Tỏi cô đơn Việt giá cao gấp 10 lần hàng Trung Quốc, Myanmar
Tỏi cô đơn Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có giá cao gấp 4, thậm chí hơn 10 lần tỏi cô đơn nhập khẩu
Ngay từ đầu tháng 6, các cửa hàng chuyên bán đặc sản vùng miền tại TP HCM đã bắt đầu rao bán tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vụ 2018. Ngay đầu mùa, tỏi cô đơn Lý Sơn đã được treo giá cao ngất ngưởng từ 1 – 1,4 triệu đồng/kg (giá bán lẻ). Cụ thể, cửa hàng Đặc Sản Ngon (đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12) rao giá 1,3 triệu đồng/kg loại 1 kèm cam kết 100% xuất xứ từ Lý Sơn, nếu khách hàng phát hiện củ nào không đúng tỏi Lý Sơn, công ty sẽ tặng và bồi thường 100 lần giá trị sản phẩm.
Chủ một đại lý phân phối tỏi Lý Sơn tại TP HCM cho biết những năm gần đây, giá tỏi cô đơn Lý Sơn ngày càng tăng do nguồn cung hạn chế. Tỏi cô đơn còn gọi là tỏi 1 tép, tỏi 1, tỏi đơn do quá trình sinh trưởng không đẻ ra nhiều nhánh như thông thường. Ở phương thức canh tác truyền thống, tỉ lệ tỏi cô đơn dưới 5% nên sản lượng rất thấp. Do hiếm nên nhiều người chọn tỏi Lý Sơn để làm quà biếu đẩy giá sản phẩm lên cao. Nếu so với tỏi Lý Sơn bình thường, loại nhiều tép, giá tỏi cô đơn cao gấp 10 lần.
Trước nhu cầu của thị trường, những năm gần đây xuất hiện các loại tỏi cô đơn nhập khẩu với giá rẻ hơn rất nhiều. Đáng chú ý là tỏi cô đơn Myanmar, với người không sành có thể bị nhầm lẫn với tỏi Lý Sơn do kích cỡ tương tự. Tỏi cô đơn Myanmar có giá bán lẻ từ 300.000 – 600.000 đồng/kg, tùy chất lượng và tỉ lệ lẫn tỏi 2 tép. Theo nhân viên cửa hàng chuyên nông sản nhập khẩu trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP HCM) thì dòng sản phẩm này bán khá chạy nhờ chất lượng gần bằng sản phẩm cùng loại của Việt Nam nhưng giá lại rẻ hơn nhiều.
Giá tỏi cô đơn rẻ nhất là loại nhập từ Trung Quốc. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) hay chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP HCM), người mua sỉ đều biết xuất xứ hàng hóa do còn bao bì gốc, trong khi ở các chợ lẻ, tiểu thương thường gọi là "tỏi bắc". Loại tỏi này có giá lẻ chỉ 90.000 đồng/kg (gấp 1,5 lần giá tỏi Trung Quốc nhiều tép) và bán khá chạy do lột vỏ dễ hơn các loại tỏi nhiều tép.
Theo ông Trần Văn Son, chủ một cơ sở sản xuất tỏi đen ở quận Thủ Đức có sử dụng tỏi cô đơn Trung Quốc để làm nguyên liệu, thì nước này có giống tỏi cô đơn nên sản xuất đại trà, từ đó có giá thành rẻ.
Chủ một dự án khởi nghiệp về tỏi đen cho biết đã tìm hiểu nhiều năm về các vùng tỏi nguyên liệu Việt Nam nhận thấy nếu canh tác theo phương thức truyền thống thì nguồn cung tỏi cô đơn rất hạn hẹp. Ngoài tỏi cô đơn Lý Sơn đã nổi tiếng, Việt Nam còn có tỏi cô đơn từ Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), Phù Yên (Vĩnh Phúc),… Trong đó, tỏi cô đơn Phan Rang, Phan Thiết được giới chuyên môn đánh giá cao về dược tính nhưng người tiêu dùng ít biết đến nên giá chỉ bằng 2/3 tỏi cô đơn Lý Sơn.
"Nguồn cung quá khan hiếm là yếu tố khiến tỏi cô đơn Lý Sơn có giá cao ngất. Hiện nay đã có một số nghiên cứu và ứng dụng sản xuất đại trà tỏi cô đơn ngay tại Lý Sơn. Với công nghệ mới, tỉ lệ thu hoạch tỏi cô đơn đạt đến 95%, cho ra sản lượng lớn thì giá tỏi cô đơn sẽ hạ xuống khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, sẽ có nhiều người tiêu dùng có khả năng mua tỏi cô đơn Lý Sơn để dùng" – ông này cho hay.
VƯƠNG NGỌC
-
Vĩnh Long: Phạt hành chính gần 60 triệu đồng đối với hộ kinh doanh quần áo may sẵn, giày thể thao
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc