyễn Tienna Katelyn được kỳ vọng có thể tranh huy chương.
Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh cùng người đồng đội Trần Quốc Cường cùng sinh năm 1974 của ĐTQG bắn súng chính là hai tuyển thủ cao tuổi nhất ở Đoàn TTVN.
Càng thú vị hơn, bởi thành viên trẻ nhất của đoàn cũng ở môn bắn súng, với xạ thủ 15 tuổi Bùi Thị Thu Thủy. Nhiều khả năng Thu Thủy sẽ được chọn để đấu cặp cùng đàn chú Xuân Vinh ở nội dung súng ngắn nam nữ phối hợp mà Việt nam có cơ hội tranh huy chương.
Pencak Silat lập tức là “mũi nhọn” số 1
Sự xuất hiện của ĐTQG pencak silat khi môn này lần đầu được đưa vào chương trình, đã giúp cho TTVN lập tức có một “mũi nhọn” vượt trội trong khả năng giành huy chương, đặc biệt là Vàng.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, pencak silat với đội hình 16 võ sĩ cực mạnh, được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể mang về không dưới 10 huy chương các loại, và chắc chắn sẽ có Vàng, thậm chí không chỉ 1. Như ở nội dung đối kháng, cả 10 võ sĩ Việt đều đủ sức để tranh chấp sòng phẳng huy chương, với 5 người có thể lọt vào tới trận chung kết. Điều duy nhất mà pencak silat Việt Nam lo ngại, không phải về trình độ chuyên môn, khả năng thi đấu mà những vấn đề hậu trường, liên quan đến vấn nạn trọng tài xử ép, nước chủ nhà gom Vàng và chia chác thành tích vốn từng xảy ra với môn này như cơm bữa tại các kỳ SEA Games.
Thầy trò Park Hang Seo không bị áp chỉ tiêu
Theo Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn, ngành thể thao không đặt ra bất cứ chỉ tiêu cụ thể nào cho ĐTBĐ Olympic với thần phần chủ chốt là những người đã làm nên kỳ tích tại giải U.23 châu Á. Ngành thể thao chỉ yêu cầu thầy trò ông Park chuẩn bị tốt nhất và thi đấu hết sức. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đây chỉ là một cách nhằm tránh sức ép không cần thiết, còn Olympic Việt Nam sẽ phải phấn đấu chinh phục đích rất cao, vào càng sâu càng tốt, chứ không chỉ đơn giản là việc vượt qua vòng bảng, ở một bảng đấu được đánh giá quá dễ, ngoài Nhật Bản là hai đối thủ rất yếu Pakistan và Nepal.
Nhị Hường
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch